Nhiều cụ bà 70 tuổi ở Hàn Quốc đang ngày ngày đến trường, tham gia lớp học vỡ lòng để thoả ước mơ biết đọc, biết viết ở tuổi xế chiều.
Những học sinh lớp một đã 70 tuổi ở Hàn Quốc. Ảnh: NYTimes |
Tác giả Choe Sang-hun của The New York Times đã có những chia sẻ cảm động và sâu sắc và thế hệ người cao tuổi ở Hàn Quốc với nỗ lực hoàn thiện bản thân qua năm tháng.
Mở đầu bài viết, phóng viên Choe nhớ lại câu chuyện của những người già ở ngôi làng mà tác giả đã sinh ra và lớn lên. Ở một thị trấn nhỏ tại thành phố Ulsan, phía Đông Nam Hàn Quốc từng có một cụ ông không biết đọc viết. Một ngày nọ, tác giả nhìn thấy cụ đang đứng đợi xe buýt với một túi hành lý lớn, nên đã lại gần và hỏi cụ sẽ lên xe buýt nào và dùng cách gì để xác định đúng tuyến xe cần đi.
Đáp lại, cụ ông nói rằng bất cứ khi nào một chiếc xe buýt đến gần, cụ sẽ nhìn vào khuôn mặt của người lái xe. Cụ không thể đọc các biển báo trên xe buýt, nhưng có thể nhận ra tài xế lái xe buýt về làng.
Gần đây, tác giả và một nhiếp ảnh gia của Times là Chang W. Lee đã đến Gangjin, một thị trấn nông thôn của Hàn Quốc để nghe câu chuyện của bà Hwang Wol-geum – người lần đầu tiên đến trường ở tuổi 70 để học cách đọc và biết viết.
Bà Hwang không thể đọc được biển báo trên xe buýt và tàu điện ngầm. Như nhiều người cao tuổi sinh sống ở nông thôn Hàn Quốc, bà cũng cũng thích hát vào buổi tối nhưng vì không biết chữ, bà gặp nhiều khó khăn khi chọn bài hát yêu thích trên máy karaoke. “Tôi thật sự thấy thất vọng!”, bà nói. “Tôi sẽ có nhiều niềm vui hơn trong cuộc sống của mình, chỉ khi tôi có thể đọc được chữ viết”.
Nhiếp ảnh gia Chang từng học tại Trường tiểu học Daegu, nơi bà Hwang và những người bà mù chữ khác đang đăng ký học lớp 1, thông qua kênh truyền hình cáp JTBC của Hàn Quốc. Hóa ra, còn có những ngôi trường chấp nhận những người cao tuổi không biết chữ đến học vì họ không thể lấp đầy lớp với những đứa trẻ ở độ tuổi đi học.
Trường tiểu học Daegu khá hoang vắng, giống như một số trường học nông thôn ở Hàn Quốc bị buộc phải đóng cửa vì thiếu học sinh. Ngôi trường nằm trên một khu rừng thông yên tĩnh nhìn ra cửa vịnh Gangjin ở phía Tây Nam Hàn Quốc. Nhiều thập kỷ trước, những chiếc thuyền gỗ rời Gangjin đi dọc theo bờ biển của Hàn Quốc, mang theo đồ gốm nổi tiếng đến mọi miền. Cư dân ở các đảo gần đó chèo thuyền đến Gangjin để bán cá và mua đồ tiếp tế.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp sản xuất gốm 1.000 năm tuổi của Gangjin bị tàn phá kể từ khi vật liệu nhựa ra đời. Trong những thập kỷ gần đây, các cây cầu bê tông đã liên kết các hòn đảo với đất liền và người dân đảo không còn dừng lại ở Gangjin, họ đến thẳng đến các thành phố lớn sâu hơn trong đất liền.
Ngày nay, rất ít tàu thuyền đậu trên vùng nước màu xanh xám của Vịnh Gangjin. Những nhà hàng bên bờ biển cũng hoạt động cầm chừng, chờ mùa du lịch trở lại. Cả ngôi làng như chìm trong giấc ngủ, ngày càng xuống cấp và bị lãng quên. Rất hiếm trẻ sơ sinh hoặc trẻ em ở đó. Người cao tuổi trong làng đùa rằng trẻ sơ sinh là “một loài có nguy cơ tuyệt chủng”. Họ cũng tự hỏi liệu những ngôi làng đã tồn tại hàng thế kỷ trên khắp Hàn Quốc có vì thế mà biến mất hay không.
Trên thực tế, khi những người bà ở Gangjin còn nhỏ thì hầu như ở mọi vùng nông thôn của Hàn Quốc đều có nhiều trẻ em. Chính điều đó đã tạo nên Hàn Quốc như ngày hôm nay.
Các gia đình nghèo khổ thời bấy giờ đã làm bất cứ điều gì cần thiết để gửi con cái của họ, đặc biệt là con trai đến trường học. Họ coi giáo dục là tấm vé tốt nhất cho con cái họ thoát khỏi cuộc sống lao động nghèo khó trong những năm thắt lưng buộc bụng sau khi Chiến tranh Triều Tiên (1953).
Truyền thống này đã khiến các cô con gái phải chịu thiệt thòi. Hầu hết nhiều người trong số họ bị buộc phải ở nhà, chăm sóc anh chị em khác trong khi cha mẹ đi ra ngoài làm việc. Thậm chí, con gái còn có thể bị bán đi để trở thành “sikmo”, nghĩa là những người giúp việc bếp núc, làm việc nặng như nô lệ trong nhà của các gia đình giàu có tại thành phố.
“Một người nào đó sẽ phải hy sinh, và trong gia đình tôi, tình cờ là tôi”, bà Kim Mae-ye (65 tuổi) - học sinh lớp một tại Trường tiểu học Daegu kể lại. “Đó là thời kỳ mà nhiều gia đình thậm chí không thể trả nổi học phí. Tôi nhớ rằng em trai tôi đã khóc và không chịu đến trường vào buổi sáng vì đến hạn đóng học phí hàng tháng”.
“Cũng có những lớp học tạm được tổ chức vào buổi tối ở làng chúng tôi để dạy những cô gái mù chữ như tôi biết đọc, nhưng gia đình thường cấm con gái họ ra ngoài vào ban đêm”, bà Kim cho biết thêm.
Những người bà học cùng lớp với các cháu của mình. Ảnh: NYTimes |
Thế nhưng, dường như lòng nhiệt thành trong giáo dục của người Hàn Quốc chưa bao giờ thuyên giảm. Bắt đầu từ những năm 1970, trẻ em nông thôn di cư đến các thành phố lớn để theo học trường đại học. Sau khi học đại học, họ đã trở thành lực lượng lao động được giáo dục tốt và có kỷ luật để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, nhiều người phụ nữ ở thế hệ trước rõ ràng là đã không được học hành chính thức. Một số người được học hết tiểu học, nhưng cũng có nhiều người khác như bà Hwang và bà Kim, họ hoàn toàn không được đi học. Vào những năm 1980, một số sinh viên đại học thực hiện nghĩa vụ quân sự đều nhận được thư của mẹ, lần đầu tiên trong đời, và những bức thư viết tay ấy chứa đầy lỗi chính tả, nhưng cũng được chăm chút rất cẩn thận.
Tại trường tiểu học Daegu, một số học sinh lớn tuổi học lớp một đã từ chối phỏng vấn, họ cảm thấy quá ngại ngùng khi có khuôn mặt hoặc tên của họ được in trên báo. Một trong số họ còn lo lắng rằng việc là người mù chữ của mình, nếu bị tiết lộ trong bài báo có thể sẽ khiến con trai bà – một công tố viên, cảm thấy bối rối.
Bà Hwang lại cảm thấy rất tự hào vì được đi học. Bà khoe rằng trong sinh nhật gần đây, các con của bà đã tặng hai vợ chồng một lễ cưới mơ ước, vì bà chưa từng được mặc áo cô dâu khi kết hôn hơn 50 năm về trước. Và giờ đây, bà cũng đang thực hiện một giấc mơ lâu năm khác, đi học tại ngôi trường mà chồng bà từng theo học. “Nếu có thể viết chữ, tôi sẽ lấp đầy một tập vở với những câu chuyện từ cuộc đời tôi”, bà nói.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo NYTimes)