Đóng

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Bửu Triều, người đặt nền móng ngoại khoa Việt Nam qua đời

  • Mộc Trà
(DS&PL) -

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Bửu Triều, tượng đài ngoại khoa Việt Nam, qua đời ở tuổi 102, khép lại một thế hệ vàng của y học nước nhà.

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Bửu Triều, người cuối cùng còn lại trong thế hệ tiên phong của ngành ngoại khoa Việt Nam qua đời vào lúc 22h52 ngày 16/7 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ông hưởng thọ 102 tuổi.

Sự ra đi của ông không chỉ để lại nỗi tiếc thương vô hạn trong lòng gia đình, học trò và đồng nghiệp, mà còn khép lại một chương sử huy hoàng trong lịch sử y học hiện đại Việt Nam. Suốt hơn tám thập kỷ sống và cống hiến, Giáo sư Triều là hiện thân của khí chất bác học, y đức và tinh thần phụng sự bất khuất.

Sinh năm 1923 tại Huế, trong một gia đình hoàng tộc có truyền thống nho học, GS Nguyễn Bửu Triều sớm bộc lộ thiên hướng đặc biệt với nghề y. Năm 1939, ông ra Hà Nội theo học Trường Đại học Y Dược Đông Dương và trở thành sinh viên nội trú tại Bệnh viện Bảo hộ, tiền thân của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sau này.

Chính tại nơi đây, ông được học tập trực tiếp từ những tên tuổi huyền thoại của ngoại khoa Việt Nam như Giáo sư Hồ Đắc Di, Giáo sư Tôn Thất Tùng. Tư tưởng "chữa bệnh cứu người" đã bén rễ và trở thành kim chỉ nam xuyên suốt cuộc đời ông.

Khi toàn quốc kháng chiến nổ ra, ông rời giảng đường, khoác áo lính, lên chiến khu làm Đội trưởng Đội điều trị III, tiền thân của Bệnh viện Quân y 103. Giữa rừng sâu Chiêm Hóa, bác sĩ trẻ Nguyễn Bửu Triều cùng đồng đội chiến đấu với tử thần, giành giật sự sống cho hàng nghìn thương binh trong điều kiện thiếu thốn trầm trọng về vật tư y tế.

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Bửu Triều qua đời

Người "khai sơn phá thạch" ngành tiết niệu, ngoại khoa hiện đại

Sau năm 1956, ông về công tác tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Trường Đại học Y Hà Nội. Từ đây, sự nghiệp khoa học và đào tạo của ông bước sang giai đoạn rực rỡ nhất. Ông là người đặt nền móng cho ngành tiết niệu – nam học Việt Nam, tiên phong đưa kỹ thuật nội soi tuyến tiền liệt vào ứng dụng, trực tiếp cứu sống hàng chục nghìn người bệnh trên cả nước.

Là bác sĩ, ông luôn tâm niệm "bệnh nhân là trung tâm". Là thầy giáo, ông luôn nhấn mạnh: "Y là nghề nhân văn, cần học mãi, đọc mãi, sống mãi với đạo làm người". Với hàng nghìn sinh viên y khoa từng học dưới sự dìu dắt của ông, những lời dạy ấy không chỉ là triết lý nghề nghiệp, mà còn là bài học làm người.

Ông từng đảm nhiệm nhiều vị trí trọng trách: Chủ nhiệm Khoa Tiết niệu, Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại, Phó Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam, Chủ tịch Hội Tiết niệu – Thận học Việt Nam... nhưng chưa từng xa rời bệnh viện hay giảng đường. Những công trình nghiên cứu của ông về phẫu thuật sỏi tiết niệu, dị tật hệ sinh dục nam vẫn là tài liệu căn bản trong thực hành lâm sàng cho đến ngày nay.

Không chỉ nổi tiếng trong nước, Giáo sư Triều còn là đại diện tiêu biểu của y học Việt Nam trên trường quốc tế. Những năm công tác tại Guinea (Châu Phi), ông đã thực hiện nhiều ca mổ kỳ tích, cứu sống người dân trong điều kiện y tế vô cùng khó khăn. Tình cảm ông để lại sâu sắc đến mức người dân Guinea đặt tên một con đường là “Đường Bửu Triều”, minh chứng sống động cho sự kính trọng vượt biên giới.

Trong đời thường, ông sống giản dị, mực thước, nặng nghĩa tình. Với đồng nghiệp, ông là người thầy, người anh lớn giàu lòng trắc ẩn. Với học trò, ông là tấm gương sáng về nhân cách, trí tuệ và lối sống liêm chính. Với gia đình, ông là người chồng, người cha, người ông hiền hậu, ân cần, đạo đức vẹn toàn.

Những cống hiến trọn đời của ông đã được ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, cùng hàng chục bằng khen, kỷ niệm chương từ trong nước và quốc tế.

Sự ra đi của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Bửu Triều là mất mát không gì bù đắp được với nền y học Việt Nam. Nhưng di sản ông để lại, từ những kỹ thuật y khoa hiện đại, hàng ngàn học trò giỏi, đến nhân cách sống mẫu mực, sẽ còn sống mãi.

Tin nổi bật