Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhói lòng môn lịch sử

(DS&PL) -

Kỳ thi tốt nghiệp THPT với nhiều đổi mới đã kết thúc. Năm đầu tiên áp dụng môn thi tự chọn đã cho thấy rõ tình trạng mất cân đối trầm trọng trong việc đăng ký môn thi.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 với nhiều đổi mới đã kết thúc. Năm đầu tiên áp dụng môn thi tự chọn đã cho thấy rõ tình trạng mất cân đối trầm trọng trong việc đăng ký môn thi. Đáng ngại nhất là nhiều phòng thi không có thí sinh (TS) dự thi môn lịch sử.

Hai thí sinh dự thi môn sử tại Hội đồng thi Nguyễn Thị Minh Khai (TP HCM). Ảnh: Đ.T

Trong ca thi môn lịch sử vào chiều ngày 2/6, nhiều hội đồng thi chỉ có 1 - 3 TS. Tại Hội đồng thi Trường THPT Hà Đông (Hà Nội) chỉ có 6 TS. Hội đồng thi Trường THPT Trưng Vương (Hưng Yên) có 600 TS dự thi các môn nhưng không em nào thi môn sử. Hội đồng thi Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP HCM) có vỏn vẹn 4 TS thi môn này...

Đề thi môn lịch sử được nhiều giáo viên, học sinh đánh giá là hay, thời sự, khơi gợi lòng yêu nước của TS khi xoáy vào những nguyên tắc giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình của Liên Hiệp Quốc, từ đó liên hệ với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ngoài ra, đề thi còn đề cập nội dung cơ bản trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo; nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước… Đề thi phản ánh những sự kiện, nội dung quan trọng của lịch sử đất nước. Thế nhưng, các phòng thi vắng TS đã khiến nhiều người chứng kiến phải nhói lòng.

TS thờ ơ với môn lịch sử không còn là nỗi lo mà đã đã trở thành thực tế rất đáng báo động. Nói như GS - Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: “Chúng ta hình dung như thế nào nếu học sinh lớn lên trở thành công dân mà hiểu biết về lịch sử mờ mịt, thiếu hệ thống và thiếu căn bản? Từ đó, không chỉ thiếu kiến thức mà còn liên quan đến vấn đề tính cách, ý thức công dân, dân tộc”.

Nhiều chuyên gia đã lên tiếng về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cải cách thi cử, trong đó lịch sử trở thành môn tự chọn, chẳng khác nào loại trừ môn này. Do đó, sau kỳ thi, môn lịch sử nói riêng và các môn tự chọn cần phải được đánh giá, nhìn nhận lại. Trong đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông, môn lịch sử phải được thay đổi trong toàn bộ hệ thống, từ nhận thức về môn này như thế nào, dạy sử nhằm mục đích gì, góp phần thế nào trong việc đào tạo, giáo dục con trẻ… Từ đó, xây dựng lại bộ sách giáo khoa về lịch sử, thay đổi cách dạy và học của môn này. Không thể để lịch sử là môn học nhàm chán khiến học sinh rời xa như hiện nay!

Tin nổi bật