Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nỗi lòng chị ve chai nhặt được 5 triệu yên trong thùng loa cũ

(DS&PL) -

365 ngày qua với người phụ nữ nhặt được thùng loa chứa 5 triệu Yên (tiền Nhật) từng gây xôn xao dư luận quả thực là khoảng thời gian dài đằng đẵng.

Chỉ còn hơn một tuần nữa, số tiền trên sẽ được định đoạt ai là chủ nhân. Có thể, vợ chồng chị Huỳnh Thị Ánh Hồng sẽ được lĩnh trọn, một nửa hoặc không có đồng nào trong số tiền tương đương hơn 1 tỷ đồng ấy. Gặp lại người phụ nữ may mắn được thần tài “gõ cửa” cũng là dịp chúng tôi nghe chị bộc bạch nỗi lòng…

Khổ sở vì... chiếc loa cũ

Trong cái nắng gắt giữa trưa Sài Gòn những ngày tháng Giêng, một người phụ nữ cố đẩy chiếc xe ba gác chòng chành vào căn nhà nằm sâu trong hẻm 84, đường Trần Văn Quang (Phường 10, quận Tân Bình, TP.HCM). Chị là Huỳnh Thị Ánh Hồng (35 tuổi, quê huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi), người nổi tiếng “bất đắc dĩ” chỉ sau một đêm. Trái hẳn với một năm trước, khi PV báo GĐ&XH Cuối tuần tìm gặp, chị Hồng bây giờ trông đã “có da có thịt” hơn.

Lầm lũi sau nửa ngày lăn lộn ngoài đường, vội lau giọt mồ hôi đang chảy mướt mát trên trán, chị xởi lởi bảo: “Ai gặp cũng kêu tôi mập hơn. Cũng phải thôi tâm trạng thoải mái nên ăn được ngủ được, người cũng khỏe hẳn ra. Gần đây, sắp tới ngày định đoạt số tiền trong chiếc loa sẽ thuộc về ai nên cũng nhiều người hỏi han có lo lắng gì không. Thực tình, tôi thấy vô tư lắm, có lo cũng vậy “lộc trời” cho ai nấy hưởng chú nhỉ?”.

Vừa nói dứt lời, chị vội vàng dỡ đồ chất cao hơn người trên chiếc xe ba gác. Phải thừa nhận, nghề không “sang” nhưng chị Hồng có “duyên” mua bán lanh lẹ, hiền lành nên được nhiều người để mối hàng, sáng đi trưa về ve chai đã hết chỗ chứa trên xe.

Tay làm, miệng nói, chị Hồng bảo sau ngày nhặt được 5 triệu Yên tiền Nhật thì cuộc sống vợ chồng chị có nhiều xáo trộn. Thậm chí, chồng chị - anh Trịnh Minh Vương (37 tuổi), vì không chịu được “áp lực dư luận” đã bỏ Sài Gòn về quê mưu sinh bằng nghề cắt cỏ, chăn bò. Chỉ còn chị vẫn cố bám trụ lại “mảnh đất hứa” ngày ngày đi mua ve chai, cuối tháng gửi tiền về quê cho hai con nhỏ.

Chị Hồng vui vẻ trò chuyện cùng người viết.

Một năm trước, vào khoảng cuối tháng 11/2013, lúc chị Hồng đang đi rao mua hàng trên đoạn đường giao nhau giữa Trần Văn Quang và Âu Cơ (Q. Tân Bình) thì có một người đàn ông trung niên vẫy tay gọi chị. Cuộc mua bán mau lẹ với giá 100.000 đồng, chị được sở hữu chiếc loa cũ.

Có lẽ, chiếc loa sẽ không có điều gì đáng lưu ý nếu một ngày nó không được lôi trong xó xỉnh nhà chị ra để tháo gỡ. Theo đó, khoảng 14h ngày 21/3/2014, như thường lệ anh Trịnh Minh Vương đem đồ sắt vợ mua về ra phân loại đâu là nhôm, đồng, sắt để bán. Trong đống đổ nát lỉnh kỉnh vung vãi giữa nhà, anh phát hiện có một thùng loa kiêm đài cát sét xuất xứ từ Nhật được vợ mua trước Tết Nguyên Đán.

Kinh nghiệm trong nghề, anh thầm nghĩ, đồ Nhật thường cái gì cũng tốt hơn đồ Tàu nên loay hoay nào kìm, tua-vít nảy chiếc loa mong kiếm chút tiền. Thật bất ngờ, bên trong chiếc loa cũ kĩ có đặt một chiếc hộp gỗ nhỏ dài 20cm, rộng khoảng 15cm. Người đàn ông vốn không được may mắn học hành, ít chữ nghĩa thấy bên trong chiếc hộp có rất nhiều tiền cứ ngỡ là tiền âm phủ. Chẳng mảy may, anh đem cho hàng xóm vài tờ để làm… kỷ niệm.

Lúc sau nghe mọi người bảo đây là tiền Nhật, anh Vương mới hay. Tin vợ chồng anh nhặt được tiền lan đi chóng mặt. Người ở đâu chẳng quen cũng tìm đến chỉ mong được “diện kiến” “mặt mũi” tiền Nhật nó ra làm sao.

Con hẻm 84 nhỏ bé bỗng chốc nhốn nháo, chật kín người tìm đến căn nhà trọ nơi vợ chồng chị Hồng ở để xin tiền. Người xin, kẻ hăm dọa đòi chia tiền khiến cả con hẻm náo loạn. Chỉ đến khi công an tới nơi can thiệp để giải tán đám đông mọi việc mới tạm lắng xuống.

Đây không phải là lần đầu tiên chị mua hàng nhặt được đồ vật có giá trị. Bà Bảy (56 tuổi, quê Quảng Ngãi), “đồng nghiệp” với chị Hồng bảo: “Số cái Hồng cũng hay được “lộc trời”, có hôm mua đồ về giở ra soạn lại nó nhặt được chiếc nhẫn tay bằng vàng.

Dăm bữa sau lại có chiếc bông tai. Trong tháng nó nhặt được tiền, cách đấy bốn hôm có mua lại một chiếc giường cũ về nhà bảo thằng Vương tháo ra thì nhặt được dây chuyền bạc”. Những thứ đồ ấy nếu còn nhớ mặt người bán, chị đều tìm đến nhà trả lại. Cũng nhờ đó, suốt 17 năm làm nghề thu mua ve chai, chị Hồng càng có nhiều mối quen.

Chỉ mong gia đình đoàn tụ

Đến giờ, chị Hồng vẫn còn nhớ như in ngày hai vợ chồng chị phát hiện ra “kho báu” khiến cuộc sống bị xáo trộn. Phải chịu nhiều áp lực, lo lắng, đã có lúc chị như biến thành con người khác, dễ cáu bẳn, gắt gỏng.

Còn anh Vương tính tình thật thà nhưng cũng có lúc nóng nảy, đi đâu cũng thấy người ta bàn tán khiến tinh thần chán nản. Chẳng còn cách nào khác, anh đành bỏ về quê làm nông nghiệp và thay vợ chăm sóc hai con, đứa lớn lên 15 còn đứa nhỏ mới 10 tuổi. Cuộc sống bị đảo lộn, thậm chí nhiều ngày liền chị không dám ra khỏi nhà.

Trao đổi với người viết, luật sư Nguyễn Quang Thái, Văn phòng luật sư Nguyễn Quang Thái (Quận 4, TP.HCM) cho biết: Theo quy định tại điều 239 Bộ luật Dân sự 2005 về “xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu”, trường hợp cá nhân nhặt được tài sản không có quyền chiếm hữu mà phải có nghĩa vụ giao trả cho chủ sở hữu. Nếu không có thông tin người mất tài sản, người nhặt phải giao cho người quản lý hợp pháp hoặc giao nộp cho Ủy ban sở tại, cơ quan chức năng liên quan để công khai tìm chủ nhân sở hữu.

Việc giao nộp phải được lập thành biên bản. Nếu sau một năm kể từ ngày thông báo mà không ai nhận thì tài sản đó sẽ thuộc về người phát hiện. Trường hợp, nếu không xác nhận được chủ sở hữu của khối tài sản thì 5 triệu Yên sẽ thuộc về gia đình chị Hồng. Hiện tại, trong bộ luật Nhà nước vẫn chưa có điều khoản về việc đóng thuế khi nhặt được của rơi nên chị Huỳnh Thị Ánh Hồng và anh Trịnh Minh Vương cũng không phải đóng thuế khi nhận số tiền này.

Chị bảo, trong năm về quê ăn Tết, lo nhà cửa ổn định mãi đến mùng 10 (Âm lịch) mới vào lại Sài Gòn. Vào muộn nhưng khách quen cứ nhắn chị tới lấy hàng vì họ để dành cho chị chứ ai mua cũng không bán. Chẳng mấy chốc mà chiếc xe ba gác ban nãy chất đồ ngổn ngang đã được tháo xuống gọn gàng.

Đẩy xe sát vào hông nhà, cầm vội chai nước tu ừng ực như đã cơn khát, chị Hồng mới kể: “Đùng một cái, ai nấy đều sốc khi hay tin vợ chồng tôi xưa nay vốn nghèo khó, giờ may mắn được sở hữu khoản tiền Nhật tương đương 1 tỷ đồng tiền Việt. Rồi người ta lại quay qua chửi chúng tôi “ngu” chỉ vì đem tiền giao nộp cho Công an.

Thực tình lúc đấy có quá nhiều người đến và còn có ý hăm dọa đòi chia tiền khiến tôi rất sợ. Đi mua hàng cũng thấy người ta dị nghị, chỉ chỏ sợ quá nên đành đẩy xe về nhà. Chiếc loa do tôi mua nhưng tiền trong đấy không phải tôi làm ra nên không thể vì tham mà giữ khư khư được”.

Sinh ra tại một vùng quê nghèo của huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi), quanh năm cái đói cứ đeo bám lấy cuộc đời nhiều thế hệ. Để phụ cha mẹ, 15 tuổi chị Hồng đã nối gót người quen vào Sài Gòn lập nghiệp. Năm đầu chị phụ quán nhậu, năm sau đi bán vé số rồi năm sau nữa, chị chuyển sang đi buôn ve chai, như một cái nghiệp chị đã gắn với nghề này suốt 17 năm nay.

Vốn tảo tần, khéo dành dụm nên ngoài số tiền gửi về quê cho con, chị còn dành ra được một ít. Số tiền này chị đã xây được một căn nhà nhỏ, đủ kiên cố để tránh lại những cơn bão khắc nghiệt miền Trung.

Khi được hỏi về dự tính “tương lai” nếu như nhận được số tiền lớn, chị Hồng cười bảo, nếu nhận được số tiền đó thì thật hạnh phúc. Với chị, khoản tiền cả tỷ bạc ấy là gia sản mà buôn ve chai ba đời cũng không có được. Mấy chục năm đi làm dành dụm cũng chỉ được hơn 100 triệu đồng đủ xây căn nhà ở quê. Nếu có tiền, chị sẽ cho mấy chị bán ve chai ở cùng nhà mỗi người một ít, số còn lại gửi về quê cho hai đứa con ăn học…

Nói đoạn, nét mặt bỗng chùng xuống, chị trải lòng: “Thực ra, tôi tính làm việc khác nữa nhưng tiền chưa nhận được, nói ra người ta lại bảo mình nói dóc. Việc đầu tiên tôi làm là đón chồng và con vào đây sống, hai đứa con gần mẹ đâu được nhiều nên chúng thiệt thòi lắm. Tôi muốn gia đình được ở gần nhau. Thứ hai, gần đây có một ngôi chùa cưu mang trẻ em khuyết tật, bị cha mẹ bỏ rơi trông tội lắm. Và có một chùa chỉ có các cụ già sống, tôi hỏi thăm rồi, ở đấy có 40-50 cụ thôi. Nếu có tiền, tôi sẽ mua gạo cho họ”.

Một chút nghẹn giọng, chị Hồng chỉ tay lên trần nhà rách rưới bảo, ở quê nhà mẹ ruột và mẹ chồng ở cũng tạm bợ. Nhà xây lâu năm xuống cấp, phía mái sau hư hỏng nặng không có tiền sửa, chỉ biết lấy tấm bạt che chắn qua loa tưởng chừng bão tới là sập.

Nghe chúng tôi đề cập đến trường hợp, nếu tìm được chủ sở hữu số tiền trên thì vợ chồng chị có thể sẽ không hưởng được đồng nào, chị Hồng vẫn vui vẻ: “Vợ chồng tôi vẫn hy vọng nhận được số tiền trên cho đời bớt khổ. Nhưng “lộc trời” cho ai thì người ấy hưởng, nếu không nhận được thì mình cũng vui lòng bởi đó đâu phải tiền mình đổ mồ hôi làm ra.

Bỏ ra 100 ngàn mà “mua” được hơn 1 tỷ đồng thì hời quá. Nếu có nhận được tiền, tôi vẫn sẽ không bỏ nghề buôn ve chai này”. Cho đến thời điểm hiện tại, món tiền 5 triệu yên trong chiếc loa cũ vẫn chưa có ai đến nhận. Chỉ ít ngày nữa sẽ biết nó thuộc về ai, hy vọng vào một phép màu sẽ giúp vợ chồng nghèo có được cuộc sống no đủ hơn. 

Luật quy định chị Hồng được hưởng toàn bộ số tiền vô chủ

Liên quan đến vụ vợ chồng chị Huỳnh Thị Ánh Hồng làm nghề thu mua phế liệu phát hiện ra 5 triệu yên trong chiếc loa cũ xuất xứ từ Nhật ngày 28/4/2014, công an quận Tân Bình đã ra thông báo tìm chủ sở hữu. Tuy nhiên đến ngày hôm nay, thời hạn một năm đã gần hết nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được ai là chủ sở hữu hợp pháp của số tiền nói trên. Ngày 7/3/2015, Đại tá Lê Hoàng Châu,Trưởng công an quận Tân Bình đã chuyển hồ sơ vụ việc lên TAND quận Tân Bình xử lý.

Hiện tại, dư luận đang quan tâm về việc vợ chồng chị Hồng được nhận lại số tiền trên thì cần có những thủ tục như thế nào. Trao đổi với PV Báo GĐ&XH Cuối tuần, Luật sư Hoàng Cao Sang, đại diện Văn phòng luật sư trí thức Sài Gòn cho biết, về mặt thủ tục nếu hết thời hạn thông báo mà không tìm được chủ sở hữu thì Công an phải giao lại toàn bộ số tiền tạm giữ đang được gửi tại kho bạc.

Cũng theo luật sư Sang, trước hết chị Hồng sẽ đến tại cơ quan điều tra công an, nơi tiếp nhận vụ việc để nhận kết quả không xác định được chủ sở hữu. Khi vụ việc đã được chuyển lên TAND quận Tân Bình xử lý thì chị Hồng sẽ được tòa mời lên hướng dẫn và xử lý. Chị Hồng có thể đề nghị tòa xác nhận về việc không có người đứng ra nhận số tiền trên. Từ đấy, công an cơ quan đang tiếp nhận, tạm giữ số tiền sẽ giao lại toàn bộ số tiền cho chị Hồng.

Gần đây nhất chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chị Huỳnh Thị Ánh Hồng, người may mắn nhặt được thùng loa chứa tiền và đã thành thật khai báo giao nhận số tài sản trên cho cơ quan điều tra. Bởi vậy, nhiều người khẳng định, chị Hồng được hưởng toàn bộ số tiền trên là hợp tình, hợp lí. Chị cho biết, đến thời điểm hiện tại cuộc sống của chị vẫn chưa có gì thay đổi và chưa có ai đến tìm gặp chị để nhận lại số tài sản trên.  

Theo báo Gia đình & Xã hội

Tin nổi bật