Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyên gia an ninh mạng Hiếu PC nói gì về nguy cơ rủi ro lộ thông tin khi sử dụng Temu?

  • Hiếu Nguyễn
(DS&PL) -

Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) cho biết có một số rủi ro tiềm ẩn khi thêm thông tin thẻ tín dụng vào các nền tảng thương mại điện tử như Temu.

Những ngày qua, sàn thương mại điện tử Temu đang thu hút sự chú ý với những “chiêu trò” khuyến mại, tặng hoa hồng hấp dẫn cho người tham gia. Bên cạnh đó, sức hấp dẫn của Temu cũng được cho là đến từ việc sàn này liên tục đưa ra quảng cáo về những mặt hàng với mức giá “rẻ như cho”, kích thích sự tò mò của người tiêu dùng.

Đáng chú ý, về phương thức thanh toán, hiện nền tảng chỉ chấp nhận thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ hoặc Apple Pay, không có tùy chọn tiền mặt. Nhiều người dùng lo ngại việc nhập các thông tin cá nhân, thẻ tín dụng lên một sàn thương mại điện tử còn quá xa lạ, chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam có thể tiềm ẩn nguy cơ lộ lọt thông tin.

Hiện sàn thương mại Temu có 2 phương thức thanh toán chính là sử dụng thẻ tín dụng/ghi nợ, Google Pay hoặc Apple Pay,...

Trả lời Phóng viên Đời sống & Pháp luật về nguy cơ lộ thông tin khi người dùng “add” thẻ tín dụng lên sàn Temu, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) – nhà sáng lập dự án Chongluadao cho biết có một số rủi ro tiềm ẩn khi thêm thông tin thẻ tín dụng (bao gồm số thẻ, mã CVV, và thông tin cá nhân) vào các nền tảng thương mại điện tử như Temu.

Theo ông Ngô Minh Hiếu, các nền tảng này thường lưu trữ thông tin thẻ trong cơ sở dữ liệu của họ để thuận tiện cho người dùng. Tuy nhiên, nếu cơ sở dữ liệu này bị xâm nhập, hacker có thể đánh cắp thông tin nhạy cảm này.

“Ngoài ra, các cuộc tấn công như phishing (lừa đảo) và man-in-the-middle (chặn dữ liệu khi người dùng truyền tải qua mạng không an toàn) cũng là những rủi ro phổ biến”, ông Ngô Minh Hiếu phân tích.

Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) – nhà sáng lập dự án Chongluadao.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, hiện tại việc Temu không sử dụng những phương thức thanh toán an toàn hợp pháp tại Việt Nam như MoMo, ZaloPay, VNPay, Napas.... Thông tin dữ liệu nhạy cảm này không biết có được bảo mật hay không, khi những dữ liệu này được lưu trữ không phải ở Việt Nam. Đồng thời, website của Temu hiện tại cũng không có con dấu chứng thực của Bộ Công Thương.

Để phòng ngừa nguy cơ rủi ro bị hack thẻ tín dụng, ông Ngô Minh Hiếu khuyến cáo người dùng nên thực hiện các biện pháp sau. Thứ nhất, người dùng nên sử dụng xác thực hai yếu tố (2FA) cho tài khoản trên các nền tảng mua sắm trực tuyến. Đồng thời, tránh lưu thông tin thẻ trên các website nếu không cần thiết; kiểm tra thường xuyên các giao dịch trên thẻ để phát hiện sớm các dấu hiệu gian lận; đảm bảo thiết bị luôn được cập nhật phần mềm và không tải phần mềm từ nguồn không đáng tin cậy.

Bên cạnh đó, người dùng nên sử dụng mạng riêng tư và tránh Wi-Fi công cộng khi thực hiện các giao dịch quan trọng. Đặc biệt, chỉ mua hàng trên nền tảng thương mại điện tử uy tín, có con dấu logo xác nhận của Bộ Công Thương.

Nếu phát hiện thẻ có dấu hiệu bị hack, người dùng nên liên hệ ngay với ngân hàng để khóa thẻ; kiểm tra lịch sử giao dịch và báo cáo các giao dịch bất thường; xem xét thay đổi mật khẩu trên các tài khoản có liên kết với thẻ và theo dõi chặt chẽ thông tin tài khoản trong thời gian sau đó, tránh tái sử dụng thẻ này trên các nền tảng đáng ngờ.

Tin nổi bật