Lào Cai có vị trí thuận lợi, là “Cầu nối” trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam); Với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, núi non hùng vĩ, “Sông đầu nguồn, núi tuyệt đỉnh” ; văn hóa đa dạng phong phú của 25 nhóm ngành dân tộc. Khu du lịch quốc gia Sa Pa với lịch sử hình thành và phát triển trên 120 năm, tài nguyên du lịch nổi bật, đặc sắc, khí hậu mát mẻ quanh năm, đặc biệt có đỉnh núi Fansipan cao 3.143m được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương; với những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, kỳ vĩ nhất trên thế giới,… là điểm đến hấp dẫn với du khách thập phương.
Lào Cai có lợi thế về phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, núi non hùng vĩ, “Sông đầu nguồn, núi tuyệt đỉnh”.
Ông Lại Vũ Hiệp – Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết: Thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 148-Ctr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW, Sở Du lịch tỉnh Lào Cai đã tham mưu xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy, phát huy những tiềm năng lợi thế, đưa ngành du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Lào Cai trong năm 2024.
Ông Hiệp chia sẻ: “Với những lợi thế về tiềm năng tài nguyên du lịch, Lào Cai có thể phát triển nhiều loại hình du lịch hơn so với các địa phương khác trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Mặt khác sự đa dạng về tài nguyên du lịch đó còn mang lại cho Lào Cai trong lợi thế xây dựng tour du lịch chuyên đề kết nối các tỉnh trong khu vực Đông Bắc, Tây Bắc, kết nối các trọng điểm du lịch miền Bắc, các chương trình du lịch xuyên biên giới. Đây là nguồn tài nguyên vô giá là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế du lịch của địa phương”.
Tận dụng những lợi thế sẵn có, ngành Du lịch tỉnh Lào Cai từng bước được phát triển, tiếp cận, thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Tận dụng những lợi thế sẵn có, ngành Du lịch tỉnh Lào Cai từng bước được phát triển, tiếp cận đến du khách trong nước và quốc tế.Trong những năm qua, trên cơ sở phát huy những lợi thế về tiềm năng tài nguyên sẵn có, Lào Cai đã có những bước phát triển đáng ghi nhận trong phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành mũi nhọn, khẳng định được vị thế trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo được sức lan tỏa thúc đẩy nhiều ngành kinh tế khác cùng phát triển và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.
Sở Du lịch tỉnh Lào Cai phối hợp cùng các cơ quan, ban ngành đã có những kế hoạch cụ thể, từng bước phát triển ngành du lịch tỉnh nhà.9 tháng đầu năm 2024, lượng khách du lịch đến với Lào Cai đạt hơn 6,5 triệu lượt, trong đó: khách du lịch nội địa đạt trên 5,9 triệu lượt, khách quốc tế đạt hơn 600 nghìn lượt, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 77,2% so với kế hoạch năm 2024. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 21.686 tỉ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023, đạt trên 79,73% so với kế hoạch năm 2024. Lào Cai là tỉnh đứng đầu khu vực cả về lượng khách và doanh thu du lịch; đứng thứ 12/63 tỉnh, thành về lượng khách; đứng thứ 8/63 tỉnh, thành về doanh thu du lịch. Du lịch Lào Cai tiếp tục được du khách đánh giá là điểm du lịch hấp dẫn, Sa Pa lọt vào Top 5/7 điểm đến thịnh hành nhất thế giới năm 2024 do nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới Tripadvisor bình chọn.
“Bên cạnh những thuận lợi, thì ngành du lịch tỉnh Lào Cai vẫn còn nhiều khó khăn hạn chế về cơ sở hạ tầng, chính sách và nguồn lực để phát triển du lịch còn thiếu và yếu, việc duy trì và bảo tồn các bản sắc văn hóa cũng dần bị mai một,.... Chúng tôi đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn vướng mắc, hướng đến giải pháp trọng tâm là phát triển các sản phẩm tiêu biểu, đặc sắc của riêng tỉnh Lào Cai, tích cực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa,...Đây cũng là điểm khác biệt của ngành du lịch tỉnh Lào Cai so với các tỉnh cùng khu vực và cả nước”, ông Hiệp cho biết.
Sở Du lịch tỉnh Lào Cai phối hợp cùng các cơ quan, ban ngành đã có những kế hoạch cụ thể, từng bước phát triển ngành du lịch tỉnh nhà.
Lào Cai tích cực tuyên truyền hướng dẫn thế hệ trẻ gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa thông qua các lớp học bảo tồn văn hóa.Trong những năm qua, Lào Cai đã xây dựng, phát triển được một số sản phẩm du lịch thành “thương hiệu” nổi tiếng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như: Festival “Tinh hoa Tây Bắc”; Festival “Cao nguyên trắng Bắc Hà”; Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà, Giải Marathone vượt núi quốc tế (VMM), Giải đua xe đạp quốc tế “Một đường đua hai quốc gia” Lào Cai, Việt Nam – Hồng Hà, Trung Quốc, Lễ hội 5 mùa, Lễ hội trên mây Sa Pa,...
Bên cạnh đó, ngành du lịch tỉnh Lào Cai luôn xác định chuyển đổi số là một giải pháp đột phá nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phục hồi và phát triển du lịch theo hướng linh hoạt và bền vững trong thời kỳ mới, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch Lào Cai trên các cổng thông tin điện tử, website và các kênh truyền thông mạng xã hội,...
Trong những năm qua, Lào Cai đã phát triển được một số sản phẩm du lịch thành “thương hiệu” nổi tiếng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Chị Trần Thị Trang (Đống Đa, Hà Nội) – Du khách tại Sapa cho biết: “Mình và gia đình có kế hoạch lên Sapa chơi vào giữa tháng 9, nhưng vì ảnh hưởng của cơn bão Yagi nên phải lùi lịch chuyến đi, rất may là thị trấn đã kịp thời khắc phục hậu quả của cơn bão, các thành viên trong gia đình mình đều hào hứng và vui vẻ khi trải nghiệm các hoạt động tại đây.”
Bà Hoàng Thị Vượng - Trưởng Phòng Văn hóa và thông tin thị xã Sa Pa cho biết: “Thời gian qua, do ảnh hưởng của cơn bão Yagi, các hoạt động du lịch, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng ít nhiều bị tác động. Sau khi tạm ngừng để cải tạo, mọi hoạt động văn hóa – du lịch đã trở lại bình thường. Để kích cầu cho du lịch cuối năm, thị trấn Sa Pa đã ban hành một dự án phục hồi du lịch cho địa bàn, thu hút thêm lượng khách đến đây tham quan và trải nghiệm”.
Ngành du lịch tỉnh Lào Cai xác định mục tiêu dài hạn cần phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, nhận thức về phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và các đơn vị kinh doanh du lịch. Đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong phát triển du lịch. Bên cạnh đó là nâng cao năng lực cán bộ quản lý, điều kiện vật chất phục vụ công tác quản lý. Đẩy mạnh vai trò, hiệu quả hoạt động của các Hiệp hội du lịch để bảo đảm cầu nối giữa doanh nghiệp kinh doanh du lịch và các cơ quan quản lý nhà nước. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch. Kịp thời khen thưởng động viên và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển du lịch của tỉnh.
Du khách hào hứng tham quan và trải nghiệm các hoạt động du lịch tại Sapa.
Với phương châm định hướng phát triển “Sản phẩm đặc sắc - dịch vụ chuyên nghiệp - thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện” ngành du lịch Lào Cai hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến du lịch thiên nhiên, thể thao mạo hiểm “xanh” và “thông minh” hàng đầu Việt Nam và khu vực gắn với bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vùng núi, giúp du khách thập phương có được những trải nghiệm khác biệt trên mỗi hành trình khám phá Lào Cai.