Sau mưa lũ, nhiều ngôi nhà ở các địa phương đứng trước nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Chính quyền địa phương và chỉ huy Bộ đội Biên phòng đã có những quyết định nhanh chóng, chính xác để đảm bảo an toàn về người và giảm thiệt hại về của cải.
Khẩn cấp di dời trong đêm
Ngày 22/10, tại huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), nước đã rút, người dân bắt đầu khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, tại thôn Đạm Thủy 2 (xã Thạch Hóa) đã xảy ra sạt lở đất trên núi Ba Cồn, uy hiếp 21 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu sống phía dưới chân núi. Trước thực trạng này, chính quyền phải vận động người dân di dời khẩn cấp, đảm bảo an toàn tính mạng. Được biết, núi Ba Cồn cao khoảng 150 – 200m, hiện có khoảng 40 - 50 nghìn khối đất đổ xuống những nhà dân sống ở bên dưới.
Tại hiện trường, đất đá cùng cây cối sạt trượt ập xuống khiến nhiều ngôi nhà tường vách bị nứt, đổ, đất tràn vào nhà. Phía trên ngọn núi Ba Cồn có một đường nứt lớn, có thể đất đá đang tiếp tục sạt lở.
Ông Cao Xuân Bình - Chủ tịch UBND xã - cho biết: “Chiều 17/10 có mưa to, khu vực này lại có nguy cơ sạt lở nên lãnh đạo xã đã đến yêu cầu các hộ làm cam kết, di dời đi chỗ khác. Đến khoảng 20h cùng ngày, một lượng đất lớn trên núi sạt xuống chèn sát nhà dân. Sau khi nhận thông tin, chúng tôi đã đến và yêu cầu 21 hộ dân di chuyển ngay lập tức. Phần lớn họ đi trong đêm, chỉ có một vài người ở lại giữ đồ đạc, đến ngày hôm sau thì họ di dời hết”.
Cũng theo ông Bình, chiều 22/10 xã đã huy động tất cả các lực lượng đến hỗ trợ di chuyển tài sản, sau đó sẽ tháo dỡ nhà chuyển đến vị trí khác để giảm thiệt hại cho người dân. “Chúng tôi cũng đang khảo sát vị trí dựng nhà, hiện các hộ dân này đang ở nhà người quen”, ông Bình cho biết thêm.
Đợt mưa lũ này, xã Thạch Hóa bị ngập hơn 1.200 hộ dân với độ sâu từ 1 - 1,2m, nhiều gia đình phải di dời lên vùng cao để tránh lũ. Nhiều tài sản của người dân bị nước lũ cuốn trôi. Tại xã Đức Hóa của huyện này cũng có 8 hộ dân ở xóm Kinh Trừng (thôn Đức Phú) sống bên bờ sông Gianh bị sạt lở nghiêm trọng, có thể trôi xuống sông Gianh bất cứ lúc nào.
Ông Võ Đức Trường - Chủ tịch UBND xã Đức Hóa - cho biết, 8 ngôi nhà của dân ở xóm Kinh Trừng bị sạt lở rất nguy hiểm. Đặc biệt nghiêm trọng là nhà của 2 hộ dân Mai Trung, Mai Tân bị nước lũ khoét sâu vào nhà, sạt xuống sông làm lỏng móng, gãy dầm không thể ở được. Chính quyền địa phương đã di dời 2 hộ vào thôn Ngọc Lâm cùng xã để tránh trú. 6 hộ dân còn lại ban ngày về sinh hoạt, còn ban đêm phải di chuyển sang những gia đình an toàn để ngủ.
“Xã đã cắt cử lực lượng dân quân tự vệ túc trực tại ví trí các hộ bị ảnh hưởng do sạt lở để theo dõi, giúp dân kịp thời khi có sự cố. Về giải pháp lâu dài, cần các cơ quan huyện và tỉnh vào cuộc, hỗ trợ các hộ dân di dời đến nơi an toàn sinh sống. Chúng tôi cũng mong cấp trên quan tâm đầu tư làm kè sông Gianh ở những nơi xung yếu để chống sạt lở, đảm bảo tính mạng cũng như tài sản cho người dân”, Chủ tịch UBND xã Đức Hóa chia sẻ.
Điểm sạt lở nghiêm trọng tại đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế ChaLo. |
Dời quân kịp thời
Cũng hậu quả sau mưa lũ, đến bây giờ cán bộ chiến sĩ đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Cha Lo (đóng tại xã Dân Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại giây phút sạt lở núi khiến trụ sở đóng quân bị đổ sập. Rất may mắn, toàn bộ quân số đã được cấp chỉ huy quyết định di dời trước khi xảy ra sự việc.
Cụ thể, lúc 10h30 ngày 19/10, đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế (CKQT) Cha Lo, phát hiện khu vực đóng quân của đơn vị có dấu hiệu sụt lún, tường nhà ở và làm việc của đơn vị có nhiều vết nứt dài khoảng gần 1m. Đến 2 tiếng sau, tiếp tục phát hiện các vết nứt lớn hơn ở các dãy nhà làm việc của đơn vị.
Nhận định những dấu hiệu bất thường trên có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng của cán bộ, chiến sĩ và vũ khí trang bị, tài liệu của đơn vị, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình đã khẩn trương chỉ đạo, ngay lập tức di chuyển cán bộ chiến sĩ, vũ khí trang bị, tài liệu và các tài sản quan trọng khác khỏi đơn vị đến nơi đảm bảo an toàn, đồng thời bố trí cán bộ, chiến sĩ quan sát, cảnh giới từ xa ngăn không cho người đến khu vực nguy hiểm và bảo vệ doanh trại.
Đến 19h cùng ngày, tại Km 137+100 đường 12A, cách cổng đồn Biên phòng CKQT Cha Lo khoảng 10m (về hướng CKQT Cha Lo) phát hiện bị sạt lở đất khối lượng lớn (chưa xác định khối lượng cụ thể) từ phía doanh trại ra hết đường 12A, phương tiện không qua lại được.
Tiếp tục kiểm tra, phát hiện bức tường rào phía trước đồn biên phòng CKQT Cha Lo (cách cổng đồn khoảng 200m về phía Đông, hướng từ nội địa lên cửa khẩu) bị sập, đất sụt lún và dãy nhà ở cán bộ chiến sĩ bị sập hoàn toàn, một số khu vực nhà Chỉ huy đồn đã bị sập, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hiện, qua thị sát hiện trường xung quanh, quả đồi bên phía ta-luy dương (bên trái đường 12A hướng từ nội địa lên CKQT Cha Lo) tại Km137+150 bị sụt lún, di chuyển cả quả đồi xuống lấp toàn bộ đường 12A và suối Cha Lo với khối lượng khoảng trên 1.000m3 , làm nước suối dâng cao khoảng 2m từ Km137+150 đến Km139, chia cắt đường 12A từ CKQT Cha Lo về nội địa.
Cơ quan chức năng cho biết, do nước lũ đang nhanh, nguy cơ sẽ tràn qua khu vực đã sạt lở trước đó, dồn về với lượng lớn nguy cơ sụt lún, sạt lở đất tại đồn Biên phòng CKQT Cha Lo, đe dọa đến tính mạng, tài sản của đồng bào ở bản Cha Lo. BĐBP đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức di dời khẩn cấp 34 hộ/127 khẩu của bản Cha Lo về bản Bãi Dinh, Ka Vàng, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa để đảm bảo an toàn.
Đại tá Trịnh Thanh Bình đã trực tiếp đến hiện trường và chỉ đạo quyết liệt đơn vị rút kinh nghiệm về xử lý sạt lở, tăng cường kiểm tra, canh gác, chỉ đạo đồn BPCKQT Cha Lo đặt biển cảnh giới sạt lở theo quy định, liên tục cập nhật, nắm tình hình để có phương án xử lý kịp thời, quyết tâm không để xảy ra mất an toàn cho cán bộ, chiến sĩ.
Ngô Thị Huyền
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Bảy (43)