Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Những điều cần biết để phòng tránh bệnh viêm não mô cầu đang có nguy cơ bùng phát

(DS&PL) -

Từ đầu năm tới nay trên địa bàn cả nước liên tục các trường hợp nhập viện vì mắc viêm não mô cầu khiến nhiều người lo lắng.

Từ đầu năm tới nay trên địa bàn cả nước liên tục các trường hợp nhập viện vì mắc viêm não mô cầu khiến nhiều người lo lắng. Bệnh viêm não mô cầu xuất hiện đột ngột với triệu chứng sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn, cứng gáy, mệt mỏi, có thể đau họng, chấm hay mảng xuất huyết, ban xuất huyết hình sao hoặc có mụn nước.

Nguyên nhân của bệnh viêm não mô cầu

Khuẩn màng não cầu khó lây. Chúng chỉ truyền từ người này sang người khác qua tiếp xúc gần kéo dài và thường xuyên trong gia đình hoặc tiếp xúc thân mật bởi dịch tiết nhiễm khuẩn từ mũi và họng. Một số nghiên cứu cho thấy tiếp xúc qua nước bọt mức độ thấp khó có khả năng truyền vi khuẩn màng não cầu. Trong thực tế, nước bọt đã được chứng minh là làm chậm sự phát triển của vi khuẩn.

Khuẩn màng não cầu chỉ thấy ở người và không thể sống quá vài giây bên ngoài cơ thể. Bạn không thể bị lây bệnh màng não cầu từ môi trường và động vật. Không thể nhiễm vi khuẩn này từ nguồn nước, bể bơi, các tòa nhà hoặc nhà máy.

Bệnh màng não cầu có thể xảy ra quanh năm, nhưng nó phổ biến hơn vào mùa đông và đầu mùa xuân.

Mặc dù ít gặp, nhưng đây là một bệnh nặng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Những nhóm có nguy cơ cao nhất là trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trẻ tuổi từ 15 đến 24 tuổi.

Nhóm tuổi dễ mắc bệnh não mô cầu

Nhiễm não mô cầu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Hai nhóm tuổi thường dễ bị nhiễm là trẻ em từ 6 tháng đến 3 tuổi và nhóm thanh thiếu niên 14 - 20 tuổi.

Yếu tố thuận lợi làm bệnh dễ lây lan

Vi khuẩn thường dễ lây lan và gây bệnh cho con người khi gặp những yếu tố thuận lợi sau:

- Thời tiết khí hậu lạnh và khô làm vi khuẩn tăng sinh nhanh, gây bệnh cho con người. Ở các nước ôn đới, bệnh thường xảy ra vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân. Các nước thuộc khu vực nhiệt đới như Việt Nam, Thái lan, Campuchia…, bệnh thường gia tăng đột biến khi có sự thay đổi đột ngột của thời tiết như thời điểm cuối mùa khô, đầu mùa mưa.

- Mật độ dân cư đông đúc chật chội như nhà trẻ, trường học, ký túc xá sinh viên, trại lính tân binh… càng dễ lan truyền dịch bệnh não mô cầu. Ở thành thị thường dễ bị bệnh hơn vùng nông thôn.

- Điều kiện sinh sống ẩm thấp, chật chội và kém vệ sinh cũng làm bệnh dễ lây lan.

- Một số vụ dịch do nhiễm não mô cầu trên toàn thế giới đã ghi nhận một số trường hợp nhiễm não mô cầu có tiền căn tắm ở các hồ bơi cộng cộng.

Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm não mô cầu

Bệnh viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, nguy hiểm, ít gặp nhưng thường có diễn tiến nhanh. Người mắc có nguy cơ tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh xảy ra quanh năm và thường mắc vào mùa xuân do yếu tố thời tiết mưa ẩm, lạnh, dễ làm giảm sức đề kháng.

Bệnh viêm não mô cầu lây lan theo đường hô hấp, vì vậy dễ thành dịch. Biểu hiện sớm ban đầu của bệnh là sốt. Người bệnh sốt cao đột ngột 39 - 40 độ; sau đó ho, đau họng, mệt mỏi.

Người bệnh thường quay mặt vào tường, sợ ánh sáng, ít linh hoạt. Đến giai đoạn biểu hiện rõ bắt đầu có biểu hiện của viêm màng não, người bệnh thấy đau đầu tăng lên rất nhanh, đau dữ dội và buồn nôn; ban đầu số lần nôn khá thưa nhưng sau đó tăng lên nhanh, thậm chí không ăn gì cũng nôn. Người trưởng thành thường táo bón, trẻ em thường đi lỏng. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ li bì, thậm chí hôn mê…

Trẻ mắc bệnh này thường bị viêm màng não với triệu chứng giống như các bệnh viêm màng não khác. Bệnh nhi bị sốt, nhức đầu, nôn ói và có biểu hiện thần kinh đi kèm cảm giác bứt rứt, kích thích. Khi khám sẽ thấy đầu của bé bị hóp một phần, không cúi xuống được, y khoa gọi là cổ gượng, dân gian gọi là cứng gáy.

Bệnh có hai hội chứng chính là nhiễm trùng và viêm màng não. Biểu hiện của nhiễm trùng là sốt, rối loạn đường tiêu hóa, ói, tiêu chảy, đau bụng, gan lách to... Biểu hiện của hội chứng viêm màng não tùy theo độ tuổi, trẻ nhỏ thường bị thóp phồng, trẻ lớn có triệu chứng rõ hơn như cứng gáy...

Biến chứng của bệnh viêm não mô cầu

Người mắc bệnh màng não cầu có thể bị những tình trạng sau:

• Viêm màng não (Dấu hiệu bao gồm sốt, cứng gáy, lơ mơ, kích thích vật vã và bỏ ăn)

• Nhiễm trùng huyết

• Viêm phổi

• Viêm khớp

• Tổn thương não vĩnh viễn

• Tử vong.

Các biến chứng như viêm màng não và nhiễm trùng huyết là những cấp cứu y tế. Nếu thấy ai đó có những triệu chứng nghi ngờ viêm màng não hoặc nhiễm trùng huyết như mô tả ở trên, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Khoảng 1/4 số người sau khi khỏi bệnh màng não cầu bị những di chứng của bệnh. Hầu hết các vấn đề sẽ thuyên giảm theo thời gian. Một số những di chứng hay gặp là: đau đầu, điếc một hoặc hai bên tai, ù tai, nhìn mờ hoặc nhìn đôi (song thị), đau và cứng khớp, suy giảm trí tuệ.

Cách phòng bệnh viêm não mô cầu

Cách phòng bệnh viêm não mô cầu đơn giản và hữu hiệu nhất là tiêm ngừa văcxin. Có 2 loại văcxin là type A và type C kết hợp với nhau trong một loại văcxin. Có 3 type não mô cầu gây bệnh là A, B, C. Ở Việt Nam, loại thường gặp là B và C chiếm đa số, A hiếm gặp hơn. Ở Việt Nam có 2 loại văcxin ngừa não mô cầu là AC và BC. Loại BC được tiêm cho trẻ từ 3 tháng trở lên. AC dành cho trẻ từ 2 tuổi trở lên.

Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo bệnh viêm não, màng não do virus não mô cầu lưu hành ở mọi nơi trên thế giới. Bệnh thường tản phát và có thể gây thành dịch. Một số tỉnh thành gần đây phát hiện nhiều ca bệnh do virus não mô cầu nhóm A, trước kia bệnh có thể gây thành dịch song hiện nay chỉ xuất hiện rải rác trong năm.

Ổ chứa vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên được xác định là ở người, do vậy nguồn lây bệnh chủ yếu từ bệnh nhân và người lành mang vi khuẩn. Bệnh xuất hiện đột ngột với triệu chứng sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn, cứng gáy, mệt mỏi, có thể có đau họng, chấm hay mảng xuất huyết, ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước.

Để phòng bệnh viêm não, màng não do não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân:

- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.

- Đảm bảo vệ sinh, nơi làm việc thông thoáng.

- Chủ động tiêm phòng văcxin cho trẻ ở các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.

- Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Thời điểm tiêm vaccine phòng ngừa bệnh viêm não mô cầu

- Vaccine viêm não mô cầu AC – phòng ngừa bệnh não mô cầu do tuýp A và tuýp C: tiêm mũi đầu tiên cho trẻ từ 2 tuổi trở lên (hoặc cho trẻ trên 6 tháng tuổi đã có tiếp xúc với người bệnh). Sau đó cần tiêm nhắc sau mỗi 3 – 5 năm.

- Vaccine viêm não mô cầu BC – phòng ngừa bệnh não mô cầu do tuýp B và tuýp C: tiêm cho trẻ từ 6 tháng trở lên. Bé cần tiêm 2 mũi, mũi 2 cách mũi tiêm đầu 6 – 8 tuần.

Hiện nay vaccine ngừa viêm não mô cầu là vaccine dịch vụ, chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Do vậy, tỷ lệ tiêm ngừa vaccine này chưa cao.

Các trường hợp mắc viêm não mô cầu từ đầu năm 2018 tới nay:

1. Một nữ sinh 15 tuổi (ở Ba Vì) được đưa vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 cấp cứu ngày 13/4 với biểu hiện sốt, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, đi ngoài không tự chủ. Bệnh nhân phải đặt nội khí quản thở máy. Sau 5 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân đã khá hơn.

2. Một bé gái 14 tháng tuổi, tại Kim Chung, Đông Anh nghi ngờ bị viêm màng não mô cầu.

Ngày 13/4, em có biểu hiện sốt cao, liên tục, sốt nóng, có các cơn co giật, tím tái, lơ mơ, được gia đình đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở 2. Hiện trẻ tỉnh táo, sốt nhẹ, được nằm phòng cách ly.

3. Ngày 26/4, Khoa Bệnh Nhiệt Đới - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận bệnh nhi L.B.Th. (6 tháng tuổi, trú tại Quế Phong, Nghệ An) với các triệu chứng rõ ràng của bệnh viêm não mô cầu: sốt cao liên tục, bỏ bú, nôn ói và xuất hiện các nốt ban đỏ khắp người.

Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt Đới cho biết: "Đây là ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại Khoa Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trong năm nay. Bệnh do vi khuẩn não mô cầu gây ra và lây lan qua đường hô hấp. Bệnh diễn biến cấp tính, nguy cơ tử vong cao".

4. Một thanh niên 30 tuổi (TP Hưng Yên) chẩn đoán viêm màng mủ do vi khuẩn não mô cầu, các nhân viên y tế và những người tiếp xúc gần với bệnh nhân đã được uống kháng sinh dự phòng.

Theo lời người nhà bệnh nhân, cách vào viện 4 ngày bệnh nhân xuất hiện, đau họng, ho khan, 2 ngày sau xuất hiện sốt cao 390C, đau đầu và buồn nôn, đến đêm 17/4 xuất hiện sốt cao và nôn nhiều. Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên. Đến trưa ngày 18/4 bệnh nhân xuất hiện rối loạn ý thức và đã được chuyển đến Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai.

TS. BS Nguyễn Văn Dũng - Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn nhiều, xuất hiện chấm xuất huyết ở chân và thân mình. Đặc biệt bệnh nhân đã có dấu hiệu của rối loạn ý thức, kích thích vật vã”.

5. Chiều 7/5, theo tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, tại đây vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ Hảng Thị D. (24 tuổi, dân tộc Mông, trú tại tỉnh Yên Bái) nhập viện trong tình trạng sốt cao, hôn mê sâu, xuất hiện nhiều vết xuất huyết dưới da do viêm não mô cầu.

Người nhà bệnh nhân cho biết, ngày 2-5, chị D. có biểu hiện sốt, tiêu chảy, hôn mê... Ngày 3-5, gia đình đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái). Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân D. bị viêm não mô cầu và cho chuyển xuống Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương) cho biết, kết quả xét nghiệm khẳng định, bệnh nhân bị viêm màng não mủ do viêm não mô cầu, dẫn đến tình trạng phù não vô cùng trầm trọng. Hiện nay, bệnh nhân hôn mê rất sâu, mất phản xạ, nguy cơ tử vong rất cao.

Mỹ An (T/h)

Tin nổi bật