Theo The Straits Times, chỉ 48 tiếng sau khi đến Singapore để bắt đầu năm học đầu tiên chương trình thạc sĩ hóa học tại một trường đại học địa phương, Albert (tên nhân vật đã được thay đổi, quốc tịch Trung Quốc) đã nhận được một cuộc điện thoại từ những người tự xưng là cán bộ của bộ Y tế.
Việc đó khiến nam thanh niên 24 tuổi không khỏi hoảng sợ. Anh được đầu dây bên kia thông báo rằng có liên quan đến các hoạt động rửa tiền. Cuộc gọi sau đó được chuyển đến những kẻ lừa đảo tự xưng là cảnh sát ở Trung Quốc.
Kẻ lừa đảo đã gửi cho Albert các tài liệu chính thức, thậm chí còn thực hiện các cuộc gọi video để thuyết phục anh chuyển 70.000 SGD (khoảng 1,17 tỷ đồng) cho mình. Được biết, đây là số tiền do bố mẹ Albert chu cấp, dùng để trang trải chi phí sinh hoạt ở Singapore.
Đối tượng lừa đảo giải thích rằng thông tin cá nhân của nam thanh niên đã được sử dụng để mở một tài khoản ngân hàng ở Trung Quốc và tài khoản này liên quan đến các hoạt động rửa tiền. Số tiền mà Albert chuyển là cần thiết cho “mục đích điều tra”.
Ngày 7/9, chia sẻ với truyền thông về vụ đảo bắt đầu vào cuối tháng 7, Albert nói: “Tôi cảm thấy sợ hãi. Họ nói nếu tôi không tuân thủ thì họ sẽ đến Singapore để bắt tôi. Tôi cứ nghĩ nếu đó là sự thật thì sao? Điều gì sẽ xảy ra nếu họ thực sự có thể làm điều đó?”.
Nam thanh niên cho biết thêm những kẻ lừa đảo rất cứng rắn và tỏ ra có thẩm quyền. “Cảm giác như thật. Họ gửi ảnh phù hiệu cảnh sát cho tôi và khi tôi nhìn thấy họ qua các cuộc gọi video, họ đang mặc đồng phục cảnh sát", anh kể.
Nam thanh niên bị lừa chuyển khoảng 3,36 tỷ đồng cho những kẻ lừa đảo. Ảnh minh họa: Chong Jun Liang
Sau khi Albert đã chuyển 70.000 SGD theo yêu cầu, những kẻ lừa đảo tiếp tục thuyết phục nam thanh niên rằng họ cần thêm tiền để bảo lãnh cho anh nếu anh bị bắt. Nam thanh niên cho hay: “Lúc đó tôi nhờ cha mẹ gửi 130.000 SGD (khoảng 2,18 tỷ đồng). Bố mẹ không hỏi gì vì tôi là con trai duy nhất và họ tin tưởng tôi”.
Cứ như vậy, anh đã chuyển cho những kẻ lừa đảo tổng cộng 200.000 SGD (khoảng 3,36 tỷ đồng) – phần lớn tiền tiết kiệm cả đời của bố mẹ. Theo chia sẻ, bố Albert (54 tuổi) là một nhà tư vấn kinh doanh rong ngành than, còn mẹ anh (53 tuổi) hiện là giám đốc điều hành hành chính trong một trường học. Cả hai đang sống tại một thành phố ở Tây Bắc Trung Quốc.
Trong suốt tháng 8, Albert thường xuyên nói chuyện với những kẻ lừa đảo. Nhóm lừa đảo gọi cho anh mỗi ngày và cảnh báo anh không được kể về họ với người khác. Vào cuối tháng 8, kẻ lừa đảo thậm chí còn thuyết phục nam thanh niên gửi một đoạn video của mình để hỗ trợ cho việc điều tra.
Trên thực tế, đoạn video đó đã được gửi cho bố mẹ của Albert nhằm mục đích tống tiền. “Họ nói với bố mẹ tôi rằng tôi đã bị bắt cóc và đòi tiền chuộc. Họ sử dụng đoạn video tôi gửi để làm bằng chứng chứng minh rằng họ đang giữ tôi”, thanh niên 24 tuổi nhớ lại.
Anh cho biết thêm: “Tôi chỉ nhận ra mọi thứ là dối trá khi cảnh sát Singapore tìm thấy tôi và nói rằng tôi đã bị lừa. Sau đó, tôi đã gọi cho mẹ và bà an tâm rằng tôi đã an toàn. Tuy nhiên, tất cả số tiền đã biến mất”.
Theo Albert, anh không bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo, chứ đừng nói đến vụ lừa đảo liên quan tới bố mẹ và tiền của họ. Tuy bố mẹ tha thứ cho anh nhưng mối quan hệ giữa họ đã trở nên tồi tệ.
“Tôi cảm thấy tội lỗi về mọi chuyện. Điều hối tiếc lớn nhất của tôi là không nói với bố mẹ về những chuyện đã xảy ra ngay từ đầu. Họ sẽ cảnh báo tôi rằng đó là một trò lừa đảo, thế nhưng tôi lại chọn cách im lặng”, nam thanh niên tâm sự.
Anh nói tiếp: “Tôi gọi cho bố mẹ mỗi ngày và việc đó không dễ dàng. Giữa chúng tôi có những căng thẳng và tôi không trách họ. Tôi chỉ mong bố mẹ có thể tin tưởng tôi một lần nữa".
The Straits Times thông tin, Albert không phải nạn nhân duy nhất của một vụ lừa đảo mạo danh quan chức Trung Quốc. Trong nửa đầu năm 2022, đã có 287 trường hợp được báo cáo.
Trong khi hầu hết các nạn nhân không muốn chia sẻ công khai việc bị lừa, thanh niên 24 tuổi bày tỏ mong muốn rằng câu chuyện của mình sẽ được biết đến, từ đó cảnh báo mọi người rằng bất cứ ai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân của trò lừa đảo.
Đinh Kim (Theo The Straits Times)