Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhóm sinh viên rẽ lối học nghề, theo đuổi đam mê

(DS&PL) -

Nhận ra sai lầm của việc chọn ngành nghề theo mong muốn của cha mẹ, phó mặc cho may rủi, không ít sinh viên đang học đại học đã quyết định “làm lại từ đầu”.

Nhận ra sai lầm của việc chọn ngành nghề theo mong muốn của cha mẹ, phó mặc cho may rủi, không ít sinh viên đang học đại học đã quyết định “làm lại từ đầu”, học nghề mà mình thực sự đam mê. Quyết định táo bạo ấy đã đem lại những thành quả nhất định cho họ.

“Đứt gánh giữa đường” Cách đây 2 năm, em Trần Thanh Ngọc (ngụ quận 10, TP.HCM) từng đậu vào đại học N.H., TP.HCM. Nhưng em quyết tâm bỏ giữa chừng vì không phù hợp và rẽ sang học nghề mà mình yêu thích. “Đạt mức điểm 23, em rất tự hào vì nằm trong số ít bạn có điểm cao nhất trường. Đó là thành quả học tập sau nhiều năm học chăm chỉ của em và cũng giúp việc nộp hồ sơ dễ dàng hơn so với những bạn điểm trung bình, khá. Thế nhưng, em không biết chọn ngành nào cho phù hợp, đành nộp hồ sơ vào ngành Quản trị kinh doanh”. Chia sẻ với PV, Ngọc cho biết: “Tuy nhiên, do trường học xa, có hai cơ sở để sinh viên học, một là ở quận ngoại thành, cách nhà hàng chục km. Cơ sở này đào tạo cho sinh viên hệ công lập bình thường, với mức học phí hơn 5 triệu đồng/năm. Còn nếu học cơ sở ở trung tâm TP.HCM, với chương trình đào tạo cho sinh viên theo hệ chất lượng cao thì một năm gần 30 triệu đồng. Vì gia đình ưu tiên cho em học gần nhà tại trung tâm thành phố, nên mỗi năm tốn hàng chục triệu đồng, trong khi em dần nhận ra sở thích của mình không phải là vùi đầu vào học hàng mớ kiến thức môn đại cương không liên quan công việc của mình. Những áp lực học tập tại trường khiến em rất mệt mỏi”, Ngọc nói thêm.

Do đó, sau gần 2 năm, nữ sinh quyết định bỏ ngang đại học, chọn học ngành quản trị nhà hàng khách sạn tại trường trung cấp V.G., tại quận 10, TP.HCM. Cũng theo chia sẻ của Ngọc, lúc đầu, gia đình em cực lực phản đối, vì em bỏ đại học để theo học nghề. Tuy nhiên, sau một thời gian, gia đình nhận ra được đam mê của em nên đã ủng hộ và đồng hành cùng con. Khác xa với tưởng tượng của mọi người, ở môi trường học mới, Ngọc tỏa sáng liên tục. Tháng 3/2017, em xuất sắc vượt qua hàng trăm thí sinh đến từ hơn 30 trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn TP.HCM giành giải Nhất Hội thi học sinh sinh viên giỏi nghề lần thứ 9 do Thành Đoàn phối hợp cùng sở GD&ĐT, sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức. Sau đó, Ngọc được nhiều nhà hàng, khách sạn nổi tiếng gọi mời làm việc.

“Hiện tại, vài tháng nữa mới chính thức ra trường, nhưng với công việc mà em học được từ trường trung cấp V.G., em có mức thu nhập ổn định, gần 10 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, em có thể nuôi bản thân và một đứa em đang học cấp 1 tại TP.HCM”, Ngọc chia sẻ thêm. Trong khi đó, anh Nguyễn Thanh Tài (27 tuổi), hiện đang theo học lớp Truyền thông đa phương tiện tại cao đẳng K. cho biết: “Sau khi thi đậu ngành Tài chính kế toán, tại một trường đại học ở TP.HCM, tôi ra trường và đi làm tại 2 ngân hàng.

Ảnh minh họa. 

Tuy nhiên, sau khi thử việc, tôi thấy không phù hợp với bản thân. Do đó, năm ngoái, tôi đã tự chuyển qua kinh doanh cùng với người bạn”. “Hiện tôi đang học thêm kiến thức về truyền thông để hỗ trợ cho việc kinh doanh của mình, để có kiến thức chuyên môn hơn về nghề. Đến với chương trình này, tôi được học từ các giáo viên nước ngoài, được hỗ trợ thêm học tiếng Anh. Hy vọng, học xong, tôi có nhiều kiến thức cụ thể, cần thiết cho công việc của mình hơn”, anh Tài cho biết thêm.

Khát khao tìm việc làm

Trao đổi với PV, thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng trường trung cấp V.G. cho biết: “Tại trường chúng tôi, mỗi năm tuyển sinh khoảng 1.000 sinh viên, với nhiều ngành nghề khác nhau. Các bạn được tạo điều kiện lựa chọn việc làm sau học, từ mức lương 6 - 15 triệu đồng, tùy ngành học.

Thực tế có nhiều bạn sinh viên đại học chính quy, đại học mở, thậm chí có bạn là thạc sĩ ngành sư phạm cũng tìm về trường tôi để học nghề”. "Tôi cho rằng các bạn sinh viên đại học bỗng dưng chọn học nghề là những người hiểu rõ vấn đề cần mức thu nhập ngay chọn trường học ngắn hạn sau đó, lao ra thị trường làm việc để có được thu nhập lo cho gia đình, cá nhân. Thứ hai các bạn muốn chọn học thực hành nhiều hơn lý thuyết để vận dụng thực tế nhanh hơn. Thứ ba là xu hướng nhận thức xã hội đã hiểu được vai trò của trường nghề.

Các bạn không chọn hướng nghiên cứu khoa học, học thuật, nhà khoa học thì các bạn có thể rẽ sang học nghề mình yêu thích, vì "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", Ths. Trần Phương chia sẻ thêm. Ths. Lê Hồng Việt, đại diện trường cao đẳng K. cũng cho biết: "Có rất nhiều sinh viên sau khi vào học được 1-2 năm ở các trường đại học thì đã chuyển sang đây học cao đẳng. Khi chúng tôi tiếp xúc với sinh viên thì các bạn chia sẻ ở trường đại học, chương trình học lý thuyết nặng quá và một phần cũng là do lúc trước ba mẹ muốn các em học đại học.

Nhưng khi nhập học, càng học các em càng thấy không phù hợp với mình". Cũng theo ông Việt, các bạn sinh viên chia sẻ, học nghề rất thực tế không nặng về lý thuyết, được bổ sung thêm rất nhiều kỹ năng mềm. Trường K. dạy cho sinh viên các kỹ năng về ngoại ngữ, kỹ năng thuyết trình bằng 2 thứ tiếng Anh - Việt, kỹ năng làm việc nhóm... Ngoài ra, chương trình học ở đây còn học theo mô hình doanh nghiệp trong lớp học theo hướng mở của các công ty đa quốc gia hiện nay, từ đó các em sẽ học vấn đề gắn liền với thực tiễn giúp trang bị cho các em đầy đủ những yêu cầu mà các doanh nghiệp tuyển dụng đưa ra.

Xu hướng nhận thức đã thay đổi

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng phòng Nhân sự công ty M.K. (quận 9) chuyên sản xuất và cung cấp suất ăn công nghiệp cho biết: “Công ty tôi chuyên tuyển nhân sự từ các trường nghề hơn. Bởi vì thực tế, các bạn sinh viên nghề biết rõ nhu cầu bản thân mình cần việc làm, cần có thu nhập ổn định, họ cũng định giá được giá trị bản thân thực tế hơn so với nhiều bạn sinh viên đại học mới ra trường. Qua thực tế tuyển dụng, chúng tôi nhận thấy, các bạn sinh viên đại học mới ra trường khi tham gia ứng tuyển những vị trí việc làm tại công ty chúng tôi, họ thường đòi hỏi mức lương, chế độ đãi ngộ rất cao. Dù chưa có kinh nghiệm, chưa có tay nghề nhưng có bạn đã đòi hỏi mức lương hàng ngàn USD. Hoặc có nhiều bạn, tuyển dụng vào nhưng khi trực tiếp giải quyết công việc lại không hiệu quả, chẳng hạn, quản lý công nhân, nhưng không có kỹ năng quản lý, không biết giao tiếp...

Trong khi đó, chúng tôi ưu tiên những bạn đã qua học nghề, đã có trải nghiệm thực tế... Tôi nghĩ rằng, việc một số bạn học đại học bỗng dưng bỏ qua học nghề là họ đã nhận thức được việc quan trọng của mình sau khi ra trường, họ cần việc làm, cần thu nhập ổn định”. Cùng nhận định, một chuyên gia tâm lý tại TP.HCM cho biết: “Qua nhiều năm tư vấn hướng nghiệp tại các trường THPT, THCS tại nhiều địa phương, tôi nhận thấy xu hướng nhận thức của phụ huynh, học sinh về việc học nghề hiện nay đã thay đổi. Những năm trước, xã hội chuộng hình thức học đại học để sau ra trường có việc nhẹ, lương cao...

Từ chuyện hàng năm có hàng chục ngàn sinh viên đại học trên cả nước ra trường thất nghiệp, hoặc làm trái ngành nghề, hiện nay, xu hướng nhận thức về học nghề từ xã hội, phụ huynh, học sinh đã hoàn toàn thay đổi”. “Từ đó, chuyện sinh viên đang học đại học hoặc học xong đại học nhưng rẽ lối học nghề để có việc làm, có thu nhập cho bản thân chẳng có gì lạ. Và, hiện nay, tại TP.HCM, nhiều trường học cũng chú trọng việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường tại các bậc THPT, THCS. Từ đó giúp học sinh chọn nghề, chọn ngành phù hợp hơn. Điều này, cần được ngành giáo dục, được các trường THCS, THPT trên cả nước đặc biệt quan tâm”, chuyên gia này phân tích thêm.

LÀNH NGUYỄN

 Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật chủ nhật số 29

Tin nổi bật