Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Lời nhắn từ đất liền: Nơi đảo xa, anh hãy vững lòng!

(DS&PL) -

(ĐSPL)- Chị khóc không phải nghĩ chạnh lòng cho hạnh phúc riêng của bản thân, mà chị thương những vất vả của anh và những người lính đảo ngày đêm canh giữ vùng trời Tổ quốc.

(ĐSPL) - Khi cả thành phố đã chìm trong bóng tối. Ai cũng trở về với mái ấm riêng của mình thì cũng là lúc chị lục lọi lại những dòng tin nhắn của anh gửi cho chị hay những bức thư tay từ ngày đang yêu nhau chị còn cất giữ.
Đọc xong, chị lại không thể nào kìm được nước mắt. Chị khóc không phải nghĩ chạnh lòng cho hạnh phúc riêng của bản thân mà chị thương cho những vất vả của anh và những người lính đảo ngày đêm canh gác, giữ vững bình yên cho vùng trời Tổ Quốc
Người phụ nữ với nỗi tâm tư sâu thẳm trên chính là chị Nguyễn Thanh Huyền, một người bạn, người vợ, hậu phương vững chắc cho anh Trần Đăng Hưng, sĩ quan Hải quân đang ngày đêm đứng gác trên đảo Sinh Tồn, thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Cưới nhau chưa được một tuần đã vội xa
Xa người thân, gia đình là điều mà mỗi con người không ai mong muốn trong cuộc sống, nhưng đối với người lính đảo thì điều đấy dường như không thể lựa chọn.
Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền và sĩ quan Trần Đăng Hưng sinh ra và lớn lên tại xã Khánh Trung huyện Ninh Khánh thuộc tỉnh Ninh Bình. Hai người từng là bạn thân với nhau suốt thời học sinh nơi quê nhà. Hết bậc phổ thông, Huyền trở thành cô sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, còn anh đi theo con đường binh nghiệp. Năm 2010, sau khi tốt nghiệp trường Sĩ quan Lục quân 1 anh trở thành người lính của Vùng 1 Hải quân. Cũng tại thời điểm này, hai người đã chấm dứt mối quan hệ bạn bè mà chuyển sang một trang mới với nhiều nốt thăng trầm và thi vị của cuộc sống. Anh lấy hết can đảm của mình thổ lộ tình cảm với chị và được chị đồng ý.
Nhờ thông minh và say mê học hỏi cùng với nỗ lực nên chỉ ba năm sau ngày tốt nghiệp, anh Hưng đã vinh dự được mang quân hàm Thượng úy trong lực lượng Hải quân Việt Nam. Tháng 4/2013 anh Hưng được cấp trên tin tưởng điều động ra làm nhiệm vụ ở đảo Song Tử Tây rồi đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa thân yêu từ đó đến nay.
Tình cảm của hai người có lúc tưởng chừng đã đặt dấu chấm hết từ lúc anh bắt đầu nhận nhiệm vụ công tác ở hải đảo. Bởi lẽ, khi đó Huyền cũng đã ngấp nghé tuổi 26, cái tuổi để người con gái nên nghĩ đến chuyện yên bề gia thất. Cũng thời điểm này chị bị sức ép từ nhiều phía khiến chị rất khổ tâm. Nhưng có lẽ động lực lớn nhất để chị vượt qua được tất cả đó là sự quan tâm lớn lao và tình cảm kiên định của anh dành cho chị.
Cũng bắt đầu từ đấy chị xác định sẵn tư tưởng về sự thiếu thốn khi yêu người lính đảo. Chị quen dần với những ngày lễ tình nhân không có anh bên cạnh. Những ngày cuối tuần là lúc sum họp thì chị chỉ có thể nghe giọng anh qua điện thoại với câu hỏi han đơn giản: “Em ăn chưa? Hôm nay có đi đâu không?”. Cũng không có những phút giây tay trong tay như những đôi tình nhân khác mà  chị vô tình bắt gặp.
Những người lính đảo là chồng là cha luôn có một hậu phương vững chắc ở nhà là những người vợ tốt. Ảnh minh hoạ.
Tình  yêu của anh chị được chắp cánh từ những điều tưởng chừng như khô khan ấy được kết tinh bằng một đám cưới đơn giản vào cuối năm 2013 với sự chúc phúc của bạn bè và gia đình. Tuy nhiên, thời gian vợ chồng bên nhau chưa được một tuần thì anh lại tất tả lên đường nhận nhiệm vụ mới. Dù đã biết trước được điều đó sẽ xảy ra khi chị nhận lời làm vợ anh, nhưng chị vẫn thấy hụt hẫng. Một mình chị về nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi mà không có sự động viên của chồng hay những lần về quê giữa đêm vắng khi bố mẹ hai bên có chuyện gấp làm chị cảm thấy rất tủi thân. Song, cũng chính những lúc như thế, chị lại nghĩ rằng sự hy sinh của mình có thể đánh đổi những phút giây bình yên cho đất nước nên chị rất đỗi tự hào.
Luôn là hậu phương vững chắc
Trong thời điểm diễn biến biển Đông khá phức tạp, tin tức liên quan đến tình hình tranh chấp cập nhật liên tục trên các phương tiện truyền thông. Đây có lẽ là thời điểm mà những người làm mẹ, làm vợ lính đảo luôn cho mình sự điềm tĩnh hết mức để làm hậu phương vững chắc cho các anh.
Khi cả thành phố chìm trong bóng tối, ai cũng trở về với mái ấm riêng của họ thì cũng là lúc chị lục lọi lại những dòng tin nhắn của anh gửi cho chị lúc được nghỉ mà chị chưa kịp trả lời hoặc những bức thư tay từ ngày đang yêu nhau chị còn cất giữ. Đọc xong chị lại không thể nào kìm được nước mắt. Chị khóc không phải nghĩ chạnh lòng cho hạnh phúc riêng của bản thân mà chị lo cho những vất vả của anh và các đồng chí lính đảo ngày đêm canh gác, giữ vững bình yên cho vùng trời Tổ Quốc.
Là vợ chồng với nhau nhưng số lần anh chị liên lạc với nhau vào mỗi ngày rất hiếm hoi. Phần lớn là anh đều chủ động gọi cho chị bởi chị sợ làm ảnh hưởng đến công việc của anh hoặc anh đang có lịch họp đột xuất.
Những câu hỏi thăm, động viên nhau dường như không thể thiếu trong những lần trò chuyện giữa anh chị: “Vợ ơi! Không phải lo cho anh đâu? ở đây mọi việc vẫn ổn”. Dù rằng chẳng thể gặp nhau để chăm sóc và sẻ chia những công việc trong cuộc sống hàng ngày nhưng chừng đấy câu hỏi thăm cũng đủ làm cho chị ấm lòng và biết rằng anh vẫn khỏe nơi đảo xa. Chính những điều giản dị đó lại giúp chị vững tin hơn trong cuộc sống để có đủ ý chí, nghị lực lo toan những công việc ở nhà thay anh, để anh yên tâm công tác.
Dù rằng hai anh chị đã kết hôn nhưng cuộc sống hiện tại của chị vẫn không khác hồi yêu nhau là mấy. Chị vẫn công tác ở Hà Nội còn bố mẹ hai bên vẫn ở Ninh Bình. Mỗi lần bố mẹ ốm đau hay gia đình gặp phải chuyện không vui chị đều một mình gói ghém quần áo, lên đường về quê. Có lúc chị đi về trong đêm để kịp thời thu xếp công việc. Cảm giác một thân một mình đi lại đường xa mỗi lần nhắc đến chị vẫn cảm thấy sợ. Nhưng vì trách nhiệm và tình thương gia đình chị đã vượt qua được tất cả. Hơn hết, chị luôn hi vọng anh sẽ bớt bận tâm khi ở nhà có một người vợ biết quán xuyến công việc cho gia đình.
“Đã là người vợ thì người vợ nào cũng có sự vất vả và hi sinh vô bờ bến vì gia đình chứ không riêng gì làm vợ lính đảo. Nhưng để làm được người vợ thấu hiểu cho công việc của chồng nơi đảo xa thì người vợ đó phải là người biết chấp nhận sự thiếu thốn về tình cảm của người chồng. Nỗi vất vả đó lại càng dồn nặng lên đôi vai người vợ khi gia đình có những chuyện xảy ra ngoài mong muốn mà trong lúc đấy lại không có người trụ cột gia đình đỡ đần”, chị chia sẻ.
Mỗi ngày qua đi chị đều hướng về nơi đảo xa, nơi anh đang thực hiện sứ mệnh cao cả là bảo vệ Tổ quốc và cầu mong cho tất cả những người lính đảo luôn có sức khỏe tốt, tinh thần kiên định trong công việc. Với chị, chị luôn nghĩ rằng những thiếu thốn, khó khăn mà chị gặp phải hàng ngày chỉ chút đóng góp nhỏ nhoi trong sự nghiệp bảo vệ Tổ Quốc.
“Đã là người vợ thì người vợ nào cũng có sự vất vả và hi sinh vô bờ bến vì gia đình chứ không riêng gì làm vợ lính đảo. Nhưng để làm được người vợ thấu hiểu cho công việc của chồng nơi đảo xa thì người vợ đó phải là người biết chấp nhận sự thiếu thốn về tình cảm của người chồng. Chỉ mong nơi đảo xa, anh hãy vững lòng”.

Tin nổi bật