Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhóm đối tượng về các tội danh "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức" và "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".
Nhận định từ cơ quan chức năng, thời gian gần đây, nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản gia tăng, diễn biến phức tạp. Các đối tượng chiếm đoạt số tiền lớn bằng nhiều thủ đoạn, phương thức tinh vi, trong đó có việc lợi dụng sơ hở về quản lý thông tin khách hàng, cấp sim điện thoại của các nhà mạng viễn thông, quản lý dịch vụ chuyển tiền online, đăng ký mở tài khoản của nhiều ngân hàng.
Các đối tượng tại cơ quan công an.
Với chỉ đạo từ Ban Giám đốc CATP Hà Nội trong việc quyết tâm phòng ngừa, đấu tranh tội phạm công nghệ cao, CAQ Hà Đông nhanh chóng vào cuộc với nhiều biện pháp chuyên sâu bài bản, kiên trì, có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ của CATP và Bộ Công an đã triệt phá thành công ổ nhóm tội phạm chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của người dân.
Qua quá trình điều tra, Ban chuyên án đã xác định kẻ cầm đầu đường dây này là Phạm Thu Diệu (SN 1991; trú tại xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá).
Đồng bọn, giúp sức cho Diệu là: Nguyễn Thanh Tuấn (SN 1993, trú tại xã Thanh Hoà, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang); Nguyễn Quang Anh (SN 1987; trú tại phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội); Nguyễn Ngọc Cảnh (SN 1984; trú tại xã Yên Luật, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ), Trần Thị Thu Hương (SN 1980, trú tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) và Nguyễn Hà Trung (SN 1987; trú tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Lật lại hồ sơ mới hay, Phạm Thu Diệu là đối tượng không nghề nghiệp, không có nơi ở cố định, đang được tại ngoại chờ xét xử do nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, do Phòng Cảnh sát Kinh tế CATP Hà Nội khởi tố điều tra từ năm 2021.
Khoảng đầu tháng 5/2022, lợi dụng sơ hở trong giao dịch chuyển khoản qua hệ thống ngân hàng, Diệu nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền trong tài khoản bằng hình thức chiếm đoạt sim điện thoại đăng ký tài khoản của chủ tài khoản.
Diệu vào mạng xã hội mua thông tin tài khoản ngân hàng. Khi có đầy đủ thông tin, Diệu móc nối, giao nhiệm vụ cho Nguyễn Thanh Tuấn làm lại sim điện thoại của chủ tài khoản.
Thông qua mạng xã hội, Tuấn liên hệ với Nguyễn Quang Anh, là đại lý uỷ quyền của nhà mạng viễn thông; mua thông tin chủ thuê bao số sim điện thoại cần làm lại theo yêu cầu của Diệu với giá 150.000 đồng/1 sim.
Tuấn lên mạng, tiếp tục mua chứng minh nhân dân giả mang tên chủ thuê bao số sim cần làm lại với giá 1,5 triệu đồng rồi móc nối, giao nhiệm vụ cho Nguyễn Ngọc Cảnh, Trần Thị Thu Hương, Nguyễn Hà Trung dùng các chứng minh nhân dân giả đến các cửa hàng mạng viễn thông để cấp lại sim với giá thoả thuận 5 triệu đồng/1 sim.
Sau khi chiếm đoạt được sim điện thoại của chủ tài khoản ngân hàng, Tuấn liên hệ với Cảnh để Cảnh giao sim điện thoại cho Diệu.
Lúc này, Diệu lắp sim vào điện thoại, tải ứng dụng chuyển tiền của ngân hàng, xin cấp lại mật khẩu tài khoản ngân hàng rồi đăng nhập vào tài khoản chuyển khoản toàn bộ tiền trong tài khoản của chủ tài khoản đến nhiều tài khoản trung gian, mua bán tiền ảo để thực hiện việc rửa tiền, tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng.
Với phương thức thủ đoạn nêu trên, cơ quan chức năng xác định, từ ngày 22/5/2022 đến ngày 31/5/2022, nhóm đối tượng này đã chiếm đoạt được khoảng 10 tỷ đồng.
Hiện cơ quan công an vẫn đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
T.V