Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhận biết các loại biển báo dành cho người đi bộ

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Người đi bộ và các tài xế cần lưu ý 7 loại biển báo dưới đây để tránh vi phạm quy định về an toàn giao thông.

Biển báo R.305 “Đường dành cho người đi bộ”

Biển báo R.305 “Đường dành cho người đi bộ” sẽ có dạng hình tròn, nền màu xanh với hình vẽ người đi bộ màu trắng ở giữa. Biển báo này được bố trí trên đường nhằm báo đường dành cho người đi bộ.

Các loại xe cơ giới, thô sơ (trừ xe đạp và xe lăn dành cho người tàn tật), kể cả xe được ưu tiên cũng không được phép đi vào đường đã đặt biển báo R.305, trừ trường hợp đi cắt ngang qua nhưng cần phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người đi bộ.

Biển báo R.305 “Đường dành cho người đi bộ”

Đây là biển báo thuộc nhóm biển báo hiệu lệnh, có giá trị hiệu lực trên những làn đường đặt biển báo này. Nếu cố tình đi vào đoạn đường có đặt biển đường dành cho người đi bộ, phương tiện sẽ bị phạt về lỗi không chấp hành chỉ dẫn của biển báo giao thông.

Cụ thể, theo điểm a khoản 1 và điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, ô tô sẽ bị phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng và tước Giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.

Đối với xe máy, theo quy định tại điểm a khoản 1 và điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, sẽ bị phạt 100.000 - 200.000 đồng và tước Giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.

Biển báo P.112 “Cấm người đi bộ”

Theo như Quy chuẩn QCVN 41:2019, biển báo cấm người đi bộ sẽ có dạng hình tròn với viền màu đỏ và nền màu trắng. Trên nền biển báo P.112 có in hình vẽ một người đang đi bộ màu đen với một gạch chéo màu đỏ từ phía bên trái sang phải theo chiều từ trên xuống. 

Ý nghĩa của biển báo P.112 là báo hiệu đoạn đường phía trước cấm người đi bộ qua lại. Theo Quy chuẩn QCVN 41:2019, biển báo cấm người đi bộ có giá trị ở trên tất cả các làn đường hoặc chỉ có giá trị trên một hoặc một số làn đường theo như biển báo trên đường.

Biển báo P.112 “Cấm người đi bộ”

Biển báo P.112 được đặt ở nơi đường giao nhau hoặc trước một vị trí trên đường cần cấm. Biển này không cần biển báo hết cấm.

Nếu như thấy biển cấm người đi bộ mà vẫn cố tình đi vào thì người đi bộ sẽ bị phạt 60.000 - 100.000 đồng, theo như quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Biển báo W.224 “Đường người đi bộ cắt ngang”

Biển báo W.224 “Đường người đi bộ cắt ngang” có hình tam giác với nền màu vàng, viền đỏ, hình vẽ người đi bộ màu đen ở giữa. Loại biển báo này được đặt nhằm báo trước sắp đến phần đường dành cho người đi bộ sang qua đường.

Khi gặp biển báo này, các phương tiện cần phải giảm tốc độ, nhường ưu tiên cho người đi bộ và chỉ được phép chạy khi không gây nguy hiểm cho người đi bộ.

Biển báo W.224 “Đường người đi bộ cắt ngang”

Lưu ý, ở nơi đường giao nhau, trong nội thành, nội thị nơi người qua lại, phần đường dành cho người đi bộ cắt ngang phải được sơn kẻ vạch đường dành cho người đi bộ.

Biển báo I.423 (a,b) “Vị trí người đi bộ sang ngang”

Biển báo I.423 (a,b) “Vị trí người đi bộ sang ngang” có dạng hình vuông, với nền màu xanh, ở giữa biển có hình tam giác màu trắng cùng hình vẽ người đi bộ màu đen. Biển này được sử dụng để chỉ dẫn người đi bộ, cũng như người tham gia giao thông biết vị trí dành cho người đi bộ sang ngang.

Biển báo I.423 (a,b) được dùng độc lập ở những vị trí sang ngang, đường không có tổ chức điều khiển giao thông hoặc có thể dùng phối hợp với vạch kẻ đường.

Biển báo I.423 (a,b) “Vị trí người đi bộ sang ngang”

Khi gặp biển báo này, người tham gia giao thông cần phải điều khiển xe chạy chậm, chú ý quan sát và ưu tiên cho người đi bộ sang ngang. Chiều người đi bộ trên biển phải hướng vào đường.

Biển báo I.423c “Điểm bắt đầu đường đi bộ”

Loại biển báo này có hình chữ nhật, nền màu xanh, ở giữa biển có hình vuông màu trắng cùng hình vẽ hai người đi bộ màu đen.

Biển báo I.423c “Điểm bắt đầu đường đi bộ”

Biển báo I.423c được sử dụng để chỉ dẫn cho người đi bộ và người lái xe biết nơi bắt đầu đoạn đường dành cho người đi bộ. Một điều cần lưu ý là biển báo I.423c không sử dụng cho các vị trí đi bộ cắt ngang qua đường.

Biển báo I.424 (a,b) “Cầu vượt qua đường cho người đi bộ”

Biển báo I.424 (a,b) “Cầu vượt qua đường cho người đi bộ” sẽ có dạng hình vuông, nền màu xanh, hình vẽ người đi lên bậc thang ở giữa. Loại biển này được bố trí trên đường nhằm chỉ dẫn cho người đi bộ sử dụng cầu vượt qua đường.

Tùy theo hướng thực tế của người đi bộ qua đường mà dùng biển báo I.424a hoặc biển báo I.424b cho phù hợp.

Biển báo I.424 (a,b) “Cầu vượt qua đường cho người đi bộ”

Biển báo I.424 (c,d) “Hầm chui qua đường cho người đi bộ”

Loại biển báo này có dạng hình vuông, nền màu xanh, với hình vẽ người đi xuống bậc thang ở giữa. Biển được dùng để chỉ dẫn cho người đi bộ sử dụng hầm chui qua đường.

Tùy theo hướng thực tế của người đi bộ qua hầm mà sử dụng biển báo I.424c hoặc biển báo I.424d cho phù hợp.

Biển báo I.424 (c,d) “Hầm chui qua đường cho người đi bộ”

Tin nổi bật