Một giờ sáng, cái chớm lạnh đầu đông phủ khắp Hà Nội. Sương giăng khắp các ngả đường, thi thoảng một vài chiếc xe máy vội vã chạy rồi khuất dần trong bóng tối. Chúng tôi đi theo con xe chạy vừa nãy tới một khu chợ nhỏ ở huyện Thường Tín. Trong màn đêm đen đặc, thứ âm thanh lạch cạch, cót két phát ra từ những chiếc xe đạp, xe thồ xen lẫn tiếng nói chuyện rôm rả phá tan không gian yên tĩnh. Đó là những người phụ nữ với chiếc xe rau cồng kềnh cùng tiếng í ới gọi nhau trong ánh đèn đường nhoẹt nhòe càng làm cho không gian chợ đêm thêm sôi động trong khi cả thành phố vẫn chìm trong giấc ngủ say.
Bà Nguyễn Thị Mai (70 tuổi, Thường Tín, Hà Nội) cùng với khuôn mặt hốc hác, sạm đen hiện ra dưới ánh đèn cao áp vàng vọt, ngồi thụt sâu với những bó rau được xếp ngay ngắn. Sau lưng bà là chiếc xe đạp cũ kỹ. Chiếc xe là người bạn gắn bó với bà nhiều năm nay, không biết đã ngược xuôi bao nhiêu phiên chợ, bao nhiêu mùa nắng mưa, thức cùng bà hằng đêm.
“Cái nghề đêm hôm, ngày thì chăm rau, tối thì đạp xe hơn 5km đi bán. Khổ cái là năm nay nước ngập, chẳng còn rau mà bán như mọi năm. Mà bán thì rất rẻ, như hôm nay lại ế. Đây là rau thơm không ăn hết được, bỏ đi thì phí, chỉ biết mang về phơi đóng tải để đấy ” bà Mai ngậm ngùi chia sẻ.
Trong ánh sáng nhòe nhoẹt của đèn đường trộn với sương đêm, khuôn mặt chị Nguyễn Thị Tuyết (35 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) vẫn rõ vẻ khắc khổ. Vóc dáng nhỏ thó, gầy gò nhưng đêm nào cũng vậy, chị phải gồng mình đạp xe gần chục cây số, đem những bó rau chính tay mình làm để mang ra điểm tập kết.
Chị Tuyết ngậm ngùi cho biết: “Một năm chỉ dám nghỉ 3 ngày vào dịp Tết, còn lại những ngày khác vẫn đi làm. Bây giờ xăng tăng, điện tăng, đạm cũng tăng, vất vả nhiều thứ, không đi làm thì lấy tiền đâu đóng tiền học cho con”.
Để có được những bó rau tươi mang lên phố thị, nhiều người nông dân như chị Tuyết thường hái rau từ chiều tối hôm trước hoặc hái lúc tờ mờ sáng. Đến sớm hôm sau, công việc của họ là cắt, tỉa, rửa rau rồi đem bó lại xếp gọn gàng trên xe để ra điểm tập kết cho thương lái hoặc những ngôi chợ không tên bên vỉa hè.
Khi được hỏi về ngày phụ nữ Việt Nam các cô/các chị có mong muốn gì không? Thì câu trả lời mà chúng tôi nhận lại được nhiều nhất là: Mong hôm đấy bán hết rau sớm, để còn về nhà, ngủ thêm chút ít để sáng hôm sau còn ra ruộng.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, bà Trần Thị Hương (50 tuổi, Phú Xuyên, Hà Nội) xem tấc ruộng như khúc ruột của mình. Hơn nửa đời của bà đều gắn bó với nghề trồng rau, ban ngày bà giành phần lớn thời gian trên 3 sào ruộng của gia đình để trồng và chăm sóc rau, tối đến bà lại cắt nửa giấc ngủ mang rau ra chợ: “Dù là công việc tay chân, vất vả nhưng cố gắng chăm chỉ thì vẫn túc tắc đồng ra đồng vào. Ở đây chúng tôi cũng chẳng để ý tới ngày 20/10 đâu. Nông dân chúng tôi chỉ quan tâm tới thời tiết, giá phân, giá đạm và lo kiếm ăn thôi".
Không chỉ những người trồng rau mà các thương lái cũng phải dậy thật sớm để đến chợ lấy rau kịp bán chợ sáng. Bên cạnh những khóm rau vừa mua xong từ những cô bác nông dân, chị Nguyễn Thị Hà (huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội) với thân hình gầy gò và đôi mắt thâm quầng, chia sẻ: “Bất kể thời tiết mưa gió, ngày nào cũng vậy tôi đều dậy ra chợ từ lúc 2- 3 giờ sáng để chờ mọi người mang rau ra, nếu đến trễ thì người khác sẽ lấy hết rau ngon. Làm công việc này là phải chịu khó dậy sớm, nhiều hôm mệt mỏi quá nên sáng lên chợ bán rau mà ngủ quên lúc nào không biết".
Nếu như trong ngày 20/10, biết bao phụ nữ được quây quần cùng gia đình trong một buổi sáng ấm áp, được nhận những bó hoa tươi thắm, những món quà, những lời chúc mừng ý nghĩa thì với những người phụ nữ phải lao động mưu sinh vất vả như trồng và bán rau sáng sớm…, ngày 20/10 đối với những người bà, người mẹ, người chị ở đây chỉ đơn giản là phải dậy sớm hơn với niềm mong mỏi một ngày mới buôn may, bán đắt.
Với họ, khi gánh rau càng nặng, rau càng bán được nhiều là niềm vui khó để mà kể xiết và ngược lại. Bởi tất cả mọi việc trong gia đình đều trông chờ vào nghề trồng rau. Họ chấp nhận nhọc nhằn, vì xe rau càng nặng thì gánh nặng đời sống như cơm áo, gạo tiền có thể nhẹ đi.
Nội dung: Nông Thảo Ly
Thiết kế: Mộc Miên
DOISONGPHAPLUAT.COM |