Phan Trần Hà Linh, lớp 12 Anh 2, Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận tin trúng tuyển ngành Quản trị Kinh doanh, Đại học Quốc gia Singapore (NUS), hôm 29/4.
Theo xếp hạng của QS 2024, NUS xếp thứ 8 thế giới, với học phí 33.000 SGD (hơn 600 triệu đồng) một năm. Ngoài ra, nữ sinh còn trúng tuyển ĐH Công nghệ Nanyang, ngôi trường xếp thứ 2 Singapore.
Ấn tượng về đất nước và con người Singapore kể từ lớp 5, sau chuyến đi trại hè kéo dài hơn 10 ngày, Hà Linh mong muốn sớm có cơ hội được quay trở lại và học tập tại đây. Tuy nhiên, Linh chưa có ý định đi du học ngay ở bậc đại học. Đến năm lớp 12, nữ sinh mong muốn được “cọ xát” nên mới quyết định bắt tay làm hồ sơ.
Phan Trần Hà Linh, lớp 12 Anh 2, trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Vietnamnet.
Theo Linh, Singapore rất đề cao yếu tố thành tích học thuật, giải thưởng. Trong khi đó, nữ sinh có điểm tổng kết đạt 9,3, 8.0 IELTS và 1480/1600 SAT. Linh cho rằng những mức điểm này không quá cạnh tranh, vì thế trong hồ sơ, nữ sinh chuyên Ngữ cố gắng thuyết phục hội đồng tuyển sinh thông qua bài luận và hoạt động ngoại khóa để thể hiện sự sáng tạo cùng khả năng lãnh đạo.
Chẳng hạn, từ năm lớp 10, Linh đã tham gia và trở thành phó ban nội dung của câu lạc bộ về môi trường trong trường học. Việc chịu trách nhiệm cho các ý tưởng, tổ chức sự kiện và truyền thông giúp Linh bắt đầu khám phá ra sở thích của bản thân trong lĩnh vực marketing.
Vì thế, đến năm lớp 11, Linh đã tìm hiểu và có cơ hội thực tập tại bộ phận marketing ở một công ty dược mỹ phẩm. Tại đây, nữ sinh tham gia sáng tạo nội dung để quảng bá sản phẩm trên các nền tảng xã hội.
Ngoài ra, Linh còn tham gia vào một bài nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của nữ phó giáo sư tại Trường ĐH Ngoại thương về nhu cầu sử dụng sản phẩm trị mụn trong việc chăm sóc da.
Bên cạnh đó, Linh cũng có trải nghiệm khởi nghiệp với cửa hàng bán đồ móc len online trên mạng xã hội Instagram. Khi có khách mới vào, em thường xuyên tìm hiểu khách hàng của mình xem họ là ai, thường sẽ sẵn sàng chi tiêu bao nhiêu, từ đó đưa ra các mức giá phù hợp cho sản phẩm của mình để thu hút thêm nhiều khách hàng.
Được biết, sở thích đan len của Linh đến từ việc mong muốn được tặng những người bạn thân của mình những món quà ý nghĩa, độc đáo, không thể tìm thấy ở đâu. Linh quyết định chọn làm các sản phẩm móc len và cảm thấy mình khá có “năng khiếu” đối với bộ môn này.
Trong quá trình bán hàng, Linh tự mày mò tìm cách quảng bá cho sản phẩm, tự chụp ảnh, quay video, thiết kế các bài đăng trên mạng xã hội. Các khâu quản trị, đóng gói và gửi hàng đến tay khách cũng do Linh tự học hỏi và quản lý.
Linh còn trở thành Quán quân trong cuộc thi AI Innovator Challenge vào cuối tháng 3/2024. Ảnh: Vietnamnet.
Cuối tháng 3 vừa qua, Linh còn trở thành Quán quân trong cuộc thi AI Innovator Challenge nhờ việc tạo ra một ứng dụng chuyển đổi giọng nói sang ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính. Theo thể lệ cuộc thi, học sinh sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra một ý tưởng kinh doanh và ứng dụng nó vào các lĩnh vực trong cuộc sống.
Xuất phát từ những khó khăn trong giao tiếp của các em nhỏ câm điếc tại mái ấm Thụy An (Ba Vì, Hà Nội) mà Linh gặp trong một chuyến đi thiện nguyện, em đã nảy ra ý tưởng sử dụng AI để tạo ra một ứng dụng dịch thuật, giúp chuyển tải mọi thông tin từ giọng nói, hình ảnh, clip, video thành ngôn ngữ ký hiệu và ngược lại, từ đó hỗ trợ người khuyết tật giao tiếp hiệu quả. Dự án này vượt qua hơn 600 sản phẩm khác, giúp Linh nhận về giải Nhất và được Hội đồng khoa học đánh giá cao vì những tác động đến xã hội.
Trong hồ sơ nộp tới ĐH Quốc gia Singapore, theo Linh, thách thức nhất vẫn là phần viết luận. ĐH Quốc gia Singapore yêu cầu ứng viên phải viết 5 bài luận với giới hạn từ khắt khe, khoảng 550 – 1.100 ký tự. Linh cho rằng điều này rất khó để vẽ lên tính cách nổi trội và kể được câu chuyện của bản thân.
Cuối cùng, trong bài luận “kể về thành tựu lớn nhất của em”, Linh quyết định viết về niềm đam mê với móc len và hành trình tự xây dựng shop. Hành trình ấy đã giúp Linh hiểu thêm về cách xây dựng thương hiệu, marketing sản phẩm hay cách chụp ảnh, thiết kế.
Theo Linh, điểm sáng trong hồ sơ của em là sự cân bằng giữa yếu tố học thuật và hoạt động ngoại khoá. Hầu hết các hoạt động Linh tham gia đều cho em những trải nghiệm khác nhau, từ đó giúp em có sự chuẩn bị sớm về kỹ năng, kiến thức liên quan đến ngành học là Marketing và Quản trị kinh doanh.
Lời khuyên của Linh dành cho các bạn đang có ý định du học chính là hãy tìm ra thứ mình thích và nỗ lực “chăm sóc” cho những điều mình tâm huyết. Hãy mạnh dạn ra khỏi vùng an toàn, bởi càng nỗ lực bước tiếp, bạn sẽ dần nhìn rõ con đường của mình và cảm thấy an tâm.
Hiện tại, nữ sinh vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng vì vẫn đang chờ đợi kết quả từ một trường đại học khác tại Singapore, tuy nhiên Linh cho biết vẫn sẽ theo học ngành Quản trị Kinh doanh, tập trung vào lĩnh vực Marketing. Linh cho biết, mình thích môi trường ở Việt Nam và dự định về nước khởi nghiệp sau khi tốt nghiệp