Reuters đưa tin ngày 23/12 (giờ địa phương), nhà ngoại giao cấp cao của Nga cho biết các cuộc đàm phán về đảm bảo an ninh cho Nga không thể diễn ra trong khi các huấn luyện viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và lính đánh thuê vẫn ở Ukraine, trong khi việc cung cấp vũ khí của phương Tây cho quốc gia này vẫn tiếp tục.
Binh lính đứng gác gần nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye ở Ukraine, vào ngày 4/8. Ảnh: Reuters.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn nhà nước Nga TASS, Alexander Darchiev, người đứng đầu bộ phận Bắc Mỹ của Bộ Ngoại giao Nga, cho biết: "Còn quá sớm để tổ chức các cuộc đàm phán về việc đảm bảo an ninh liên quan đến Ukraine và khu vực châu Âu - Đại Tây Dương, cho đến khi việc bơm vũ khí và tài chính cho chính quyền (Tổng thống Ukraine) Zelensky dừng lại, quân đội/lính đánh thuê/huấn luyện viên của Mỹ và NATO được rút (khỏi Ukraine), và những thực tế do chúng tôi (Nga) xác định trên thực địa được công nhận".
Các quan chức Nga ngày càng nhấn mạnh sự cởi mở của họ đối với các cuộc đàm phán về Ukraine trong những tuần gần đây, ngay cả khi họ không tin rằng Tổng thống Zelensky quan tâm đến một giải pháp hòa bình.
Mỹ đã gửi khoảng 50 tỷ USD viện trợ cho Kiev khi chiến dịch quân sự của lực lượng Nga kéo dài, giết chết hàng chục nghìn người, khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa và biến các thành phố ở Ukraine trở thành đống đổ nát.
Tổng thống Ukraine đã nhiều lần kêu gọi phương Tây cung cấp vũ khí tiên tiến hơn, từ xe tăng chiến đấu hiện đại đến hệ thống phòng thủ tên lửa nhưng các đồng minh phương Tây tỏ ra thận trọng, mong muốn giảm thiểu mọi nguy cơ kích động xung đột rộng hơn với Nga.
Trong chuyến thăm Mỹ gần đây của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đảm bảo với nhà lãnh đạo Ukraine rằng Washington sẽ sát cánh cùng Kiev "lâu nhất có thể". Mỹ cũng công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá gần 2 tỷ USD cho Ukraine, trong đó lần đầu tiên có hệ thống tên lửa phòng không Patriot.
Bích Thảo (Theo Reuters)