Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc được gọi là Chunjie (Xuân Tiết), là ngày lễ truyền thống lớn nhất của đất nước xứ tỷ dân, diễn ra từ ngày mồng 1 cho đến 15 tháng Giêng Âm lịch.
Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc được gọi là Chunjie, là ngày lễ truyền thống lớn nhất của nước này. Ảnh: GMW
Dịp Tết, người dân sẽ dọn dẹp nhà cửa tượng trưng cho việc quét sạch những điều xui xẻo của năm trước và chuẩn bị cho ngôi nhà đón những điều may mắn.
Người Trung Quốc luôn quan niệm màu đỏ tượng trưng cho sự thịnh vượng nên thường trang trí nhà cửa bằng những thứ màu đỏ như đèn lồng đỏ, câu đối xuân đỏ, tranh Tết... để xua đuổi tà ma và cầu phước lành, trường thọ, sức khỏe, bình an.
Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc luôn ngập tràn sắc đỏ. Ảnh minh họa
Đêm giao thừa là thời điểm quan trọng nhất trong năm với người Trung Quốc. Dù ở bất cứ đâu, mọi người đều mong được trở về nhà để quây quần bên gia đình. Bữa tối giao thừa của người Trung Quốc được gọi là "Tuanyuan Fan" (bữa cơm đoàn viên).
Trong bữa ăn đoàn tụ này người Trung Quốc thường ăn cá, tôm, súp, bánh bao, sủi cảo, bánh tổ (nian gao)... Sau đó, mọi người cùng nhau tới khu vực quảng trường để đón giao thừa.
Một mâm cơm đoàn viên của người Trung Quốc. Ảnh: Sohu
Vào đêm giao thừa tất cả các thành viên trong gia đình cùng xem Gala chào năm mới của đài CCTV, cùng nhau đếm ngược thời gian và tổ chức bắn pháo hoa để chào đón năm mới.
Trong ngày đầu năm mới của Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc, người dân đất nước tỷ dân cũng có những phong tục độc đáo như: Lì xì, đi lễ chùa đầu năm, chúc Tết nhau.
Múa lân là hoạt động không thể thiếu trong ngày Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã
Mùng 2 tết các con rể sẽ về nhà mừng tuổi nhạc phụ và nhạc mẫu kèm với lời chúc cung hỉ phát tài, các chủ nhà thường đãi khách bằng tiệc trà.
Đáng chú ý, ngày mùng 3 Tết ở Trung Quốc bị xem là ngày dễ xảy ra xung đột nên họ khuyến cáo vào ngày này không nên đi thăm viếng và chúc tết.
Tất nhiên trong dịp tết này sẽ không thiếu những màn vui chơi, tham gia nhiều hoạt động cổ truyền. Múa lân - sư - rồng là hoạt động vô cùng phổ biến ở Trung Quốc và các khu phố Tàu ở nhiều nước phương Tây trong dịp Tết âm lịch, vì 3 con thú này tượng trưng cho thịnh vượng, phát đạt, hạnh phúc, may mắn,...
Hoa Vũ (T/h)