Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Những chuyến xe "ma" chở nội tạng thối, gà "miệng nhai chân đạp"

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Trong khi lợn chất lượng cao của Việt Nam xuất qua biên giới thì từ bờ bên kia của sông Ka Long, hàng vạn con gà “thải loại” lại được nhập về “chạy” sâu vào nội địa.

(ĐSPL) - Tại TP. Móng Cái, Quảng Ninh hiện nay, việc xuất hàng hầu như chỉ nhộn nhịp tại cửa khẩu Ka Long, còn các khu vực khác khá im ắng. Các loại mặt hàng theo dân buôn ở đây tiết lộ thì chủ yếu là hàng hải sản đông lạnh.

Các con đò chất đầy hàng vẫn nườm nượp xuất sang nước bạn xuất hàng nhưng hầu như chẳng chiếc đò nào chỉ về bến mà không tạt ngang đâu đó để “làm thêm” những chuyến về. Trong những chuyến hàng tranh thủ đó là đủ các loại mặt hàng mà chỉ nghe thôi đã thấy rợn người.

Một chuyến chở gia cầm nhập lậu các cơ quan chức năng thu giữ được.

Đồ tươi xuất ngoại, đồ thiu nhập nội

Đêm xuống, trời vùng Đông Bắc se lạnh dù trời mới tiết tháng Bảy, sau cơn mưa chiều nặng hạt, gió miền biên viễn thổi ù ù trên con đường đưa chúng tôi vào thôn Lục Phủ. Con đường gần 40km từ QL 18, đầu TP. Móng Cái dẫn vào địa danh này ngoằn ngoèo, hun hút, um tùm cây cối như một con rắn vắt vẻo trên đường biên. Quãng đường bê - tông nứt toác, đưa chúng tôi gần vào Lục Phủ, điều bất ngờ với chúng tôi trong ngày thứ ba tại Móng Cái chính là chưa cần vào đến Lục Phủ mới có lối xuất hàng, ngay từ đầu QL 18 đã có dọc những con đường mòn dẫn xuống dưới sông. Càng vào sâu, lối mở càng nhiều. Có những lối mở nằm lọt thỏm giữa rừng keo, có những lối chỉ men theo như đi vào nhà dân, con đường nhập hàng lậu giờ đây của dân buôn không cần quá cầu kỳ, việc làm ăn đã quen mối nên nhiều lúc khách hàng chỉ cần nhận được đúng hàng là được, số hàng này nhanh chóng tập hợp trong những địa điểm đã được định sẵn.

Từng đoàn đò từ Móng Cái lúc nhá nhem trời tối đã lần lượt đưa hàng đông lạnh, các loại thịt tươi hướng về phía bên kia biên giới, tuy nhiên, chúng ta xuất thịt tươi ngon nhưng phần lớn các lô hàng thực phẩm nhập lậu từ Trung Quốc về bị lực lượng chức năng chặn bắt đều đã bốc mùi hôi thối khó chịu. Trước kia, dọc biên giới có những địa danh nghe tên đã rùng mình như Bến Lợn, Bến Đông Lạnh... Những chiếc xe tải biển số từ đủ mọi vùng, cả miền Trung, miền Nam, thùng xe được lát gỗ ngăn 2-3 tầng để mỗi tầng khoảng hai chục con lợn nằm trên đó. Khi đến lối mở xuất hàng, chúng sẽ được bắc cầu cho xuống đò, hoặc một số khác thì trói chân, hai người một khiêng xuống. Mỗi xe có thể chở tới 50-70 con, mỗi con 60 - 80kg.

Hưng (quê Yên Thế, Bắc Giang), một tay lái lợn vùng biên có 2 năm trong nghề cho biết: “Dân Trung Quốc rất thích thịt lợn Việt Nam. Hàng sang bên đó lúc nào cũng tiêu thụ hết. Người Trung Quốc thích thịt lợn Việt Nam vì theo cánh lái buôn bên đó thiếu lợn, nếu có cũng đa phần là lợn nuôi siêu tốc, nhiều thuốc tăng trọng nên không đủ tiêu chuẩn phục vụ nhu cầu của giới trung lưu, vì thế nên lợn Việt Nam mới hút hàng”.

Không chỉ lợn, các loại thuỷ sản của Việt Nam luôn được các đối tác Trung Quốc ưa chuộng, hầu hết những loại thuỷ sản tươi sống đều được các thương lái trả rất cao. Bên cạnh những lợi nhuận từ việc xuất hàng theo đường tiểu ngạch, nhiều cánh lái xe còn “tranh thủ” các loại mặt hàng nội tạng lợn tại các lò mổ của người Trung Quốc đưa về Việt Nam để cho dân nhậu thưởng thức và kiếm thêm lời. Cũng theo tay lái xe này thì lòng lợn vô cùng rẻ, rẻ đến mức có thể xin được nhưng làm ăn với Trung Quốc thì không bao giờ xin được của họ một xu nào. Thời gian này, lợn thịt xuất sang Trung Quốc đã giảm nhiều, tuy nhiên trung bình một ngày vẫn có đến hàng chục xe chạy “vượt biên”.

Siêu lợi nhuận từ... các mặt hàng thải loại

Trong khi lợn chất lượng cao của Việt Nam xuất qua biên giới thì từ bờ bên kia của sông Ka Long, hàng vạn con gà “thải loại” lại được nhập về “chạy” sâu vào nội địa. Nhiều cửa hàng bán gà làm sẵn cũng nhập gà từ nguồn cửa khẩu, bán giá 80.000 - 90.000đồng/kg.

Tại sao lại gọi những con gà còn sống là gà thải loại? Phong (quê ở huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên), một gã đầu nậu buôn gà cho biết: “Tại Trung Quốc, họ nuôi rất nhiều gà siêu trứng. Sau khi gà hết khả năng đẻ trứng, các chủ trại bán đi nên mới gọi là gà thải loại. Họ bán với giá tiền Việt khoảng 10.00 đồng, cả phí vận chuyển vào khoảng 15.000 đồng/con) trọng lượng trên dưới 1kg. Trong khi gà làm sẵn trong nội địa đều trên 100.000đồng/con thế nên nhiều lái buôn gà mới kiếm siêu lợi nhuận”.

Theo giới buôn hàng vùng biên, những con gà siêu trứng của Trung Quốc được cho ăn các loại chất kích thích đặc biệt để một ngày có thể đẻ ít nhất 1 quả trứng, có con đẻ tới 2 quả/ngày. Sau khoảng 3-4 tháng, hết khả năng sinh sản, chúng sẽ bị loại, lượng gà này vào Việt Nam thường được ưa chuộng vì là gà “già”, ăn khá chắc thịt so với gà thịt nuôi công nghiệp tại Việt Nam, trong khi giá lại rẻ, các loại này sẽ nghiễm nhiên trở thành diễn viên đóng thế cho các loại gà quê, gà ta từ nhà hàng cho đến một số góc chợ. Nhìn bên ngoài khó mà phân biệt được đâu là gà ta, đâu là gà thải loại.

Các mặt hàng cá nuôi của Việt Nam cũng ùn ùn theo đường tiểu ngạch. Các loại cá nước ngọt đều được đóng gói và xuất hàng sang bên kia, bên này các loại cá nuôi tại Trung Quốc nhập ngược trở lại, giá rẻ nhưng chính người nuôi cũng chẳng dám ăn loại cá này.

Trong những ngày lang thang trên đất Móng Cái, chúng tôi thấy nhiều xe tải loại 1,25 tấn chở gà chạy khá nhiều trên đường với tốc độ rất cao. Điều lạ là các xe này thường không chạy quãng đường dài mà chỉ chạy các cự ly chừng 5-7km, thoắt ẩn, thoắt hiện, thỉnh thoảng lại tấp vào các ngõ nhỏ bên đường, dù được thổ dân dẫn theo nhưng chúng tôi vẫn không thể theo kịp những tay tài chạy hàng lậu. Hiện nay, các cơ quan liên ngành đã liên tục truy quét từ đầu năm 2014. Tuy nhiên, theo Phong, phần các cơ quan chức năng bắt được chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Nói về việc chạy hàng, Phong chỉ cười khẩy, việc gì cũng phải có luật của nó, từ “luật làm ăn” tới luật với các “thầy”(?!).

Bắt 23 tấn lòng lợn thối từ Trung Quốc về Việt Nam

Ngày 31/3/2014, đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an TP. Móng Cái đã phát hiện, bắt giữ 23 tấn lòng lợn cấp đông tại kho đông lạnh của công ty cổ phần Hoàng Thái tại khu công nghiệp Hải Yên. Chủ doanh nghiệp đã không xuất trình được giấy tờ hợp pháp của lô hàng. Sau khi hoàn tất thủ tục theo luật định, lực lượng chức năng hôm nay đã tiêu hủy hoàn toàn 23 tấn nội tạng động vật không rõ nguồn gốc trên và xử lý hành chính đối với doanh nghiệp vi phạm.

Bắt hơn hai vạn gà con chuẩn bị nhập khẩu vào Việt Nam

20h30 ngày 15/9/2014, tại khu vực vùng biển cảng Vạn Gia, đội Tuần tra kiểm soát đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vạn Gia (BĐBP Quảng Ninh) phối hợp với đội Kiểm tra giám sát và kiểm soát chi cục Hải quan Vạn Gia đã phát hiện, bắt giữ một xuồng máy không biển số do Nguyễn Văn Dần, 35 tuổi, trú tại thôn Trung, xã Phú Hải, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh điều khiển cùng Phạm Huy Kiên, 33 tuổi, trú tại thôn 7, xã Hải Đông, TP. Móng Cái đang vận chuyển 20.000 con gà giống có nguồn gốc từ Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam để tiêu thụ.

Hàng sạch đem bán, dân ta ăn hàng bẩn

“Nghĩ người Việt cũng khổ, bao nhiêu thứ hàng ngon, hàng sạch đem bán cho Trung Quốc rồi các loại hàng thải, “hàng bẩn” lại nhập về cho người mình ăn. Thật không thể hiểu nổi. Tối tối hàng đông lạnh, hải sản ngon nhập sang bên họ, gần sáng các loại gà thải loại, vịt cổ dài lại kéo nhau về, đưa vào nội địa. Dân mình không biết, cứ thấy rẻ mà ham, ăn những thứ ấy mình chết lúc nào không biết”... Đây chính là lời của một phu cửu vạn trong lúc nghỉ ngơi, than thở cho chúng tôi khi nói về các loại hàng thực phẩm lậu nhập về từ Trung Quốc.

Tin nổi bật