Ngoài tình yêu với nghề thì sáng tạo là điều không thể thiếu để các thầy, cô giáo truyền cảm hứng học tập cho học trò thân yêu của mình.
Sinh ra và lớn lên ở xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, Yên Bái, từ nhỏ, cô Đỗ Thùy Quyên đã hiểu được nỗi khó khăn, vất vả của người dân nơi đây nên mơ ước sẽ trở thành cô giáo để dạy chữ, giúp các em học sinh vùng cao có kiến thức, thay đổi cuộc sống.
Quyết tâm theo đuổi đam mê dạy học, đến nay, cô giáo Quyên đã có thâm niên 13 năm đứng lớp, trong đó, có 6 năm gắn bó với những đứa trẻ người Mông ở Trường Mầm non Suối Giàng - một trong những trường thuộc khu vực đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái.
Theo chia sẻ của cô Quyên, học sinh vùng cao rất nhút nhát, không nói sõi tiếng Kinh nên khoảng cách giữa cô - trò là khá lớn. Vì vậy, việc dạy học càng trở nên khó khăn hơn.
Trăn trở với điều đó, cô đã nghĩ mọi cách để những đứa trẻ của mình hứng thú khi đến trường và gần gũi với thầy cô.
Cô Đỗ Thùy Quyên bên các học trò. Ảnh: TTXVN |
Để hiện thực hóa ý tưởng của mình, cô đã nảy ra ý tưởng làm những cuốn sách 3D cho học trò. Ban đầu, cô học cách tạo bài giảng bằng slide, chèn các hình ảnh để trẻ dễ nhận thức. Sau đó, cô tập làm sách 3D. Tuy nhiên, thời điểm đó, do trình độ cũng như kỹ năng công nghệ thông tin còn hạn chế nên kế hoạch đã không thành công.
Không nản lòng, cô tìm hiểu vào sau đó tham gia vào một diễn đàn về giáo dục. Ngoài được các thành viên diễn đàn giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm, cô cũng chủ động học hỏi một số kỹ thuật khi tạo ảnh và photoshop và dần hoàn thiện sản phẩm sách 3D theo ý tưởng của mình.
Khi ra mắt sản phẩm đầu tiên, thấy học sinh rất hào hứng, cô lại có thêm động lực tiếp tục tìm hiểu để nâng cao sản phẩm của mình. Những cuốn sách 3D mà cô làm ra không chỉ có hình ảnh nổi mà còn có các chi tiết có khả năng chuyển động, giúp trẻ dễ nhận biết và nâng cao khả năng tư duy.
Tuy nhiên, để làm được những quyển sách này không hề đơn giản, cô giáo Quyên mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mẩn cao độ, từ khâu tìm kiếm hình ảnh, xử lý hình ảnh trên máy tính, rồi sắp xếp nhân vật di chuyển. Nguyên liệu làm sách cũng không có sẵn mà cô phải đặt mua trên mạng.
Mỗi quyển sách 3D là những câu chuyện được cô chọn từ chương trình giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhờ sự kiên trì, ham học hỏi, đến nay cô đã làm được hơn 10 quyển sách 3D phục vụ cho học sinh.
Cô Quyên tâm sự trước đây, cô chỉ biết phần mềm PowerPoint để thiết kế bài giảng. Bây giờ, cô đã biết kết nối lớp học của mình với lớp học của các đồng nghiệp trong và ngoài nước thông qua công cụ Skype.
Từ những nỗ lực đổi mới, sáng tạo của cô Quyên, những đứa trẻ Mông vùng cao Suối Giàng trở nên tự tin, gần gũi với thầy cô giáo hơn và đặc biệt là đã có thể nói tiếng Việt rành rọt. Đây là niềm vui lớn nhất của cô Quyên cũng như nhiều giáo viên trong vùng.
Cùng chung đam mê phục vụ học trò như cô Quyên, thầy giáo Nguyễn Quốc Huy - giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đã nhận nhiều bằng khen - phần thưởng dành cho các sản phẩm sáng tạo trong sự nghiệp giảng dạy của mình.
Từng đoạt giải Nhất Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc năm 2005, thầy giáo Nguyễn Quốc Huy luôn trăn trở: “Các kiến thức về điện khó và trừu tượng. Trong khi, các thiết bị thí nghiệm vật lý hiện có vừa thiếu, vừa quá phức tạp. Đó là lý do tôi thử nghiệm và chế tạo các thiết bị thí nghiệm về điện đơn giản nhưng đầy đủ mọi tính năng để phục vụ công việc dạy và học”.
Bộ thiết bị này không những giúp học sinh dễ dàng lĩnh hội, đào sâu, mở rộng vốn kiến thức mà còn tạo hứng thú học tập môn vật lý. Thiết bị này cũng được công nhận là sáng kiến tiêu biểu nhất chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục”, đưa vào “Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2017”.
Từ đây, nhiều công ty chuyên thiết bị giáo dục đã hỗ trợ sản xuất, phát triển sản phẩm để ứng dụng rộng rãi trong các trường học.
Trở về nước sau 8 năm du học nước ngoài, rất nhiều cơ hội mở ra, song thầy Hà Minh Hoàng đã lựa chọn làm giảng viên trường đại học.
Thầy giáo Hà Minh Hoàng hướng dẫn sinh viên lên ý tưởng, kế hoạch khởi nghiệp. Ảnh: Hà Nội Mới |
Ngoài những giờ giảng trên lớp, thầy Hà Minh Hoàng còn nhiệt tình hướng dẫn sinh viên, những startup trẻ hoàn thiện các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp.
“Thiếu định hướng, không biết phải làm gì là những điều chúng em phải đối mặt khi khởi nghiệp. Nhưng may mắn, chúng em có thầy Hoàng luôn đồng hành và truyền cảm hứng. Để làm những dự án lớn, thầy luôn tận tình hướng dẫn, dù đi công tác nước ngoài vẫn bằng mọi cách giúp sinh viên hoàn thiện dự án”, cựu sinh viên Nguyễn Phượng Hoa cho biết.
Nhờ có thầy Hoàng dìu dắt, Hoa đã trở thành một startup trẻ về công nghệ thông tin có tiềm năng.
Đồng hành cùng sinh viên khởi nghiệp cũng đồng nghĩa với việc phải mất nhiều thời gian và công sức, nhưng khơi dậy cho sinh viên niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo thì đó chính là niềm vui lớn nhất của thầy Hoàng.
Vũ Đậu (T/h)