Mặc dù có không ít những trường hợp bị phạt cực nặng khi đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng xã hội, nhưng nhiều người dùng Facebook vẫn cố tình giả mạo thông tin nhằm câu like, tăng tương tác để "sống ảo" hay phục vụ mục đích cá nhân.
Tung tin về dịch tả lợn châu Phi có thể lây sang người và kêu gọi tẩy chay thịt lợn
Đầm Bầu Thời Trang Mami đăng tải thông tin sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi. Ảnh chụp màn hình |
Sự việc tung tin dịch tả lợn châu Phi sai sự thật lên mạng hồi tháng 3 năm nay tại Hà Nội đã khiến cho nhiều người hoang mang.
Cụ thể, vào khoảng tháng 3/2019, chủ của fanpage có tên "Đầm Bầu Thời Trang Mami" đã đưa thông tin và hình ảnh về việc chế biến, bày bán lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi tại Hà Nội và kêu gọi "tẩy chay" thịt lợn vì có thể lây sang người.
Tuy nhiên, qua xác minh, kiểm tra, những hình ảnh trên fanpage này là "lấy lại từ nhiều báo điện tử; cụ thể đây là hình ảnh về bệnh sán dây ở lợn xảy ra tại Bình Phước vào tháng 11/2018"; đồng thời theo các nhà khoa học "Dịch tả lợn châu Phi cũng không lây sang người"... Đây là fanpage chính thức của cửa hàng thời trang Mami và được chia sẻ với hàng trăm tài khoản Facebook khác.
Trong buổi làm việc với Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, chủ fanpage này cũng đã chấp thuận ký vào biên bản vi phạm hành chính với mức phạt 20 triệu đồng.
Tung tin "bò khô làm từ thịt người"
Mới đây tại Đà Nẵng, một nhóm thanh niên đã tung tin "bò khô làm từ thịt người" lên Facebook, gây hoang mang dư luận. Cụ thể, nhóm này chia sẻ: "Mọi người ơi, bọn TQ đã lấy thịt người để làm bò khô đó mọi người ơi, bọn chúng đã đưa sang VN (Việt Nam) chúng ta rồi, mong mọi người chia sẻ, đừng mua nhầm nha". Thông tin này ngay lập tức được chia sẻ đến 4.000 lượt cùng các bình luận tiêu cực, gây hoang mang.
Sau khi xác minh đó là thông tin bịa đặt, sai sự thật, Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an Đà Nẵng đã mời 3 người đặng thông tin trên lên làm việc. Tại cơ quan công an, nhóm thanh niên này khai đã copy nội dung cảnh báo từ một trang Facebook nhưng không nhớ tài khoản nhằm mục đích câu like, tăng tương tác để bán hàng online.
Tung tin đồn nam sinh Phú Thọ khiến 4 bạn gái có thai
Khoảng tháng 5/2019, một số trang mạng xã hội đăng tải, chia sẻ nội dung thông tin sai sự thật về vụ việc nam sinh đang học tại Trường THPT Phong Châu, huyện Lâm Thao cùng lúc khiến 4 bạn gái mang thai. Vụ việc lập tức thu hút sự quan tâm không nhỏ của dư luận khiến nhiều người đổ xô đi tìm và chia sẻ hình ảnh về nam sinh nói trên.
Tiến hành kiểm tra, Sở TT&TT tỉnh Phú Thọ phát hiện Lê Ngọc Lâm đã sao chép nội dung thông tin sai sự thật về nam sinh đang học tại Trường THPT Phong Châu với tiêu đề “Chàng trai vàng của làng sinh đẻ” để đăng lên trang facebook cá nhân của mình và chia sẻ lên các trang facebook khác.
Sở này đã phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ hành vi đưa, chia sẻ thông tin sai sự thật lên mạng xã hội của Lê Ngọc Lâm; đồng thời yêu cầu Lâm xóa bỏ toàn bộ thông tin đó.
Tại cơ quan chức năng, Lê Ngọc Lâm đã thừa nhận và nhận thức rõ hành vi của mình do thiếu hiểu biết các quy định của pháp luật về cung cấp, đưa thông tin lên môi trường mạng.
Hành vi của Lê Ngọc Lâm đã vi phạm quy định tại điểm g, khoản 3, Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bưu chính - Viễn thông, Công nghệ thông tin và Tần số vô tuyến điện về “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.
Đăng tin giả về nhóm người ăn xin "mặt quỷ"
Đối tượng Nguyễn Văn Long viết tin xin lỗi. Ảnh: Dân Sinh |
Ngày 16/12, Công an huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 10 triệu đồng đối với Nguyễn Văn Long (SN 1988, trú tại thôn Tượng Phong, xã Thạch Tượng, huyện Thạch Thành) về hành vi tung tin không đúng sự thật trên mạng xã hội.
Trước đó, vào khoảng 17h40 ngày 6/12, trên trang Facebook “Nguyễn Thiên Long” đã đăng tải một bài viết có nội dung: “Bọn mặt đen Câm, cái đĩa có 25k về đến Kim Tân rồi nhé, mọi người cảnh giác nhé, tý nữa cháu mình up video cho mọi người xem”.
Khoảng 1 giờ sau, Long tiếp tục đăng tải 1 đoạn clip dài 1 phút 10 giây với nội dung nói về người ăn xin bôi mặt đen đi xin tiền lên trang cá nhân của mình.
Sau khi được chia sẻ, bài đăng của đối tượng Long đã thu hút 9.486 lượt người xem, hàng trăm lượt chia sẻ và bình luận gây hoang mang dư luận địa phương.
Nắm bắt được tình hình, Công an huyện Thạch Thành đã nhanh chóng tiến hành điều tra xác minh nội dung video clip và triệu tập Nguyễn Văn Long là chủ trang Facebook nói trên đến cơ quan công an để làm rõ nội dung vụ việc.
Tại cơ quan chức năng, Nguyễn Văn Long thừa nhận video và bài viết đăng tải trên facebook là thông tin bịa đặt, không đúng sự thật và gửi lời xin lỗi đến cộng đồng mạng và người dân.
Cơ quan Công an đã tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính số tiền 10 triệu đồng đối với Nguyễn Văn Long về hành vi tung tin không đúng sự thật trên facebook.
Trách nhiệm của mỗi người trong việc sử dụng mạng xã hội Nhiều chuyên gia cho biết, tin giả trên mạng xã hội thực sự là mối đe dọa cho cả xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu. Việc chia sẻ các nội dung sai lệch trên mạng xã hội, giúp nó phát tán rộng rãi, gây nguy hại cho cộng đồng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của nhiều người. Tuy nhiên, nhận thức của nhiều người ở Việt Nam cho rằng, sẽ không phải chịu trách nhiệm cho những phát ngôn trên môi trường ảo như trên mạng xã hội nên họ vô tư "bịa chuyện" để câu like, câu lượt tương tác. Bên cạnh đó, việc chế tài xử lý vẫn chưa thực sự cứng rắn, đủ sức răn đe hiến cho tin giả cứ âm thầm trà trộn, chờ dịp bùng phát. Vì vậy, người dùng mạng nên nâng cao ý thức đối với hành vi của mình, thẩm định và đăng tải thông tin chính xác. Việc lan truyền những thông tin sai lệch ngoài việc gây nguy hiểm cho xã hội còn có thể khiến người dùng đối mặt với trách nhiệm dân sự và thậm chí là hình sự. |
Bạch Hiền (t/h)