Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhật ký săn vàng: Bí ẩn “giếng thiêng” có trăm tấn vàng ở Bắc Giang?

  • Như Quỳnh (T/h)
(DS&PL) -

Chỉ vì lời đồn về kho báu trăm tấn chôn giấu trong lòng chiếc giếng cổ, nơi đây đã trở thành "miếng mồi" béo bở, thu hút vô số kẻ săn vàng đầy tham vọng.

Bí ẩn “giếng thiêng”

Theo thông tin từ báo Dân việt, vào năm 2014, khắp tỉnh Bắc Giang đặc biệt ở huyện Lục Nam, ở đâu người dân cũng bàn tán chuyện giếng "thiêng" nghìn năm tuổi ở xã Vô Tranh. Câu chuyện sẽ chẳng có gì ly kỳ nếu như cái giếng ấy không gắn liền với nhiều câu chuyện nửa hư, nửa thực.

Chiếc giếng này nằm cạnh góc vườn nhà ông Nguyễn Văn Phụng ở xóm Chùa, thôn Tranh nên được ông trông nom nhiều năm nay.

Chiếc giếng trong "truyền thuyết" này cũng bình thường như bao cái giếng khác: được kè gạch, nền xung quanh được đổ bê tông, thành giếng xây bằng gạch nung kiểu mới, vuông thành sắc cạnh. Nếu không được giới thiệu, nhiều người có thể nhầm lẫn đây là giếng mới xây. Duy chỉ có điểm lạ: Mực nước khoảng 1,5m, nước trong vắt, nhìn rõ cả đáy. Xung quanh đáy là các vỉa đá tự nhiên.

Ông Phụng cho biết: "Ở đây ngày trước là một khu chợ rộng lớn, năm 1960 khi thành lập hợp tác xã thì người ta dùng giếng làm nguồn nước tưới tiêu ruộng đồng. Để mở rộng giếng, các bô lão cho người tháo gỗ lim xung quanh thành giếng và thấy rõ những dòng chữ Nho trên đó. Người làng cứ ước lượng giếng hơn một nghìn năm tuổi".

Chiếc giếng trong "truyền thuyết" này cũng bình thường như bao cái giếng khác. Ảnh: Nhịp sống Việt.

Trước đây, giếng còn có tên gọi khác là giếng Đình, vì bên giếng có một ngôi đình và cây đa cổ thụ. Vào ngày rằm hàng tháng, người dân vẫn tụ tập họp chợ quanh giếng. Hàng ngày, vẫn có người dân lấy nước giếng về nấu ăn, pha chè hay tắm rửa, giặt giũ.

Vẻ bề ngoài "mới mẻ" của giếng là do năm 2019, các hộ dân góp tiền cải tạo để tiện sử dụng vì nước giếng rất đảm bảo. Ông Phụng đã mang mẫu nước ra Trung tâm Y tế Dự phòng huyện xét nghiệm và đều đạt tiêu chuẩn nước sạch.

Theo lời ông Phụng nước giếng trong, mát và ngọt, dù hạn hán kéo dài cũng không bao giờ cạn, dân làng khi đi qua đây vẫn thường ghé vào uống nước. Đặc biệt, người muốn uống nước phải nói câu xin nước rồi lẳng lặng mà uống, không được dùng rửa mặt hay tay chân. Xong xuôi, người uống nước phải lặng lẽ rời đi, không được khen hay chê bất cứ một lời nào.

Đằng sau vẻ bình thường của chiếc giếng cổ trên là những câu chuyện mang tính liêu trai chí dị khiến chiếc giếng trở nên nổi tiếng gần xa. Những câu chuyện đồn đại đó đều được dân xã Vô Tranh gật đầu chứng nhận có đồn nhưng không ai có thể xác thực.

Chuyện ly kỳ quanh cái giếng

Chia sẻ trên Vietnamnet, bà Bùi Thị Nhỡ (83 tuổi) cho hay cái giếng đã có từ rất lâu và không ai biết nó có từ bao giờ vì khi bà còn trẻ đã nghe những người già trong làng nói rất nhiều câu chuyện xung quanh cái giếng này.

Ngày trước xung quanh cái giếng cây cối rậm rạp, um tùm, nước trong vắt và quanh năm không bao giờ cạn, kể cả vào mùa khô hạn hán mấy tháng trời nhưng giếng nước vẫn chảy. Bên cạnh có mấy phiến đá to phẳng lỳ không ai biết là do nhân tạo hay tự nhiên mà có.

Người dân nơi đây khi đi làm đồng rẽ vào uống nước nhưng tuyệt nhiên không được khen nước ngon hay chê nước dở vì chỉ cần mở miệng thì lập tức về nhà người đó sẽ bị đau bụng, có đi khám cũng không tìm ra bệnh.

Mọi người vẫn truyền tai nhau rằng ngày trước người Tàu có chôn một người con gái chưa chồng xuống đây để làm thần giữ của, người nào vào đó có xúc phạm sẽ bị “bà cô” phạt.

Còn cụ Nguyễn Văn Nội (90 tuổi) cho biết, nhiều người ngoài làng không biết nên khi đi đến giếng tự tiện múc nước uống. Kẻ thì chết, người lại điên dại nên người làng Vô Tranh phải làm cái nắp đậy lại để tránh những chuyện đáng tiếc xảy ra.

Một câu chuyện khác và còn là thảm họa của làng là trước những năm chiến tranh. Do xúc phạm đến giếng nên mạch nước dưới đáy phun trào không ngớt khiến nước tràn ra khắp ruộng đồng. Hằng tháng trời như vậy khiến cả một vùng rộng lớn ngập trong nước lũ. Người và gia súc chết không biết bao nhiêu mà kể, đó là cơn "đại hồng thủy" khủng khiếp nhất mà "giếng Tàu" gây ra cho người địa phương.

Chính quyền địa phương cho xây dựng lại giếng bằng cách đổ bê tông, kè đá 4 xung quanh hòng ngăn chặn sự đào bới. Ảnh: Báo Dân việt.

Giếng giấu bao nhiêu vàng?

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, giếng "thiêng" còn liên quan đến chuyện giấu kho báu nên thu hút rất nhiều kẻ hám của đến tìm kiếm. Chuyện bắt đầu từ năm 1990 khi ông Phụng khai quật chiếc giếng đã bị lấp. Khi đào sâu xuống dưới thì phát hiện một con chó đá nặng 150kg.

Ông Phụng liền để con chó đá bên vệ đường nhưng một thời gian sau lại bị lấy trộm. Đúng một năm sau thì con chó đá lại xuất hiện ở chỗ cũ nhưng phía dưới đã bị đục khoét để lấy đi vật gì đó phía trong. Một thời gian sau thì con chó đá tiếp tục bị lấy trộm cho đến nay chưa thấy ai trả.

Từ đó, thỉnh thoảng lại có những nhóm người  xuất hiện quanh quẩn bên giếng. Họ đem máy dò vàng rồi đào khoét phía dưới. Dân làng phát hiện ra đuổi thì họ chạy. Cứ như thế năm lần bảy lượt, họ đến rồi lại chạy chỉ vì "kho báu" phía đáy giếng.

Cụ Nguyễn Văn Nội (90 tuổi) cho hay: "Các cụ ngày xưa kể lại là người Tàu có vơ vét được rất nhiều vàng của người Việt khi đó nên đã chôn xuống giếng để giấu. Họ yểm bùa bằng cô gái trinh nguyên để giữ của. Đồng thời, nhét bản đồ kho báu vào trong con chó đá để sau này biết lối mà tìm". Có lẽ vì thế, mà từ khi con chó đá bị lấy trộm và đục lấy di vật bên trong nên các nhóm truy tìm kho báu đến giếng quấy rầy.

Ông Phụng cùng dân làng thuê 3 máy bơm công suất lớn để bơm nước hòng tìm kiếm xem có gì hay không. Ba chiếc máy bơm liên tục 1 tuần lễ nhưng nước trong giếng không cạn chút nào. Càng bơm, mạch ngầm dưới đáy càng phun trào dữ dội hơn.

Thấy lạ, ông Phụng cùng các cao niên bàn bạc với chính quyền địa phương cho xây dựng lại giếng bằng cách đổ bê tông, kè đá 4 xung quanh hòng ngăn chặn sự đào bới của nhóm người "có ý đồ xấu".

Câu chuyện giếng có giấu vàng cho đến nay vẫn còn là sự bí ẩn. Và câu hỏi bao nhiêu tấn vàng được giấu dưới đáy giếng vẫn là điều chưa có lời giải đáp.

LTS: Những câu chuyện về vàng bạc, kho báu ẩn sâu trong lòng đất Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho trí tưởng tượng và khát vọng khám phá. Trang Đời sống & Pháp luật trân trọng giới thiệu tuyến bài đặc biệt đưa quý vị ngược dòng thời gian, lật lại những vụ việc truy tìm kho báu, kho vàng nổi tiếng trên khắp dải đất hình chữ S.

Từ huyền thoại về kho báu vương triều đến lời đồn về của cải ngoại xâm, giấc mơ "vàng" dường như đã khắc sâu trong tâm trí người Việt. Tuyến bài này không chỉ đơn thuần kể lại những câu chuyện ly kỳ, mà còn đi sâu phân tích bối cảnh lịch sử, văn hóa đã tạo nên những huyền thoại ấy. Chúng tôi sẽ khám phá những hành trình tìm kiếm đầy gian nan, những hệ lụy pháp lý và xã hội đi kèm.

Liệu những kho báu đó có thực sự tồn tại? Động lực nào thúc đẩy con người theo đuổi giấc mơ xa vời này? Và sau tất cả, những câu chuyện này còn gửi gắm những bài học sâu sắc. Đó là sự tỉnh táo trước những lời đồn thổi, là giá trị của lao động chân chính, và đôi khi, kho báu lớn nhất lại nằm ở những di sản văn hóa, lịch sử vô giá mà chúng ta cần trân trọng và bảo tồn hơn là mải miết theo đuổi những ảo ảnh vàng bạc.

Bắt đầu từ ngọn lửa trên núi Tàu khơi gợi ký ức về 4.000 tấn vàng, đến những "hầm thần của" bí ẩn, hay những vụ phát hiện tài sản gây xôn xao dư luận, tuyến bài sẽ tái hiện một cách chân thực và đa chiều. Chúng tôi mong muốn mang đến cho quý vị không chỉ sự thỏa mãn trí tò mò, mà còn cái nhìn sâu sắc hơn về những khía cạnh lịch sử, văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Tin nổi bật