Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhiều học sinh "đánh cược tương lai" với chứng chỉ IELTS là "tấm vé an toàn" vào đại học

  • Thủy Tiên (T/h)
(DS&PL) -

Nhiều học sinh đang xem chứng chỉ IELTS như một "tấm vé an toàn" để vào đại học, nhưng liệu suy nghĩ này có đúng?

IELTS đã trở thành một phần không thể thiếu trong hành trình học tập của nhiều học sinh Việt Nam, đặc biệt khi các trường đại học ngày càng mở rộng chính sách xét tuyển dựa trên chứng chỉ này.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận, việc quá chú trọng vào IELTS đang khiến không ít học sinh sao nhãng việc học các môn học chính khóa. Sự phụ thuộc "thái quá" vào điểm số IELTS có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của các em.

Sẵn sàng đánh đổi các môn học khác để "cày" IELTS

Trao đổi với Đời sống & Pháp luật, Nguyễn Văn Hào và Vũ Thị Thảo Ly - hai học sinh đến từ Tuyên Quang và Hải Dương cho biết, 2 em đang cùng ôn luyện IELTS với mục tiêu sử dụng chứng chỉ này để xét tuyển vào đại học trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, cả hai đều chia sẻ những áp lực và khó khăn trong việc cân bằng giữa ôn thi IELTS và việc học các môn trên trường.

Hào, người đã tự học IELTS trong một năm, thừa nhận rằng việc ôn thi đã ảnh hưởng đến kết quả học tập của cô ở trường. Trong khi đó, Thảo Ly cũng đồng tình và cho rằng nếu không biết cách quản lý thời gian, việc học IELTS có thể khiến điểm trung bình các môn khác bị giảm sút.

Nhiều học sinh suy nghĩ "đóng khung" chứng chỉ IELTS là "tấm vé an toàn" vào đại học. Ảnh minh họa 

Thảo Ly nhận xét: "Hiện nay, nhiều bạn học sinh xem IELTS như tấm vé đảm bảo tương lai, sẵn sàng bỏ bê việc học trên trường để tập trung vào luyện thi IELTS."

Ngoài ra, Ly cũng chỉ ra xu hướng "đổ xô thi IELTS" có thể gây ra những hệ lụy tiêu cực, như trượt tốt nghiệp do không đủ điểm các môn khác hoặc sự tự mãn khiến thí sinh đánh mất cơ hội phát triển toàn diện.

Chia sẻ trên báo Giáo dục & Thời đại, một bậc phụ huynh tại Hà Nội có chia sẻ: "Một tuần cháu sẽ có 2 buổi học IELTS, mỗi buổi 4 tiếng vào chủ nhật và tối thứ 5 hàng tuần. Ngoài ra, mỗi buổi tối, cháu cũng cần hoàn thành bài tập trên lớp và học thêm các môn học khác."

Với khối lượng học như vậy, các em sẽ rất khó trong việc cân bằng các môn học, dẫn tới việc sẽ tập trung vào IELTS hơn so với các môn học khác.

Nhiều giáo viên cũng nhận định rằng, IELTS đang trở nên biến tướng nghiêm trọng khi các em chỉ tập trung luyện đề mà quên đi các kiến thức được dạy tại trường.

Chia sẻ về vấn đề này, cô Thanh Tâm – giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm dạy IELTS tại Hà Nội cho biết: “Nên dành thời gian trang bị kiến thức cơ bản, tiếp xúc chậm và vững với tiếng Anh nói chung trước để tạo nền tảng tốt. Bởi IELTS không chỉ đòi hỏi nền tảng tiếng Anh tốt mà còn cả kiến thức xã hội.”

Có nên "thần thánh hóa" IELTS?

Ông Nguyễn Minh Trí, nghiên cứu sinh về giảng dạy tiếng Anh tại Trường Đại học Mở TP.HCM trả lời trên báo Thanh niên, cho biết IELTS về bản chất chỉ là kỳ thi đánh giá năng lực ngôn ngữ với bộ tiêu chí và triết lý riêng, tương tự nhiều kỳ thi khác như TOEIC, hay PTE.

Việc dùng IELTS như một tấm "bùa hộ thân" đang trở thành một vấn đề bất cập, làm sai lệch đi bản chất của việc học qua việc đánh tráo khái niệm "năng lực ngôn ngữ" và "tài năng".

"Về mặt kiến thức, những nội dung trong kỳ thi IELTS đa dạng các chủ đề từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội. Tuy nhiên, những kiến thức này chỉ là công cụ để thông qua đó, người học thể hiện năng lực ngôn ngữ, chứ không phản ánh được thí sinh giỏi các ngành hoặc nhánh ngành liên quan hay không", ông Trí nhận định.

Hình ảnh một lớp luyện thi IELTS. Ảnh: Thanh niên

Từ đó, ông Trí cho rằng IELTS vốn không phản ánh được năng lực học tập chuyên sâu của thí sinh ở các bộ môn khác. Ngoài ra, trong bối cảnh thời đại số mở, chúng ta nên bình thường hóa việc sử dụng tiếng Anh như một "kỹ năng sinh tồn", tránh "thần thánh hóa" IELTS vì điều này sẽ gây lãng phí không cần thiết khi mọi người chạy theo việc học IELTS với học phí đắt đỏ.

Tương tự, thạc sĩ Châu Thế Hữu, giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, cũng đánh giá, việc sử dụng IELTS vào những mục đích khác nhau như xét tuyển, tuyển thẳng trong các khối lớp... hay đơn giản là kiểm tra năng lực người học tiếng Anh đang được áp dụng rộng rãi do sự phổ biến của bài thi.

"Hội đồng Anh cũng nêu rõ IELTS được sử dụng cho giáo dục ĐH (Higher education) và di trú. Như vậy, việc đưa IELTS thành chuẩn đánh giá năng lực tiếng Anh chỉ có thể áp dụng đối với một số đối tượng nhất định, chứ không phải đại trà ở các cấp, các kỳ thi như hiện nay", thạc sĩ Hữu cho hay.

Theo ông Hữu, xuất phát từ mục đích sử dụng đó, bài thi IELTS ở các kỹ năng cũng được thiết kế sao cho phù hợp với người học, thí sinh ở một độ tuổi nhất định, khớp với giai đoạn giáo dục ĐH của họ. Chính vì vậy, các đối tượng chưa đạt độ tuổi hoặc trình độ này sẽ không thích hợp hoàn toàn với bài thi.

"Việc thúc ép triển khai bài thi với họ có thể dẫn đến những hệ quả phản tác dụng như làm mất đi cơ hội hoàn thiện toàn diện cũng như động lực học tiếng Anh, và gia tăng tâm lý sợ ngoại ngữ nơi người học", thạc sĩ Hữu nêu quan điểm.

Tin nổi bật