(ĐSPL) - Hiếu Vũ Đế chết năm 464, lúc mới 35 tuổi. Con trưởng của ông là Lưu Tử Nghiệp lên ngôi hoàng đế. Theo sử sách ghi chép lại thì Tử Nghiệp mới lên 16 tuổi đã ăn chơi trác táng, hung ác, điêu ngoa, chống lại tính trời, mặt người lòng thú.
Việc đầu tiên ông ta làm khi lên ngôi là giết ba trọng thần Hoàng thúc Giang Hạ vương Lưu Nghĩa Cung, Thượng thư Liễu Nguyên Cảnh, Thượng thư Tả bộc xạ Nhan Sư Bá. Lưu Nghĩa Cung mưu cùng Nhan Sư Bá và Liễu Nguyên Cảnh lật đổ Tử Nghiệp. Nghĩa Cung muốn lôi kéo Thẩm Khánh Chi, nhưng Nguyên Cảnh lại khinh Khánh Chi vũ phu, không nên dùng. Khánh Chi biết chuyện, nổi giận, bèn phát giác việc mưu phản. Tiền Phế Đế nhanh chóng điều cấm quân bắt được ba người. Sau đó Tiền Phế Đế đích thân đến hành hình Nghĩa Cung, sai chặt hết chân tay, móc mắt ngâm mật rồi mới phanh bụng. Cả nhà Nghĩa Cung cùng họ Liễu, họ Nhan bị xử tử.
Việc mưu phản của Lưu Nghĩa Cung khiến Tử Nghiệp lo lắng những người trong vương tộc sẽ đe dọa đến ngôi báu. Vì thế, Tử Nghiệp quyết định chuyển toàn bộ tôn thất vào ở trong cung. Chẳng cần lý do gì Tử Nghiệp cũng ra lệnh đánh đập những người họ hàng của mình. Thậm chí, có lúc cao hứng, ông ta còn biến các vương gia thành những chiếc giẻ lau, buộc dây thừng vào rồi kéo trên nền đất. Thẩm Khánh Chi tuy có công dẹp loạn nhiều lần, nhưng vì can thẳng Lưu Tử Nghiệp không nên làm điều ác nên cũng bị Tử Nghiệp sai người giết chết. Tử Nghiệp ghét em là Tử Loan mới lên 10 tuổi, vì Loan được cha yêu, nên hạ lệnh giết Loan. Các em cùng mẹ của Loan còn rất nhỏ cũng bị giết cùng. Chú của Tiền Phế Đế là Nghi Dương vương Lưu Sưởng làm Thứ sử Từ Châu lo lắng cho tính mạng của mình, vì thủ hạ ở Bành Thành lại không đồng lòng, bèn trốn sang hàng Bắc Ngụy. Những người chú khác có chút tài năng cũng bị Tử Nghiệp ngược đãi. Tương Đông vương Lưu úc bị đổi thành Trư vương (Vương lợn), Kiến An vương Lưu Hưu Nhân bị đổi thành Tử vương (Vương chết), Sơn Dương vương Lưu Hưu Hựu bị đổi thành Tặc vương (Vương giặc), Đông Hải vương Lưu Huy bị đổi thành Lư vương (Vương lừa), tất cả bị nhốt vào lồng tre thả trôi sông.
|
Lưu Tử Nghiệp nổi tiếng với sở thích dâm loạn (ảnh minh họa). |
Tử Nghiệp là người hoang dâm, trụy lạc và bệnh hoạn. Ông ta có người chị gái vô cùng xinh đẹp là công chúa Sơn Âm Lưu Sở Ngọc. Mặc dù Sở Ngọc đã lấy chồng nhưng Tử Nghiệp vẫn cho người đón chị gái vào cung để chung đụng rồi giữ lại không cho về. Sở Ngọc tuy xinh đẹp nhưng cũng dâm loạn vô độ. Sợ chồng của Sở Ngọc biết chuyện sẽ tìm cách giết mình, Lưu Tử Nghiệp liền hợp mưu với Sở Ngọc giết hại luôn người anh rể. Sau đó, Tử Nghiệp lại bắt một người cô ruột là công chúa Tân Thái đã được gả cho tướng Hà Mại, mang vào cung và đổi tên gọi là Tạ Phi. Hà Mại biết chuyện, muốn dấy binh làm phản để lập Tấn An vương Lưu Tử Huân mới lên 10 tuổi làm vua nhưng bị lộ nên bị giết chết. Tương truyền, Tử Nghiệp còn mắc chứng thị dâm, ra lệnh bắt các vương phi, công chúa ra đứng đầy sân rồi cho đám nô bộc ra hành dâm với họ, còn vua đứng xem để lấy hứng. Tử Nghiệp còn bắt các cung nữ khỏa thân chạy khắp sân để xem, rồi giết khi các cô gái đã kiệt sức.
Lưu Tử Nghiệp tàn bạo và dâm loạn nên hay nằm mơ. Một lần, ông ta nằm mơ thấy có cung nữ muốn giết mình liền đem chuyện hỏi một bà đồng. Bà đồng này nói rằng trong hoàng cung có "quỷ". Lưu Tử Nghiệp nghe vậy vô cùng sợ hãi nên sau đó thường hay cầm cung tên đi khắp nơi trong cung để bắn "quỷ". Do Lưu Tử Nghiệp chìm đắm trong nữ sắc nên bà mẹ đau buồn lâm bệnh nặng. Sắp chết, bà sai cung nữ đi gọi con trai đến thăm bà, nhưng ông ta từ chối lấy cớ trong cung của thái hậu có ma. Bà mẹ vì quá hận đã tự cầm dao mổ bụng mình để xem tại sao lại sinh ra đứa nghịch tử như thế. Thủ hạ của Trư vương Lưu Úc khi đó đang bị giam là Nguyên Tế Phu đã kết nối với bên ngoài, đồng mưu với người coi việc ăn mặc của Lưu Tử Nghiệp là Thọ Thúc Chi lên kế hoạch giết vua. Nhân lúc Tiền Phế Đế đang đi khắp nơi trong cung để "bắn quỷ", Thọ Thúc Chi bèn xông vào cung giết chết ông ta rồi giết luôn cả Sở Ngọc bằng chính con dao mà thái hậu đã dùng để rạch bụng mình. Khi Lưu Tử Nghiệp bị giết ông ta mới 17 tuổi, mới lên ngôi được một năm. Lưu úc được cứu thoát ra ngoài, lên ngôi Hoàng đế, tức Lưu Tống Minh Đế.
Luật nay:
Tội ác chất chồng, Lưu Tử Nghiệp không thể thoát án tử
Nếu không phải là một kẻ bệnh hoạn, hẳn Lưu Tử Nghiệp đã không thông dâm với cả chị gái và lấy cô ruột làm vợ để rồi người đời nghìn năm sau vẫn lấy làm ghê tởm về sự loạn luân của ông ta. Thật khó có thể lý giải tại sao một bậc đế vương thiên tử sở hữu trong tay hàng nghìn cung tần mỹ nữ, những người đẹp nhất, trẻ nhất được tuyển chọn trong thiên hạ mà vẫn phải chèo kéo thêm cả chị gái và cô ruột vào trò dâm loạn một cách bệnh hoạn của mình. Lòng tham hay sự biến thái đã khiến ông ta có những hành động nhơ bẩn, đầy thú tính như vậy? Trong khi đó, cả chị gái và cô ruột của ông ta đều là những người phụ nữ đã có chồng, có gia đình riêng để yêu thương và chăm sóc, vậy mà vẫn không thoát khỏi những ham muốn bệnh hoạn của ông hoàng "râu xanh".
Điều kỳ lạ ở đây là người chị gái xinh đẹp của Tử Nghiệp không những không lấy làm nhục nhã cho bản thân và cho cả dòng tộc vì có một đứa em trai oan nghiệt như vậy mà còn tiếp tay giết hại chồng mình, thật là chuyện hiếm có xưa nay. Điều 150, Bộ luật Hình sự Việt Nam sửa đổi bổ sung năm 1999 về tội loạn luân quy định rõ: Người nào giao cấu với người cùng dòng máu về trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. Do đồng lõa với nhau trong mối quan hệ loạn luân này, cho nên cả Tử Nghiệp và Sở Ngọc đều phải chịu chung mức án cao nhất của khung hình phạt.
Không những thế, cả hai cũng phải chịu trách nhiệm về việc giết người cụ thể là chồng của Sở Ngọc và là anh rể của Tử Nghiệp để dọn đường cho việc thông dâm với nhau. Rõ ràng chị em nhà Tử Nghiệp đã phạm tội giết người vì động cơ đê hèn. Điểm q, khoản 1, Điều 93, Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quy định rõ: Người nào giết người vì động cơ đê hèn thì bị phạt tù từ mười hai đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Riêng Lưu Tử Nghiệp còn phải chịu trách nhiệm về hàng loạt những cái chết oan uổng khác, trong đó có rất nhiều các trung thần có công với nước, anh chị em, họ hàng trong hoàng tộc và vô số cung nữ, những người đã phải đánh đổi cả tuổi thanh xuân chỉ để mua vui cho hắn một vài trống canh. Câu chuyện về những trò độc ác, mất hết nhân tính của Lưu Tử Nghiệp tưởng như đã vượt quá sức tưởng tượng của con người khi biến các vương gia thành những chiếc giẻ lau, buộc dây thừng vào rồi kéo trên nền đất. Không những thế, ông ta còn bắt các vương phi, công chúa ra đứng đầy sân rồi cho đám nô bộc ra hành dâm với họ, còn vua đứng xem để lấy hứng hoặc bắt các cung nữ khỏa thân chạy khắp sân để xem, rồi giết khi các cô gái đã kiệt sức. Ngay cả người mẹ đã vất vả mang nặng đẻ đau, nuôi ông ta đến ngày lên nắm giữ vương quyền cũng vì chứng kiến quá nhiều tội ác của con trai mà chết. Một đứa con bỏ mặc mẹ già trong lúc hấp hối, một đứa con mà ngay chính mẹ đẻ của hắn cũng không hiểu vì sao mình đã sinh ra một kẻ quái thai, độc ác đến như vậy thì cuộc đời đâu còn ai có thể yêu thương, dung thứ cho hắn được nữa. Hắn phải bị loại bỏ khỏi xã hội để tránh gây thêm tội ác cho loài người. Điểm a, khoản 1, Điều 93, Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định rõ: Người nào giết người mà giết nhiều người thì bị phạt tù từ mười hai đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Ngoài ra, với việc đem các vương gia ra làm giẻ lau, bắt các cung nữ khỏa thân rồi cho đám nô bộc ra hành dâm trước mặt, Lưu Tử Nghiệp còn phải chịu trách nhiệm về tội hành hạ và tội làm nhục người khác. Tội ác chất chồng tội ác, Tử Nghiệp không thể thoát án tử.