Trung Quốc
Thanh niên đưa tin, Tết âm lịch là ngày lễ cổ truyền quan trọng nhất trong năm đối với người Trung Quốc, với rất nhiều phong tục độc đáo.
Người Trung Quốc tin rằng đêm giao thừa là thời khắc vô cùng quan trọng bởi vì nó mang ý nghĩa thể hiện được sự sum vầy, đầm ấm và hạnh phúc, vì vậy mà bữa ăn sum họp đêm giao thừa đóng vai trò đặc biệt quan trọng, dù là ai ở bất kỳ đâu họ cũng mong muốn được về cùng gia đình để ăn bữa tối đêm giao thừa.
Tết Nguyên đán còn được gọi là ChūnJié và đây là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của nước này - Nguồn: Thanh niên.
Khi tụ tập đông đủ người thân yêu trong gia đình mọi người sẽ tâm sự về những gì đã diễn ra trong một năm qua. Trong bữa tối đặc biệt này thường sẽ có món cá được chế biến nguyên con với ý nghĩa thể hiện cho sự thịnh vượng.
Hàn Quốc
Tết Nguyên đán ở Hàn Quốc được gọi là Seollal là một ngày lễ quan trọng, diễn ra trong 3 ngày (từ đêm 30 cho đến ngày mồng 2).
Trong ngày 30 tết người Hàn Quốc thường bắt đầu công việc dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị cho đêm giao thừa.
Các gia đình theo truyền thống sẽ cùng nhau ăn mừng Tết Nguyên đán trong một bữa tiệc lớn. Ngày này được gọi là Seollal và tteokguk (súp bánh gạo) được phục vụ như một món ăn đặc biệt vì bánh gạo trông giống đồng xu - Nguồn: Zingnews.
Buổi tối trước đêm giao thừa người ta sẽ tắm bằng nước nóng để tẩy trần và mặc trang phục truyền thống hanbok hoặc những bộ quần áo đẹp nhất để cử hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên.
Một điểm độc đáo khác biệt nữa là trong đêm giao thừa người Hàn Quốc thường đốt các thanh tre trong nhà để xua đuổi tà ma. Ngoài ra, theo tục lệ cổ xưa thì người ta cũng sẽ treo một cái xẻng bằng rơm (Bok-jo-ri) với ý nghĩa hốt thóc gạo rơi ngoài cửa để nhận được phúc lộc quanh năm.
Singapore
Người dân nước này cũng ăn mừng Tết Nguyên đán như một trong những ngày lễ tốt lành nhất trong năm - Nguồn: Zingnews.
Zingnews đưa tin, là một quốc gia đa sắc tộc mà phần lớn là người gốc Hoa, Singapore có nhiều nét tương đồng trong cách đón tết, nhưng vẫn không làm mất đi sự khác biệt của đảo quốc sư tử.
Nhiều hoạt động lễ hội lớn được tổ chức nhân dịp này như lễ hội hoa đăng, lễ hội River Hongbao. Nhưng sôi động và tập trung đông người tham gia nhất chính là Lễ hội Đường phố Chingay, thường bắt đầu diễn ra từ ngày thứ Bảy đầu tiên của năm mới ở khu vực Vịnh Marina, và kết thúc vào ngày Rằm tháng Giêng. Hoạt động này thu hút rất đông du khách và người dân địa phương cùng tham gia diễu hành trên đường phố.
Indonesia
Tết Nguyên đán ở Indonesia - Nguồn: Zingnews.
Tết Nguyên đán, còn được gọi là Imlek, thực ra đã bị cấm tổ chức ở quốc gia này trong nhiều năm. Mãi đến năm 2002, người Indonesia và người Trung Quốc nhập cư mới được phép ăn mừng ngày lễ này như một ngày lễ quốc gia.
Nhiều cửa hàng đóng cửa trong dịp lễ và những đồ trang trí màu đỏ được treo khắp các ngôi nhà và cơ sở kinh doanh. Người ta cũng mua hoa, cây có múi về làm quà cho bạn bè và người thân.
Philippines
Không phải tất cả người dân Philippines đều tổ chức ngày Tết Nguyên đán.
Vào Tết Nguyên đán, người lao động nước này được nghỉ và không phải làm việc. Tuy nhiên không phải tất cả người dân Philippines đều tổ chức lễ này.
Đây chủ yếu được coi là một ngày lễ của Trung Quốc được tổ chức bởi người Philippines gốc Hoa và địa điểm tổ chức lớn nhất là quận Binondo ở Manila. Là một trong những khu phố Tàu lâu đời nhất trên thế giới, Binondo có nhiều loại hình biểu diễn Tết Nguyên đán xa hoa khác nhau hàng năm.
Nhật Bản
Nhật Bản là một trong những quốc gia ở khu vực châu Á không có phong tục đón Tết Nguyên đán - Nguồn: Zingnews.
Đây là một trong những quốc gia ở khu vực châu Á không có phong tục đón Tết Nguyên đán. Trong thời Minh Trị, chính phủ đã ban hành tuyên bố chuyển lịch sang lịch mới và phong tục đón Tết Nguyên đán dần không còn được phổ biến ở nước này.
Ở thời điểm hiện đại, Tết Dương lịch được tổ chức nhưng Tết Nguyên đán không phải là một phần trong cuộc sống của hầu hết người dân Nhật Bản. Hầu hết người dân Nhật Bản không biết về Tết Nguyên đán và chỉ nghe về nó chủ yếu trên các bản tin truyền hình.
Phương Linh (T/h)