Đóng

Nhật Bản phát triển thành công loại máu nhân tạo phù hợp mọi nhóm máu, hạn sử dụng lên tới 5 năm

  • Phương Uyên (t/h)
(DS&PL) -

Nhờ không mang đặc điểm của bất kỳ nhóm máu nào, các tế bào này có thể truyền cho bất kỳ người bệnh nào mà không gây ra phản ứng miễn dịch.

Theo tạp chí Tri trức, nhóm nhà khoa học do Giáo sư Hiromi Sakai, Đại học Y Nara (Nhật Bản), dẫn đầu đã nghiên cứu và phát triển thành công loại máu nhân tạo mới, có thể sử dụng cho mọi nhóm máu mà không cần xét nghiệm tương thích.

Loại máu này được tạo ra bằng cách chiết xuất hemoglobin - loại protein có chứa sắt, đóng vai trò vận chuyển oxy trong hồng cầu - từ những đơn vị máu hiến đã hết hạn. Hemoglobin sau đó được bao bọc trong một lớp vỏ bảo vệ, tạo thành các tế bào máu đỏ nhân tạo ổn định và không chứa virus. 

Ảnh minh họa: Getty Images

Nhờ không mang đặc điểm của bất kỳ nhóm máu nào, các tế bào này có thể truyền cho bất kỳ người bệnh nào mà không gây ra phản ứng miễn dịch. Đặc biệt, máu nhân tạo có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng trong vòng 2 năm và lên đến 5 năm nếu trữ lạnh. Điều này vượt trội hơn hẳn so với hồng cầu từ máu hiến, vốn chỉ giữ được tối đa 42 ngày trong điều kiện lạnh.

Theo Thanh niên Việt, công nghệ này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, nhưng kết quả ban đầu rất khả quan. Các thử nghiệm trên người đã bắt đầu từ năm 2022, cho thấy những người tình nguyện khỏe mạnh có thể tiếp nhận máu nhân tạo một cách an toàn, không có tác dụng phụ nghiêm trọng đáng kể.

Theo báo cáo của Tokyo Weekender, thử nghiệm hiện đang kiểm tra liều lượng lớn hơn (từ 100 đến 400 ml) để đánh giá mức độ hiệu quả và an toàn chi tiết hơn.

Nếu các thử nghiệm này tiếp tục cho kết quả tích cực, loại máu nhân tạo này có thể được ứng dụng rộng rãi trong các bệnh viện và trung tâm cấp cứu vào khoảng năm 2030, đặc biệt là ở những nơi khó khăn trong việc lưu trữ hoặc tìm kiếm máu truyền thống.

Song song với nhóm của Giáo sư Sakai, Giáo sư Teruyuki Komatsu thuộc Khoa Khoa học và Kỹ thuật của Đại học Chuo cũng đang nghiên cứu phát triển các chất mang oxy nhân tạo khác, sử dụng hemoglobin được bao bọc bởi albumin để ổn định huyết áp và điều trị các tình trạng như xuất huyết và đột quỵ. Các nghiên cứu trên động vật của ông đã cho thấy kết quả đầy hứa hẹn, và hiện đang háo hức chuyển sang thử nghiệm trên người.

Nếu thành công, máu nhân tạo của Nhật Bản không chỉ giảm bớt gánh nặng cho các ngân hàng máu mà còn đảm bảo việc truyền máu cứu người được thực hiện nhanh chóng, an toàn và hiệu quả hơn, bất kể nhóm máu hay cơ sở hạ tầng y tế. Đây là một bước tiến vĩ đại, mang lại hy vọng về một tương lai nơi không ai phải mất mạng vì thiếu máu.

Máu giữ vai trò then chốt trong việc điều trị và cấp cứu người bệnh, góp phần cứu sống hàng triệu người mỗi ngày trên khắp thế giới. Tuy nhiên, việc duy trì nguồn cung máu ổn định luôn là một thách thức, đặc biệt tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Trong khi đó, nhu cầu về máu nhóm O- (nhóm máu hiếm có thể truyền cho mọi người) thường xuyên vượt quá khả năng cung cấp, chưa kể máu hiến tặng cũng chỉ được bảo quản trong thời gian giới hạn.

Tin nổi bật