Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Những hệ lụy từ việc "tin thầy", mê tín: Đừng tốn tiền mua nỗi lo

(DS&PL) -

“Chỉ còn 5 tháng nữa là tiến tới lễ ăn hỏi và cưới chính thức. Trước đấy khoảng 2 tháng, mẹ anh T đã dẫn tôi và anh đi xem bói, kết quả thầy phán không hợp, khắc tuổi nhau. Lúc về đến nhà, mẹ anh đã quyết định hủy hôn ngay lập tức...”.

Dịch vụ tâm linh online nở rộ

Nếu trước đây muốn xem bói phải đến tận nơi gặp “thầy”, thì hiện tại chỉ cần có điện thoại thông minh hoặc máy tính là có thể nhận được lời phán của “thầy” qua các ứng dụng online.

Chỉ cần dạo một vòng trên mạng xã hội như Tiktok, Facebook, Zalo… các tín chủ có thể bắt gặp hàng loạt group, fanpage cũng như các "thầy phán" online dành cho những người mê bói toán.

Để hấp dẫn sự chú ý, ở phần giới thiệu thường sử dụng những lời lẽ “có cánh” như “xem bói tạo phúc cho bách gia”, “xem tử vi miễn phí lấy lộc”,... khiến nhiều người tò mò khi được miễn phí xem bói. Tiếp sau đó là những lời nói lấp lửng, nước đôi, khen chê, tốt xấu đều có kết hợp với những câu chuyện đậm màu sắc tâm linh, thần bí, để tạo sự tò mò, hiếu kỳ.

Tôi và các bạn hay vào xem các thầy livestream trên Facebook và TikTok, chỉ cần viết vào phần bình luận họ tên, ngày, tháng, năm sinh, giờ sinh hoặc số điện thoại, chứng minh thư nhân dân... nếu hữa duyên thì chủ tài khoản sẽ xem cho tôi. Tôi thấy cũng không mất tiền, nên không đáng lo ngại”, chị N.T.C 20 tuổi, Thường Tín, Hà Nội chia sẻ.

Bằng vài động tác như lật sách, gieo tiền xu, tráo bài tây là "thầy bói" có thể biết từ vận hạn, tình duyên, công danh, tài lộc, đến cả chuyện gia đạo, mồ mả, tâm linh...

Một số người quan niệm xem bói online cho vui và chẳng mất gì. Tuy nhiên, trên thực tế, hàng nghìn thông tin cá nhân được công khai và chia sẻ lên các nhóm rất có thể bị đối tượng xấu lợi dụng. Để được xem miễn phí, mọi người phải chia sẻ trên trang cá nhân ở chế độ công khai, trong khi sự lan truyền của những video có nội dung liên quan luôn ở cấp số nhân.

Tại sao thầy bói thường phán đúng?

Chắc hẳn ai trong đời đều đã từng nghe qua câu ca dao này:

“Số cô chẳng giàu thì nghèo,

Ngày ba mươi tết thịt treo trong nhà.

Số cô có mẹ có cha,

Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông...”

Nội dung ca dao châm biến những ông thầy bói xảo biện, toàn dự đoán những điều hiển nhiên, tất yếu. Thầy bói thời nay cũng dựa trên những điều hiển nhiên đó, đoán kiểu chung chung khiến ai cũng thấy đúng.

“Bạn là người sống nội tâm nhưng đôi lúc vẫn tỏ ra vô tư, vui vẻ”, thoạt nghe thì ai cũng thấy đúng, nhưng bản chất con người ai cũng vậy, sẽ có lúc vui lúc buồn.

“Trong thời điểm này cần phải giữ bình tĩnh, quan sát đối phương để đưa ra được cách xử lý tốt nhất...”, đó là những điều nghe có vẻ nghiêm trọng nhưng thường đúng trong mọi trường hợp với bất cứ ai, bất cứ khi nào đều phải trải qua.

Thầy bói được sinh ra "trong truyền thuyết"

Trên thực tế, đã xảy ra không ít các trường hợp thầy bói lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Có nhiều thầy bói được sinh ra với các truyền thuyết, mà có lẽ ai cũng đã từng nghe không ít lần. Ví dụ một người nào đó không may bị tai nạn hoặc bị chết lâm sàng bỗng nhiên khỏe mạnh trở lại với một siêu năng lực có thể nhìn thấu quá khứ và tương lai của người khác. Khi có một thông tin truyền miệng như này xuất hiện, chưa kịp xác minh thông tin thì mọi người đã đổ xô tới để dâng tiền, dâng lễ, để xem bói.

Trên thực tế, đã xảy ra không ít các trường hợp thầy bói lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, ngoài ra thầy bói còn khiến các cặp đôi phải rời xa nhau, nhiều gia đình ly hôn. Chị N.T.D là một ví dụ điển hình, khi chỉ còn 5 tháng nữa là chị và anh N.T.T cưới, nên chị cùng anh T đã quyết định đi xem bói.

Chúng tôi quen nhau được 5 năm thì tính tới chuyện kết hôn. Chỉ còn 5 tháng nữa là tiến tới lễ ăn hỏi và cưới chính thức. Trước đấy khoảng 2 tháng, mẹ anh T đã dẫn tôi và anh đi xem bói, kết quả thầy phán không hợp, khắc tuổi nhau. Lúc về đến nhà, mẹ anh đã quyết định hủy hôn ngay lập tức, nhớ tới giờ mà tôi vẫn còn ám ảnh”, Chị N.T.D, 28 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.

Có thể nhiều người còn nhớ vụ án tại Bắc Giang vào năm 2018. Trần Thị Thêm (trú tại xã Đan Hội, huyện Lục Nam) đã ra tay sát hại dã man bà Vũ Thị N. và dựng hiện trường giả.

Nguyên nhân dẫn đến hành vi trên bước đầu được xác định, Thêm bị khủng hoảng tinh thần vì họ hàng có nhiều người chết đột ngột, hầu hết chưa đến 60 tuổi. Cho rằng việc hương khói, thờ cúng có vấn đề nên đối tượng đi xem bói và được phán, sau khi bốc mộ anh trai chồng sẽ có người khác trong gia đình chết. Thêm rất tin lời thầy bói và nghĩ cách tìm người "thế mạng". Sau nhiều ngày cân nhắc, suy tính, Thêm đã nhắm tới chị N. và lên kế hoạch sát hại.

Khoảng 3h ngày 18/12/2018, Thêm mang theo dao, đi xe máy đến rủ chị N. ra chợ mua cá. Đến đoạn đường vắng ở thôn Hố Trúc (xã Cẩm Lý), người đàn bà mê tín dùng dao sát hại nạn nhân. Gây án xong, Thêm tháo trang sức của bị hại rồi ném xuống hồ để tạo hiện trường giả vụ cướp.

Tại cơ quan điều tra, ban đầu, Thêm nói rằng họ đã gặp hai tên cướp chặn xe trên đường làng. Sau đó, nghi phạm chạy thoát, người còn lại bị cướp sát hại.

Khi bị các cán bộ truy vấn sâu hơn về những mâu thuẫn trong lời khai với kết quả khám nghiệm hiện trường, dấu vết tử thi, Thêm bắt đầu thể hiện sự lo lắng, thái độ bất thường.

Tiếp tục đấu tranh, Thêm đã cúi đầu khai nhận việc giết bà N. và dựng lên màn kịch hòng thoát tội.

Ngày 26/9/2019, TAND tỉnh Bắc Giang mở phiên tòa xét xử vụ án "Giết người", đưa bị cáo Trần Thị Thêm ra xét xử. Sau khi xem xét hồ sơ, lời khai của bị cáo tại phiên tòa, HĐXX tuyên phạt Trần Thị Thêm tù chung thân về tội "Giết người".

Kết

Trong cuộc sống, ai cũng cần có niềm tin, mong muốn điều tốt đẹp cho bản thân, cho gia đình. Tuy nhiên, niềm tin và mong muốn đó phải được xây dựng trên cơ sở nhận thức đúng đắn, được xử lý bằng tư duy khoa học và từ sự nỗ lực, cố gắng của chính bản thân mỗi người... chứ đừng nên có tâm lý ỷ lại, buông xuôi thậm chí là mong chờ vào sự huyễn hoặc, mơ hồ từ việc đi xem bói.

Thảo Ly

Tin nổi bật