Cách đây hơn một năm, Nhật Bản đã khá thành công khi tổ chức Olympic mùa hè 2020 tại Tokyo ngay giữa lúc đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên giờ đây, những di sản của Olympic Tokyo 2020 lại đang bị lu mờ bởi bê bối hối lộ mới bị phanh phui. Vụ bê bối này có nguy cơ ảnh hưởng tới quyền đăng cai Olympic mùa đông sắp tới của Nhật Bản.
Hiện nay, giới chức thành phố Sapporo (Hokkaido, Nhật Bản) đã khởi động kế hoạch đấu thầu quyền đăng cai Olympic mùa đông 2030. Tuy nhiên, vào mùa hè, cảnh sát Nhật Bản đã bắt giữ ông Haruyuki Takahashi, cựu giám đốc điều hành ủy ban Olympic Tokyo 2020, với cáo buộc nhận hối lộ để giúp các công ty trở thành nhà tài trợ chính thức cho sự kiện này.
Bảo tàng Olympic tại thành phố Sapporo, Nhật Bản. Ảnh: AFP
Bà Seiko Hashimoto, trưởng ban tổ chức Olympic Tokyo 2020, thừa nhận các cáo buộc tham nhũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cơ hội đăng cai Olympic năm 2030 của Sapporo. Bà Hashimoto nhận định vụ việc này "đặc biệt nghiêm trọng" và hy vọng các điều tra viên có thể sớm làm sáng tỏ các cáo buộc.
Bà Hashimoto nhận xét: "Ý nghĩa và giá trị của Olympic Tokyo giờ đang bị nghi ngờ".
Ông Takahashi, người được cho là có vai trò chính trong việc lựa chọn nhà tài trợ sự kiện, đã bị truy tố lần vào tháng trước, cùng với cựu giám đốc điều hành cấp cao của tập đoàn Dentsu, đơn vị quảng cáo lớn nhất Nhật Bản. Ông Takahashi bị tình nghi nhận hối lộ 198 triệu yên (1,44 triệu USD) từ tổng cộng 5 công ty khi làm việc trong ủy ban Olympic Tokyo 2020. Tuy nhiên, ông đã phủ nhận các cáo buộc.
Tổng cộng 15 người đã bị truy tố trong vụ bê bối, bao gồm cựu chủ tịch của một nhà sản xuất búp bê có trụ sở tại Tokyo, nơi sản xuất các linh vật Olympic và Paralympic, cùng các giám đốc điều hành trước đây và hiện tại của Tập đoàn Aoki - nhà bán lẻ trang phục cung cấp đồng phục cho đội Nhật Bản.
Trong một diễn biến khác, cảnh sát đã đột kích vào trụ sở của Dentsu vào cuối tháng trước để điều tra bê bối hối lộ. Dentsu bị cáo buộc gian lận trong cuộc đấu thầu giành quyền tham gia thế vận hội.
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Yoshiro Mori, người từng phục vụ trong thời gian từ năm 2000-2001, đã tình nguyện tham gia cuộc điều tra vào tháng 9 trong bối cảnh có tin đồn cho rằng Tập đoàn Aoki đã đưa tiền hối lộ cho ông. Tuy nhiên, các điều tra viên cho biết ông Mori trả lời thẩm vấn trên danh nghĩa nhân chứng chứ không phải một nghi phạm của vụ bê bối.
Liên quan tới các cáo buộc này, cả tập đoàn Dentsu và Aoki đều cam kết hợp tác điều tra.
Minh Hạnh (Theo Guardian)