Theo Sức khỏe & Đời sống, anh T.T.H (32 tuổi, Hà Nội) thường xuyên bị những trận ngứa dữ dội, đã từng đi khám bệnh da liễu và dùng thuốc dị ứng suốt 10 năm nay nhưng không khỏi. Gần đây, anh thấy trên người có nhiều mảng da trầy xước, nhiễm trùng kèm nhiều vết ngoằn ngoèo như giun bò. Anh H. tới Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) khám mới được phát hiện nhiễm giun đũa chó mèo.
Khi ngứa bệnh nhân sẽ gãi và gây tổn thương nhiều mảng da.
Tương tự với trường hợp anh H., bà L. (55 tuổi, trú tại Hà Nội) hay làm vườn nên khi bị ngứa ở mu bàn tay, bà L. cho rằng bị viêm da nên đã tự mua thuốc về bôi, rồi lấy các loại lá để chữa. Tuy nhiên tình trạng không đỡ nên đi khám ở gần nhà, bà L. được chẩn đoán có ký sinh trùng. Các bác sĩ cho thuốc về điều trị tại nhà nhưng tình trạng không thuyên giảm. Sau đó, bà đến Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương để làm các xét nghiệm.
Tại đây bà được chẩn đoán là ấu trùng di chuyển dưới da. Qua xét nghiệm dương tính với ấu trùng giun đũa chó mèo do tiếp xúc trong quá trình làm nông nghiệp. Với ấu trùng này, dù người bệnh không có vết thương hở nó vẫn có thể xâm nhập qua kẽ hở của lớp biểu bì trên da.
Dễ lầm tưởng mắc da liễu, dị ứng
VTC News dẫn lời TS.BS Trần Huy Thọ, Phó giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Công trùng Trung ương) cho biết, số lượng bệnh nhân mắc giun đũa chó mèo đến viện thăm khám ngày càng nhiều. Hiện việc nuôi thú cưng phổ biến, nhiều người có thói quen chơi cùng, ngủ cùng chó, mèo, xem động vật nuôi như người bạn thân thiết. Đây là nguy cơ tiềm ẩn nhiễm giun đũa chó, mèo.
Người bị nhiễm giun đũa chó mèo thường tới viện trong tình trạng ngứa dữ dội, tổn thương, nhiễm trùng trên da nhiều năm. Một số người đi khám và điều trị tại bệnh viện chuyên khoa da liễu, miễn dịch lâm sàng song bệnh không thuyên giảm.
Khi ngứa bệnh nhân sẽ gãi và gây tổn thương nhiều mảng da. Đầu móng tay bẩn là môi trường để vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể khi gãi.
Đa phần bệnh nhân khi bị ngứa thường nghĩ ngay tới các bệnh về da liễu, đi khám chuyên khoa da liễu, chuyên khoa dị ứng, miễn dịch. Nhiều người điều trị da liễu tới 5 năm, 10 năm không khỏi.
Thận trọng với ấu trùng giun đũa chó mèo
Theo các bác sĩ giun đũa chó (Toxocara canis), giun đũa mèo (Toxocara cati) ký sinh ở chó và mèo. Khi nuôi chó, mèo thả rong, chúng phóng uế phân bừa bãi vào môi trường sống làm cho môi trường sinh hoạt bị nhiễm bẩn. Con người là đối tượng có nguy cơ bị ấu trùng giun đũa chó và giun đũa mèo xâm nhập vào cơ thể để gây bệnh với hiện tượng lạc chủ của ký sinh trùng từ chó, mèo sang người. Người dân hay gọi là bệnh sán lãi chó.
Con người là đối tượng có nguy cơ bị ấu trùng giun đũa chó và giun đũa mèo xâm nhập vào cơ thể để gây bệnh.
Được biết ấu trùng di chuyển qua niêm mạc ruột vào tuần hoàn máu đến hệ thần kinh trung ương như não, tủy sống và rễ dây thần kinh, gây viêm não, màng não. Trẻ em dễ nhiễm giun sán do thói quen đùa nghịch với đất cát, là nơi phát tán trứng giun do đặc tính phóng uế của chó, mèo.
Triệu chứng lâm sàng phụ thuộc rất nhiều vào số lượng và vị trí ký sinh của sán đối với vật chủ, và biểu hiện triệu chứng bắt đầu từ các cơ quan bị nhiễm. Tuy nhiên, biểu hiện thường thấy là ngứa - đây là dấu hiệu điển hình. Người bệnh ngứa rất nhiều đến mất ăn mất ngủ, gãi trầy xước da, toàn thân thâm tím, sứt sẹo vì ngứa. Người bệnh nhiễm trùng trên da nhiều năm, điều trị về da liễu nhưng bệnh không thuyên giảm. Tại mỗi vị trí khác nhau sẽ có những biểu hiện, triệu chứng khác nhau.
Ngoài ra, còn có các biểu hiện khác là: Ngứa, nổi mẩn, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, ho, đau bụng, rối loạn hành vi, giảm thị lực, u hạt, mất thị lực hoàn toàn, viêm nội nhãn, tổn thương võng mạc, viêm kết mạc, viêm màng bồ đào, đau bụng, nôn, tiêu chảy, tức ngực, hen
Cách phòng bệnh giun đũa chó mèo
Giun đũa chó, mèo chỉ là vật ký sinh ở chó, mèo, khi vào cơ thể người nó không có chu kỳ sinh sản, chúng ta không thể tìm thấy trứng hay ấu trùng của giun trong phân. Bệnh nhân được xác định mắc giun đũa chó mèo qua việc tìm thấy kháng thể của giun đũa chó mèo trong máu, kèm theo một số chỉ số bạch cầu ái toan tăng.
Người bị mắc ấu trùng giun đũa chó mèo thường bị nhầm lẫn với các bệnh về da liễu.
Bệnh này không gây nguy hiểm tới tính mạng con người nhưng gây ra khó chịu trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Nhiều bệnh nhân cho biết, lúc nào cũng phải mang bên mình hộp thuốc dị ứng, thấy ngứa là phải uống ngay.
Để không bị nhiễm ấu trùng giun đũa từ chó mèo, vị chuyên gia khuyến cáo chúng ta không nên ăn ngủ chung, ôm hôn chó mèo. Chúng ta nên vệ sinh sạch sẽ cho có mèo, bát đựng thức ăn, chất thải của chó, mèo nên xử lý và vệ sinh sạch sẽ.
Chúng ta nên tẩy giun định kỳ cho chó, mèo sẽ giảm nguy cơ truyền bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo sang người.
Bà con khi nghi ngờ nhiễm bệnh về ký sinh trùng có thể tìm tới các cơ sở chuyên khoa điều trị về bệnh ký sinh trùng trên toàn quốc.
Thùy Dung (T/h)