(ĐSPL)- Trong chuyến về thăm nhà, anh bàng hoàng phát hiện nghịch cảnh ập xuống căn nhà bé nhỏ của mình bấy lâu nay: vợ bị bệnh hiểm nghèo, con trai út bị bại não. Chẳng lâu sau, anh cũng qua đời vì bạo bệnh.
Khi sinh con được gần bảy tháng, chị bàng hoàng nhận ra đứa con trai bé bỏng của mình cổ bị nghẹo sang một bên, còn người cậu bé thì mềm nhũn. Thương con, người mẹ trẻ lặn lội đưa con ra Bắc, vào Nam để chữa bệnh nhưng cuối cùng chị đau đớn nhận tin dữ: Bé bị bệnh bại não bẩm sinh từ trong bụng mẹ. Nén đau thương, người phụ nữ ấy gồng mình cáng đáng mọi việc nhà để chồng yên lòng thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng nơi đảo xa. Nhưng sự nghiệt ngã vẫn không buông, vài tháng sau, chị bất ngờ phát hiện mắc chứng bệnh xơ cứng bì hệ thống. Còn người chồng thân yêu, mới đây đột ngột qua đời do căn bệnh nhồi máu cơ tim.
Mắc bệnh lạ chưa có phương pháp chữa trị
Người phụ nữ trong câu chuyện mà chúng tôi đang nhắc đến chính là chị Trương Thị Ngọc (SN 1980, ngụ huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa). Chị Ngọc vốn quê gốc ở Nghệ An, sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng Sư phạm, chị xin vào Khánh Hòa giảng dạy tại một trường trung học cơ sở và kết hôn cùng anh Nguyễn Gia Khang (SN 1973, quê gốc Nam Định). Anh Khang là Thượng úy bộ đội hải quân, công tác tại Lữ đoàn 146, Hải quân vùng 4. Nhắc đến người chồng quá cố của mình, chị Ngọc không giấu nổi xúc động: "Chồng tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở vùng quê nghèo tỉnh Nam Định. Bố chồng từng là bộ đội tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị trong những năm 1972. Gia đình bên chồng có bốn người con, thì hai người tham gia bộ đội hải quân".
Theo lời kể của chị Ngọc, anh Khang tham gia bộ đội hải quân từ năm 1992. Đầu năm 2000, trong một lần tình cờ gặp gỡ, chàng bộ đội hải quân điển trai ấy tìm thấy người phụ nữ của đời mình. Cảm mến tính cách dịu dàng, đằm thắm và sự nết na của cô giáo dạy ngữ văn người xứ Nghệ, anh chủ động tiếp cận và theo đuổi chị. Dù biết phải chịu nhiều thiệt thòi khi yêu một người lính biển, chị vẫn chấp nhận và ủng hộ anh yên tâm thực hiện nghĩa vụ Tổ quốc đã giao phó. Sau hơn ba năm tìm hiểu, anh Khang và chị Ngọc quyết định cùng nhau vượt mọi khó khăn để xây dựng tổ ấm gia đình. Hai năm sau, niềm vui của gia đình anh chị trở nên trọn vẹn hơn với sự ra đời của cậu con trai đầu lòng bụ bẫm, kháu khỉnh.
Chẳng mấy chốc, con trai đầu của anh chị đã được bảy tuổi. Năm 2011, trong lúc chị đang mang thai đứa con thứ hai, anh khăn gói lên đường ra đảo Trường Sa Đông để thực hiện nhiệm vụ của người lính biển. Dù bụng mang dạ chửa, chị vẫn vẹn toàn chăm lo cho gia đình và con cái. Mọi chuyện tưởng chừng như suôn sẻ khi hai mẹ con được mẹ tròn con vuông sau cuộc vượt cạn vắng mặt người đàn ông trụ cột của gia đình. Nhìn cậu con trai mới sinh tròn trịa và khỏe mạnh, chị vui mừng điện thoại thông báo tin vui cho chồng nơi đảo xa. Và sau nhiều đêm suy ngẫm, anh quyết định đặt tên con trai là Nguyễn Đức Trung. Cái tên gửi gắm nhiều tình cảm tốt đẹp mà anh dành cho Tổ quốc và đứa con yêu dấu.
Tuy nhiên, đến khi Trung được bảy tháng tuổi, chị hoảng hốt phát hiện cậu bé có nhiều biểu hiện bất thường. Trung không thể cử động phần cổ và nhiều bộ phận khác trên cơ thể. Hành trình khám chữa bệnh cho con của chị mới thật gian nan, bởi đến mỗi bệnh viện chị lại nhận được một chẩn đoán khác nhau. Cuối cùng, chị điếng người khi nhận được kết luận từ bác sỹ của bệnh viện Nhi Trung ương: Trung mắc bệnh bại não bẩm sinh. Căn bệnh này ảnh hưởng nghiêm trọng đến thần kinh khiến Trung không thể vận động, chậm phát triển trí não. Khó khăn chồng chất khó khăn, chỉ vài tháng sau, sức khỏe của chị đột nhiên suy giảm trầm trọng. Chị bị đau tim, đau khớp xương đến độ không thể cử động. Nhiều lần cơn đau ập đến khiến chị ngất xỉu ngay trên bục giảng.
Mãi đến sau này, qua nhiều lần khám chữa tại những bệnh viện hàng đầu cả nước, chị mới biết mình bị bệnh xơ cứng bì hệ thống. Ở Việt Nam, đây là một căn bệnh lạ, rất ít người mắc phải và chưa có phương pháp điều trị.
|
Ông ngoại luôn phải bế bé Trung mọi lúc mọi nơi. |
Vật vã chống đỡ bệnh tật
Theo quy định của đơn vị, sau 18 tháng công tác tại đảo Trường Sa Đông, Thượng úy Nguyễn Gia Khang có một đợt nghỉ phép. Trong chuyến về thăm nhà lần này, anh bàng hoàng phát hiện nghịch cảnh ập xuống căn nhà bé nhỏ của mình bấy lâu nay. Vợ bị bệnh hiểm nghèo, con trai út bị bại não.
Anh biết hơn bao giờ hết, lúc này gia đình cần anh ở bên. Và anh nhanh chóng quay lại đảo hoàn thành nhiệm vụ để sớm được trở về gần gia đình. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ đợt 1 (nghĩa là hai năm thực hiện nghĩa vụ ngoài đảo, từ năm 2011- 2013), anh Khang xin chuyển về công tác gần bờ để dễ bề chăm lo cho vợ con. Hơn một năm, kể từ ngày chuyển công tác về đất liền, anh Khang tranh thủ đưa vợ con đi chạy chữa nhiều nơi, nhưng bệnh tình chị Ngọc và cháu Trung vẫn không mấy cải thiện.
Phần vì thương vợ con, phần lo lắng kinh tế để khám chữa bệnh, nên dù nhiều lần thấy đau nhói ở tim nhưng anh Khang không mấy để ý. Đến đêm ngày 22/3/2014, anh đột ngột tử vong do căn bệnh nhồi máu cơ tim. Sự ra đi của anh Khang đối với chị Ngọc là một nỗi đau lớn. Mất một người cùng gánh vác chuyện gia đình, chị Ngọc vừa phải làm việc, vừa chăm lo cho con cái và khám chữa bệnh cho hai mẹ con.
Mỗi lần nghĩ đến con trai, chị Ngọc nghẹn ngào: "Dù ba tuổi nhưng Trung vẫn không thể ngồi, nói chuyện và thường xuyên đau bệnh. Cháu hay nóng giận, nổi cáu với mọi người. Do tình hình sức khỏe của Trung, gia đình luôn phải có người canh giữ, chăm sóc cháu suốt cả ngày đêm. Trước đây, gia đình đã đưa cháu đi điều trị ba đợt tại bệnh viện Châm cứu Trung ương. Hàng tháng, cháu vẫn phải duy trì chế độ uống thuốc đều đặn. Theo các bác sỹ chẩn đoán, tuy cháu không thể phát triển bình thường nhưng nếu kiên trì giúp cháu phục hồi chức năng, có phương pháp chăm sóc, dạy bảo đúng cách, tình hình của cháu sẽ cải thiện hơn".
Hiện nay, bản thân chị Ngọc đang phải chống chọi với chứng bệnh xơ cứng bì hệ thống. Chị Ngọc tâm sự: "Trước đây khi mới phát bệnh, tôi thường xuyên bị đau tim, phải điều trị. Sau khi tim tương đối ổn định, tôi lại bị đau nhức các khớp xương đến mức không thể cử động dù là những hoạt động đơn giản nhất. Tôi ra bệnh viện Bạch Mai thăm khám và phát hiện bị bệnh xơ cứng bì hệ thống. Các bác sỹ bệnh viện Bạch Mai cho hay, căn bệnh của tôi hiện vẫn chưa có phương pháp chữa trị tận gốc, tôi phải uống thuốc điều trị theo phác đồ để tình trạng bệnh không trầm trọng thêm".
Chị Ngọc chia sẻ, sau khi anh Khang qua đời, chị tưởng như gục ngã vì mệt mỏi và buồn nhưng mỗi lần nghĩ đến hai con, đặc biệt là đứa con trai út bất hạnh, chị lại tự động viên bản thân cố gắng vượt qua. Chị Ngọc nghẹn ngào nói: "Nhiều khi nghĩ mình gặp bất hạnh cũng tủi thân, nhưng thấy cha mẹ hai bên đã già mà vẫn vì mình còng lưng đi làm thêm, chắt chiu gửi tiền cho mẹ con chữa bệnh, giúp mình có thêm nghị lực để sống vì con và để không phụ lòng thương yêu của gia đình".
|
Ông Phan Khắc Từ trao quà cho mẹ con chị Ngọc. |
Mong lắm những tấm lòng
Ông Phan Khắc Từ, Giám Đốc quỹ VTEKT cho biết: "Đứng trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình một số các đồng chí lính biển có con em bị bệnh nặng, hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi đã thành lập quỹ "Sánh bước yêu thương". Chúng tôi mong muốn thông qua chương trình này sẽ tạo lập một cộng đồng thiện nguyện để ủng hộ chương trình có ý nghĩa này".