Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhọc nhằn trải nghiệm sách giáo khoa chương trình mới

(DS&PL) -

SGK chương trình lớp 1 mới được mong chờ sẽ được giảm tải, lấy học sinh làm trung tâm, chú trọng dạy kỹ năng cho học sinh.

SGK chương trình lớp 1 mới được mong chờ sẽ được giảm tải, lấy học sinh làm trung tâm, chú trọng dạy kỹ năng cho học sinh. Thế nhưng trên thực tế, chương trình nặng, sĩ số lớp quá tải, thời gian làm quen không có... là những vấn đề khiến không chỉ giáo viên mà phụ huynh cũng đau đầu.

Khó đồng hành cùng con

Theo nhận xét của nhiều phụ huynh, điểm đặc biệt của các bộ SGK lớp 1 mới năm nay là hình thức khá đẹp, kênh hình đa dạng, phong phú, màu sắc rõ nét. Học sinh lớp 1 lúc đầu tỏ ra thích thú và ham tìm hiểu. Tuy nhiên, nhiều kiến thức trong SGK, nhất là môn tiếng Việt, vượt quá sức học của các con khiến không ít phụ huynh phải "vò đầu bứt tai" khi muốn đồng hành cùng con.

Chị Phương Lan (quận Tây Hồ, Hà Nội) kể, nhà có con vừa vào lớp 1, tối nào cả nhà cũng như đánh vật. Con khóc, đưa tay gạt nước mắt liên tục, mẹ quát tháo ầm ĩ trong quá trình cùng con tập đánh vần khiến chị Lan rất mệt mỏi.

"Trường con tôi trong năm học này chọn bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" của NXB Giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, ngay từ tuần đầu, ở môn tiếng Việt các con đã phải học về ghép vần theo chương trình cải cách "học chữ nào ghép vần chữ đấy". Đến tuần học thứ ba, con đã phải học ghép thành câu "Để bà bế bé Lê đã", "Ba bế cả Hà, cả bé Lê". Vì không được đi học tiền lớp 1 như các bạn nên con tôi rất khó để ghép vần trôi chảy.

Năm học mới 2020-2021 bắt đầu thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới từ lớp 1. Ảnh: Ngọc Dương

Từ đó, việc dạy con học mỗi ngày với tôi như cực hình. Để giải thích cho con khi ghép vần, phụ huynh như tôi buộc phải nhăn trán, nhíu mày tìm những từ gần nghĩa nhất để giải thích nhưng con vẫn không ghép nổi" chị Lan than thở.

Cô giáo Trần Bích Hà – giáo viên tại một trường ở TP.HCM - chia sẻ trên một diễn đàn của giáo viên tiểu học rằng: "Khó khăn nhất hiện nay là một số bài tập đọc trong bộ sách "Chân trời sáng tạo", giáo viên phải vật lộn tìm thật nhiều từ có các vần liên quan để cho học sinh làm quen. Trong khi đó, để tìm được những từ có nghĩa, dễ hiểu, học sinh có thể tập đọc với đặc thù riêng của mỗi vùng miền không phải đơn giản. Ví dụ, khi hướng dẫn các vần a, b, c cho học sinh thì giáo viên phải tìm vài chục từ có các vần đó nhưng lại phải là các từ có nghĩa thì học sinh mới hiểu được. Thời gian trên lớp có hạn, sĩ số lớp quá đông, nhiều học sinh thắc mắc liên tục là những trở ngại của giáo viên lớp 1 năm nay".

Giáo viên than trời

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Thu – Hiệu trưởng trường tiểu học Mỹ Đình 1 (Hà Nội) - cho hay: "Năm nay, theo quy định mới của bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh tựu trường từ ngày 1/9 và bắt đầu dạy chương trình mới luôn chứ không có thời gian cho cô trò làm quen với nhau như mọi năm. Đó cũng là một trở ngại với học sinh lớp 1. Bạn mới, cô mới, trường mới, chương trình mới, cô giáo vừa dạy chương trình mới, vừa làm quen với các con, trong khi thời gian của tiết học có hạn".

Cô giáo Nguyễn Phương Hoa – Giáo viên trưởng khối 1 tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) - cho biết, trường cô chọn bộ sách "Kết nối tri thức" giảng dạy cho học sinh lớp 1 năm nay. "Ngoài việc giáo viên tự tìm hiểu thông tin, tài liệu thì chúng tôi được tập huấn với phòng Giáo dục và Đào tạo cũng như trao đổi với các giảng viên của nhà xuất bản trước khi dạy chính thức", cô Hoa cho hay.

Trường cô Hoa dạy là trường rất có tiếng trên địa bàn quận Nam Từ Liêm nên năm nào số lượng hồ sơ đăng ký học cũng đông. Sĩ số với lớp 1 khoảng 40 - 50 học sinh/lớp.

"Sĩ số trong một lớp khá đông là khó khăn chung của các trường trên địa bàn Hà Nội. Việc tổ chức dạy học theo nhóm cũng như hoạt động trải nghiệm khi triển khai chương trình mới không hiệu quả và bị hạn chế nhiều. Bởi thực hiện hoạt động trải nghiệm phải chia nhiều nhóm, cần nhiều thời gian để học sinh có thể tương tác được với giáo viên. Với đặc thù của học sinh lớp 1, ngoài dạy học, giáo viên còn phải thường xuyên nhắc nhở các con giữ trật tự. Việc triển khai chương trình mới sẽ có hiệu quả khi lớp học có khoảng 30- 35 học sinh", cô Hoa cho hay.

Không thể khắc phục tình trạng quá tải học sinh

Quận Hoàng Mai (Hà Nội) là một trong những địa bàn "nóng" mỗi mùa tuyển sinh, đặc biệt là tuyển sinh lớp 1 do tốc độ đô thị hóa nhanh. Còn nhớ, năm học 2018 - 2019, trường tiểu học Chu Văn An lập kỷ lục về số lượng học sinh lớp 1 với hơn 1.000 em ở 23 lớp. Quá tải học sinh đã khiến trường này phải tổ chức mô hình học 4 buổi/tuần thay vì 5 buổi/tuần như các trường khác. Năm học 2020 - 2021, Hoàng Mai là một trong những quận tăng dân số cơ học cao nhất toàn thành phố. Riêng năm 2020, số lượng học sinh tăng gần 5.000 so với năm 2019, khiến tình trạng quá tải, vượt mức sĩ số quy định trên lớp chưa được khắc phục. Bà Phạm Đàm Thục Hạnh – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai cho biết: "Với cấp mầm non, dự kiến sau tuyển sinh, toàn quận sẽ có 326 lớp, tăng 12 lớp so với năm học trước, ở cấp tiểu học, số lớp 1 toàn quận là 753 lớp, tăng 50 lớp so với năm học trước. Tương tự, cấp THCS cũng tăng thêm 52 lớp với tổng số 470 học sinh. Dù năm nay được xây mới 6 trường nhưng do số lượng học sinh đông, nhiều trường tiểu học của quận Hoàng Mai vẫn phải tổ chức cho học sinh học luân phiên để đáp ứng nhu cầu của người dân".

Hoàng Thanh

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (39)

Tin nổi bật