Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nợ xấu bất động sản giảm mạnh

(DS&PL) -

Tỷ lệ nợ xấu đầu tư kinh doanh bất động sản đã giảm mạnh từ 7,05% năm 2013, đến nay còn 4,06%.

Tỷ lệ nợ xấu đầu tư kinh doanh bất động sản đã giảm mạnh từ 7,05% năm 2013, đến nay còn 4,06%.

Đây là những thông tin được ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành Kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) đưa ra tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ nhất.

Theo đó, tính đến 31/7/2017 dư nợ cấp tín dụng đầu tư kinh doanh bất động sản tăng khoảng 4 % so với 31/12/2016, chiếm tỷ trọng khoảng 9% dư nợ đối với nền kinh tế (tỷ trọng này khá ổn định từ năm 2013 đến nay). Dòng vốn tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đã hướng vào lĩnh vực tiêu dùng về nhà ở, đáp ứng nhu cầu thực của người dân với mức tăng trưởng khoảng 11% so với 31/12/2016.

Ngoài ra NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực xử lý nợ xấu, đặc biệt là nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản. Tỷ lệ nợ xấu đầu tư kinh doanh bất động sản đã giảm mạnh từ 7,05% năm 2013, đến nay còn 4,06%.

Nợ xấu bất động sản giảm mạnh.

Theo đại diện của NHNN, trong thời gian qua, việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đã hỗ trợ cho thị trường bất động sản từng bước phục hồi và phát triển.

Để phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, bền vững, ông Hùng khuyến nghị cần đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và thông báo công khai. Rà soát các quy định, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xem xét, phê duyệt dự án của các cơ quan chức năng để tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích trung bình, giá bán vừa phải.

Đặc biệt các quy định liên quan đến một số vấn đề mới phát sinh trong thực tế như: căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng (condotel, officetel...), thế chấp tài sản gắn liền với đất tại các ngân hàng nước ngoài; Rà soát, điều chỉnh các văn bản pháp luật ban hành bởi các Bộ, ngành để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khắc phục các vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Xem xét tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường bất động sản; có chính sách tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính và thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia trong lĩnh vực chuyển nhượng các dự án bất động sản.

Đại diện NHNN đề xuất Bộ Xây dựng sớm xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo Nghị định số 117/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015; Công bố các chỉ số đánh giá thị trường bất động sản theo định kỳ để phục vụ cho công tác hoạch định chính sách, quản lý nhà nước và định hướng thị trường, góp phần tăng tính hiệu quả của các dự án đầu tư,  giảm thiểu việc đầu cơ bất động sản. Đồng thời sớm ban hành văn bản hướng dẫn về tiêu chí phân loại nhà ở theo phân khúc cao cấp, trung cấp, bình dân giá rẻ để phối hợp với ngành Ngân hàng thực hiện chỉ đạo của Chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư  cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng được chỉ định nhằm triển khai thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP; Bộ Tài nguyên và môi trường nghiên cứu đề xuất cải cách thủ tục hành chính liên quan đến thị trường bất động sản về giao đất, cho thuê đất và đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất theo hướng đơn giản, thuận lợi cho chủ đầu tư và người dân.

Kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất sửa đổi các sắc thuế liên quan đến bất động sản để góp phần hạn chế đầu cơ bất động sản. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu cơ chế khuyến khích phát triển Quỹ đầu tư bất động sản, Quỹ phát triển nhà ở... nhằm huy động được nhiều nguồn vốn trong xã hội tham gia thị trường bất động sản.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với các bộ ngành nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện cơ chế, phát triển thị trường tài chính nhà ở để cung cấp nguồn vốn trung dài hạn ổn định cho thị trường bất động sản, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng.

Hoàng Hà

Tin nổi bật