Thông tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trong 2 tuần gần đây đã tiếp nhận 8 bệnh nhân ngộ độc cồn công nghiệp (methanol) sau khi uống rượu không rõ nguồn gốc. Các ca bệnh đều rất nặng, hôn mê, có tổn thương não, nồng độ cồn methanol trong máu rất cao; trong đó có 1 ca tử vong.
Hiện, Trung tâm Chống độc đang điều trị cho 3 bệnh nhân nam có độ tuổi từ 46 đến 72 được chẩn đoán ngộ độc cồn công nghiệp methanol.
3 bệnh nhân này được chuyển từ tuyến dưới lên, đều nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, tụt huyết áp, nhiễm toan chuyển hóa nặng. Khi chụp phim cắt lớp não, bệnh nhân đã có tổn thương hoại tử, chảy máu và phù nề nặng lan tỏa trên não.
Tại Bệnh viện Bạch Mai hiện đang tăng tình trạng ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp methanol. Ảnh: BVCC
Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn methanol trong máu rất cao, lên tới vài trăm ml/dL. Mặc dù đã được giải độc và cấp cứu theo phác đồ nhưng đã có một bệnh nhân tử vong, một bệnh nhân đã điều trị tối đa nhưng tiên lượng chuẩn bị tử vong và gia đình đang làm thủ tục xin về nhà. Các bệnh nhân còn lại gặp các di chứng với não và mù. Khai thác bệnh sử cho thấy các bệnh nhân này đều uống các loại rượu không rõ nguồn gốc và uống rất nhiều rượu.
Người nhà một bệnh nhân kể lại, vì nhà có đám nên tối đó bệnh nhân uống rất nhiều rượu (rượu mua không rõ nguồn gốc). Đến 6h sáng hôm sau tỉnh dậy, bệnh nhân nhức đầu, chưa kịp đi xuống giường đã ngã vật ra, sau đó bệnh nhân ngất đi. Người nhà phải gọi cấp cứu đưa vào nhập viện.
Trước đó, bác sĩ Đỗ Quốc Hùng, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Tp.HCM cho hay, chỉ trong tuần đầu tháng 10, Khoa Cấp cứu đã tiếp nhận 9 ca ngộ độc rượu, 3 ca xin về vì tiên lượng nặng. Chỉ tính riêng ngày 7/10, có 4 ca nhập viện vì ngộ độc methanol, chủ yếu ở huyện Bình Chánh.
Trong số này, có nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, hôn mê, khó thở, tím tái, suy hô hấp, rối loạn cân bằng nước, điện giải, nhìn mờ, suy gan, suy thận, tăng đường huyết, phải hồi sức tích cực.
Còn đại diện Bệnh viện Thống Nhất, Tp.HCM cho biết, chỉ trong thời gian tháng 10/2021, bệnh viện tiếp nhận dồn dập 12 bệnh nhân bị ngộ độc methanol nhập viện cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp, tổn thương tim mạch, giãn huyết áp. 6 bệnh nhân trong số đó đã tử vong, đa số đều là lao động nghèo.
Hình ảnh não tổn thương, hoại tử não ở bệnh nhân ngộ độc rượu có pha cồn công nghiệp.
Theo Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), các loại rượu chứa cồn công nghiệp gây ngộ độc ở Việt Nam không phải từ các loại rượu nấu truyền thống, mà do người kinh doanh mua cồn công nghiệp về đóng chai hoặc pha thành các loại rượu rởm, trà trộn với các loại rượu truyền thống.
Thêm vào đó, nhiều công ty cũng nhập các loại cồn chứa methanol về đóng chai và dán nhãn cồn sát trùng hoặc cồn để đốt và bán ở các hiệu thuốc, thậm chí không loại trừ có các cơ sở y tế nhập về để sử dụng.
Trung tâm Chống độc phát hiện nhiều sản phẩm cồn sát trùng chứa nồng độ methanol rất cao, thường nồng độ cồn công nghiệp methanol trong chai cồn sát trùng chiếm 70-90% và đã báo cáo Bộ Y tế và các cơ quan chức năng.
Vì thế, để phòng tránh ngộ độc cồn công nghiệp methanol, người dân hãy lựa chọn những loại rượu có nguồn gốc xuất xứ, được nấu theo cách truyền thống hoặc sản phẩm chính thức được đăng ký của các công ty. Người dân cũng nên hạn chế tối đa việc uống rượu.
Theo ThS Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, về nguyên tắc, nếu nhìn bằng mắt, ngửi hoặc nếm thì khó biết được rượu chứa hàm lượng methanol cao hay không. Việc phân biệt methanol và rượu hay cồn y tế (thành phần chính là Ethanol) bằng cảm quan bên ngoài là rất khó. Chỉ có một điểm là khi uống rượu có pha methanol sẽ có vị hơi ngọt chứ không đắng như rượu thông thường. Ngoài ra, theo bà Nga, ngành Y tế cũng đưa ra các khuyến cáo về việc sử dụng rượu bia cho người dân như không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong; không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày; Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị; trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia... |
Linh Anh (T/h)
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Bảy (42)