Đóng

Nhân chứng vụ lật tàu ở Vịnh Hạ Long: "Bốn người ôm chiếc ghế gỗ...động viên nhau cố gắng"

  • Như Quỳnh (T/h)
(DS&PL) -

Nguyễn Hồng Quân, người may mắn sống sót sau vụ lật tàu trên Vịnh Hạ Long, chia sẻ về hành trình đầy ám ảnh kéo dài ba giờ lênh đênh giữa biển.

Đúng 0h ngày 20/7, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh quyết định lật tàu để tìm kiếm người bị nạn và tìm thấy thêm 2 thi thể đang kẹt trong tàu.

Sau hơn 13 giờ đồng hồ với sự nỗ lực của hàng ngàn người và hàng trăm phương tiện thuộc các lực lượng, đến 5h30 ngày 20/7, các lực lượng chức năng đã thu thập các vật dụng còn lại của các nạn nhân để phục vụ xác minh danh tính.

Tổng số nạn nhân được tìm thấy và cứu hộ đến hiện tại là 46 người, trong đó 10 người còn sống. Công tác tìm kiếm những người mất tích vẫn tiếp tục được triển khai trên diện rộng.

3 giờ lênh đênh trên biển

Chia sẻ trên báo Pháp luật TP.HCM, sau khi được đưa vào bờ, anh Nguyễn Hồng Quân (40 tuổi, quê phường Trường Vinh, Nghệ An), người sống sót trong vụ lật tàu trên vịnh Hạ Long, chưa hết hoảng sợ.

Anh Nguyễn Hồng Quân người sống sót trong vụ lật tàu trên vịnh Hạ Long. Ảnh: PLO.

"Tôi đang rất mệt, đang nghỉ ngơi cho hồi sức", anh Quân nói.

Theo anh Quân, ngày 19/7, sau khi hoàn thành công việc được công ty giao ở Quảng Ninh, anh đã theo tàu Vịnh Xanh 58 (QN 7105) tham quan Vịnh Hạ Long theo tuyến số 2. Tàu xuất bến từ Cảng tàu khách Quốc tế Hạ Long.

"Thời tiết đang đẹp thì giông, lốc đến rất bất ngờ, trong khoảng thời gian 10 đến 15 phút mưa một chút thì có lốc, tàu lật luôn. Lúc đó, tôi đang đứng ở phía trên boong tàu. Hầu hết hành khách và mọi người trên tàu không kịp mặc áo phao", anh Quân nhớ lại.

Khi được hỏi về việc tàu có thông báo, yêu cầu hành khách mặc áo phao không, anh Quân nói: "Không kịp, thuyền trưởng còn không kịp mặc. Vì thời tiết chuyển xấu quá nhanh".

Anh Quân nhớ lại lúc rơi xuống biển, anh đã tìm cách bơi ra khỏi boong tàu rồi cùng một số người bám được vào chiếc ghế gỗ và bơi lênh đênh trên biển.

"Bốn người ôm chiếc ghế gỗ, nghĩ cách bơi vào bờ, nhưng một người đàn ông kiệt sức không trụ được đã buông tay. Ba người chúng tôi bơi 3 giờ đồng hồ cũng không vào được bờ. Tôi động viên mọi người cố gắng lên, cố gắng bơi để được sống. Sau đó, chúng tôi bơi lại khu vực luồng tàu hay đi qua rồi may mắn gặp một tàu cá, được ngư dân cứu vớt và đưa vào bờ", anh Quân kể lại.

Được biết, cùng bơi với anh Quân có anh Mai Quân Hải (quê Bắc Ninh) và anh Nguyễn Anh Tú (quê Quảng Ninh). Đoàn của anh Hải đi trên tàu gồm 13 người lớn và một trẻ em.

Nỗ lực tìm kiếm nạn nhân

Cũng trong tối 19/7, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, các lực lượng chức năng đang khẩn trương triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn sau vụ lật tàu du lịch xảy ra vào chiều cùng ngày trên vùng biển Vịnh Hạ Long.

Lực lượng chức năng vẫn đang tích cực tìm kiếm các nạn nhâ

Theo thông tin ban đầu, tàu du lịch Vịnh Xanh 58, số đăng ký QN-7105, xuất phát từ Cảng tàu khách Quốc tế Hạ Long để tham quan theo Tuyến số 2.

Trên tàu có 53 người, bao gồm 48 hành khách (41 người lớn, 7 trẻ em – tất cả đều là người Việt Nam) và 5 thuyền viên. Khi tàu đang trên hành trình quay trở lại cảng, đến khu vực giữa Hòn Gà Chọi và Hòn Cô Đơn, bất ngờ gặp giông lốc mạnh khiến tàu bị lật úp.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Công an tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Cảnh sát giao thông cùng các đơn vị chức năng nhanh chóng có mặt tại hiện trường để tổ chức cứu nạn, cứu hộ và tìm kiếm các nạn nhân.

Chủ phương tiện và cũng là thuyền trưởng tàu Vịnh Xanh 58 được xác định là ông Đ.V.T., thường trú tại phường Hà An, Quảng Ninh.

Trao đổi trên Vietnamnet, ông Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh đã huy động tối đa lực lượng, gồm bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư và các tàu chuyên dụng để phục vụ công tác cứu nạn.

“Hiện nay mực nước đang xuống thấp, thuận lợi cho việc tiếp cận khu vực tàu bị nạn. Tuy nhiên, quá trình trục vớt tàu cần được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn cho lực lượng tham gia,” ông Công nói.

UBND tỉnh Quảng Ninh cũng thành lập sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn gồm: Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Biên phòng, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, UBND tỉnh Quảng Ninh tại trụ sở Hải đội Biên phòng 2 - Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để tiếp tục chỉ huy, điều hành tổ chức tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo các lực lượng tìm kiếm cứu nạn triển khai các biện pháp tìm kiếm người mất tích trên biển còn lại; tập trung điều tra làm rõ nguyên nhân vụ lật tàu; khắc phục sự cố, động viên thân nhân bị nạn theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, nhiều phương án cứu hộ đang được triển khai song song, trong đó có việc huy động thợ lặn chuyên nghiệp để kiểm tra bên trong thân tàu, vì khu vực nghi ngờ vẫn còn người mắc kẹt.

Tính đến thời điểm hiện tại, lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực từng giờ từng phút, với quyết tâm cao nhất nhằm tìm kiếm những người mất tích còn lại. Công tác cứu hộ vẫn được duy trì ở mức độ khẩn cấp, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan.

Tin nổi bật