Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nỗi niềm của người vợ lính đảo Hoàng Sa

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Chị vẫn luôn thầm mong cho chồng và những đồng đội luôn vững tin, bền chí, giữ bình yên cho đất nước, sớm hoàn thành nhiệm vụ để trở về đoàn tụ với gia đình.

(ĐSPL) - Chị vẫn luôn thầm mong cho chồng và những đồng đội luôn vững tin, bền chí, giữ bình yên cho đất nước, sớm hoàn thành nhiệm vụ để trở về đoàn tụ với gia đình.

Chị là Bùi Thị Thu Hiền (SN 1987) ngụ phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng - vợ của Thượng úy Tạ Viết Cường (SN 1983), trưởng ngành cơ điện tàu Cảnh sát Biển CSB 2012 đang chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc ở Hoàng Sa.

Sự hy sinh của người vợ lính đảo Hoàng Sa

Chúng tôi tìm đến và gặp chị Hiền trong một ngày nắng nóng cuối tháng 6. Phải khó khăn lắm chị mới có thể sắp xếp được thời gian gặp và trải lòng với chúng tôi. Hiện tại, chị Hiền đang công tác tại Bệnh viện chấn thương chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng. Những ca trực suốt đêm cộng với cái nắng gắt khiến cho người phụ nữ đang thai nghén tiều tụy hẳn.

Nhưng khi chúng tôi nhắc đến người chồng đang làm nhiệm vụ trên con tàu CSB 2012 ở Hoàng Sa, chị nở một nụ cười hạnh phúc. Dường như bao nhiêu mệt mỏi tan biến theo những câu chuyện chị kể về tình yêu của vợ chồng mình: “Lo cho chồng, thương chồng bao nhiêu lại càng ý thức về chủ quyền biển đảo bấy nhiêu. Tôi luôn nhủ với lòng mình, cuộc sống bình yên ở đất liền hôm nay đều một phần nhờ vào những hi sinh của các chiến sỹ Hoàng Sa, nên mình không chỉ lo toan việc nhà mà phải luôn động viên anh yên tâm công tác”.

Chị Hiền và anh Cường quen nhau vào năm 2008 qua sự mai mối của một người anh họ hiện cũng đang làm Cảnh sát biển. Ngày đó, chị vừa mới tốt nghiệp trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh nên vào TP. Đà Nẵng xin làm việc ở Bệnh viện chấn thương chỉnh hình và phục hồi chức năng TP. Đà Nẵng. Còn anh Cường quê ở Thái Bình trước đây làm Cảnh sát biển ở Hải Phòng sau đó chuyển vào Quảng Nam công tác. Vì đặc trưng công việc của anh là thường xuyên phải tuần tra trên biển nên họ chỉ liên lạc với nhau qua điện thoại.

“Lúc đó tôi cũng chỉ chuyện trò cho vui thôi chứ không hề nghĩ là sẽ yêu anh. Chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên sau 2 tháng liên lạc với nhau qua điện thoại. Đó là lần anh ấy về phép. Lúc gặp anh, tôi thấy anh ấy rụt rè chứ không nói nhiều như khi nói chuyện trên điện thoại. Vậy nhưng tôi đã cảm thấy bắt đầu có cảm tình với sự hiền lành của anh ấy”, chị Hiền tâm sự.

Tình cảm của hai người ngày một lớn dần lên và 2 năm sau đó hai người đã quyết định đi đến hôn nhân. Biết  rằng yêu một chiến sĩ cảnh sát biển phải chấp nhận những hy sinh và thiệt thòi nhưng chị vẫn yêu say đắm.

“Trước đây tôi cũng có nghĩ rằng khi lấy anh ấy thì khoảng thời gian mà chúng tôi được gần gũi, bên cạnh nhau sẽ không được là bao. Con gái thì ai cũng muốn chồng mình luôn có mặt bên cạnh để gánh vác việc gia đình thì mình sẽ đỡ vất vả hơn. Nhưng tình yêu tôi dành cho anh ấy đã khiến cho tôi xua tan những suy nghĩ đó mà quyết định lấy anh làm chồng. Với tôi thì khoảng cách giữa vợ chồng rất quan trọng nhưng vẫn không thể quan trọng bằng tình yêu mà cả hai dành cho nhau” chị Hiền trải lòng.

Cưới nhau xong, hai anh chị thuê một căn nhà cấp 4 ở quận Sơn Trà (TP. Đà Nẵng) để tiện cho công việc của chị. Quãng thời gian hạnh phúc bên nhau của hai người sau ngày cưới không được bao lâu thì anh lại tiếp tục ra khơi làm nhiệm vụ. Cứ 2 tuần anh mới có thể về nhà thăm chị được một lần. Có khi gặp công chuyện đột xuất thì cả tháng trời hai người mới được gặp nhau. Ở nhà một mình, mỗi lần đi làm về đối mặt với 4 bức tường và không gian lạnh lẽo nhiều lúc chị cảm thấy tủi thân.

Hiểu được hoàn cảnh của chị nên mặc dù công việc bận rộn nhưng anh vẫn tranh thủ những lúc rảnh rỗi gọi điện động viên, an ủi. Chị cũng biết anh rất yêu chị nhưng do hoàn cảnh nên tự dặn lòng phải vui vẻ lên, có như thế thì anh mới có thể an tâm làm nhiệm vụ.

Lâu dần thành quen, nhiều lúc khó khăn không có anh bên cạnh, chị vẫn không hề có suy nghĩ trách móc, hờn dỗi. Ngay cả lúc chị mang bầu và sinh đứa con trai đầu lòng vào năm 2011 thì cũng là lúc anh đi công tác tới hơn nữa năm trời mới trở về nhà. Khi anh trở về thì con trai cũng đã tròn 3 tháng tuổi, chị nhìn anh mỉm cười và cùng nhau chia sẻ niềm hạnh phúc với thành viên mới trong gia đình.

Hạnh phúc của chị Hiền là luôn chăm lo con cái nên người những lúc chồng vắng nhà.

Nỗi niềm của người vợ

Đến tháng 5 năm 2014, lúc chị mới biết mình đang mang giọt máu thứ 2 của anh được 1 tháng thì cũng là lúc anh lên đường nhận nhiệm vụ đặc biệt, theo con tàu CSB 2012 ra vùng biển Hoàng Sa bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc khi bị xâm phạm.

“Biết tôi vừa mới mang thai nên anh không hề nói với tôi chuyện anh sẽ ra đảo Hoàng Sa. Lúc ấy tình hình ngoài biển căng thẳng, kẻ thù hung hăng và so với những lần trước thì nhiệm vụ lần này anh và đồng đội được giao phó ẩn chứa đầy nguy hiểm. Bởi thế mà anh không nói vì sợ tôi lo lắng làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngày đi, anh cũng chưa kịp về chào tạm biệt tôi mà chỉ gọi điện nói rằng nhiệm vụ lần này rất quan trọng nên anh đi ít nhất 3 tháng mới trở về. Vì yêu cầu đặc biệt nên anh sẽ tắt điện thoại đồng thời nói rằng tôi không cần phải lo lắng mà cứ ở nhà yên tâm công tác và giữ gìn sức khỏe. Nói rồi anh tắt máy, đến tối tôi thử gọi điện xem thế nào thì điện thoại anh không thể liên lạc được nữa. Tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng nhưng nghĩ lại lời anh nói lúc lên đường nên cũng tự trấn an mình”, chị Hiền chia sẻ.

Thời điểm đó, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về hành động ngang ngược của Trung Quốc tấn công các tàu Kiểm ngư và Cảnh sát biển của ta trên vùng biển Hoàng Sa. Thấy vậy, chị cũng có thể đoán ra được rằng anh đang trên con tàu Cảnh sát biển sát cánh cùng đồng đội bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thế nhưng, mọi việc lại không diễn ra đúng như dự liệu trước đó của anh, con tàu CSB 2012 chỉ mới ra biển được hơn 1 tuần thì phải quay trở về với những thương tích đầy mình trước sự tấn công của các tàu Trung Quốc, phải quay về Đà Nẵng để sửa chữa. Tranh thủ thời gian này, anh đã về nhà thăm mẹ con chị. Về nhà, chị hỏi có phải anh đang làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa không thì anh chỉ gật đầu mỉm cười không nói câu nào. Bởi anh sợ rằng chị sẽ trách anh vì không nói ra cho chị biết.

Nhưng trái lại chị nở một nụ cười hiền hậu rồi nói với anh rằng: “Em biết là anh rất yêu em, không muốn em lo lắng và suy nghĩ nhiều nên không nói ra cho em biết. Anh có thể yên tâm mà làm nhiệm vụ và đừng lo lắng gì nhiều cho mẹ con em cả. Em ở nhà có thể tự chăm sóc được cho mình. Chỉ mong rằng anh ở ngoài biển khơi xa xôi thiếu thốn mọi bề hãy tự chăm sóc lấy mình để có đủ sức khỏe mà thực hiện nhiệm vụ Tổ quốc đã giao phó. Em tin rằng, chúng ta sẽ giành thắng lợi vì mình đấu tranh cho chính nghĩa và lợi ích hợp pháp của dân tộc. Tới lúc biển Đông lặng sóng, đất nước bình yên thì chúng ta lại vui vẻ đoàn tụ bên nhau”.

Mặc dù đã quen với những chuyến công tác dài ngày của anh nhưng lần này chị lại cảm thấy nhớ anh nhiều vô cùng. Những lần trước dù đi đâu thì anh cũng có thể gọi điện về hỏi thăm tình hình sức khỏe của mẹ con chị nhưng bây giờ suốt một thời gian dài chị không nghe được giọng nói ấm áp của anh. Những lúc như thế chị chỉ biết viết những dòng tâm sự lên trang giấy mong rằng anh ở phương xa luôn được bình yên và khỏe mạnh. Biết những dòng chữ này không thể đến được với anh giữa biển khơi bao la và muôn trùng sóng gió, nhưng hy vọng rằng những con sóng biển kia có thể mang tâm tư này đến được với anh. Nghĩ vậy, những nỗi nhớ trong chị có thể vơi bớt đi phần nào.

Chia tay chị, chúng tôi vẫn còn mang một ấn tượng sâu sắc về những người phụ nữ Việt Nam hiền hậu và đảm đang, làm trọn vẹn việc nhà, việc nước. Và bây giờ, khi đất nước đang lâm nguy, họ lại là tuyến hậu phương vững chắc cho chồng nơi tiền tuyến. Mong rằng ở nơi hải đảo xa xôi, các anh sẽ vững lòng, quyết ý làm tròn nhiệm vụ bảo vệ vùng biển chủ quyền của Tổ quốc.

Tin nổi bật