Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nguyên nhân đằng sau việc Ukraine liên tục mất loạt tiêm kích quý giá

  • Phương Uyên (T/H)
(DS&PL) -

Lỗ hổng phòng không được cho là nguyên nhân chính dẫn đến việc Nga liên tục phá hủy thành công 5 tiêm kích quan trọng của quân đội Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga mới đây tuyên bố quân đội nước này đã phá hủy thành công 5 máy bay chiến đấu Su-27 của Ukraine và làm hư hại thêm 2 phi cơ khác khi tấn công vào căn cứ Myrhorod ở vùng Poltava của Ukraine bằng tên lửa Iskander-M.

Vụ tấn công diễn ra vào lúc trời vẫn còn sáng ở cơ sở quân sự cách biên giới 2 nước 160km. Quả tên lửa Iskander có đầu đạn chùm lao xuống căn cứ, phá hủy những khí tài uy lực của Ukraine. Đây là một tin không vui cho Ukraine khi họ đang cần phi cơ để ngăn Nga chiếm ưu thế tuyệt đối trên không, yếu tố có thể xoay chuyển cục diện cuộc chiến. 

Ngoài ra, nó cũng mang tới thách thức khổng lồ cho Ukraine khi họ sắp nhận tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất từ các nước NATO. Forbes cho rằng, việc thiếu hệ thống phòng không đang tạo ra lỗ hổng lớn trong nỗ lực bảo vệ mục tiêu quân sự quan trọng của Ukraine.

Lỗ hổng phòng không khiến Ukraine mất loạt tiêm kích quý giá. Ảnh: Getty Images

Trước khi xung đột với Nga nổ ra, quân đội Ukraine sở hữu khoảng 400 hệ thống tên lửa phòng không các loại. Họ đã mất ít nhất 140 hệ thống trong hơn hai năm giao tranh và tiếp nhận khoảng 100 tổ hợp thay thế. Về lý thuyết, Ukraine chỉ mất 10% lực lượng phòng không so với trước xung đột, nhưng lưới phòng thủ này đang bị kéo giãn hơn rất nhiều.

Nga giờ đây không chỉ tập kích căn cứ quân sự mà còn nhắm tới cơ sở hạ tầng năng lượng, công nghiệp và giao thông tại các thành phố lớn. Quân đội Nga thời gian qua cũng liên tục tập kích những hệ thống phòng không tầm xa S-300PS, cùng loạt tổ hợp tên lửa hiện đại của phương Tây được Ukraine triển khai gần tiền tuyến như Patriot, IRIS-T và NASAMS. Điều đó buộc quân đội Ukraine rút những tổ hợp phòng không hiện đại nhất về quanh các đô thị trọng yếu, trong đó có thủ đô Kiev.

"Có vẻ quân đội Ukraine đã đánh đổi khả năng phòng thủ những căn cứ không quân chủ chốt để tăng cường bảo vệ các thành phố lớn. Điều này dẫn đến việc UAV Nga có thể quần thảo trên sân bay Mirgorod và Poltava trong suốt nhiều giờ, đến mức nhiều binh sĩ Ukraine có thể thấy rõ, nhưng không ai bắn hạ được chúng", cây bút David Axe viết trên Forbes.

Nga cũng gặp vấn đề tương tự, khi thường xuyên hứng chịu những cuộc tập kích bằng UAV tầm xa và tên lửa của Ukraine. Tuy nhiên, Moskva có nhiều căn cứ và phi cơ hơn Kiev, cho phép họ áp dụng hàng loạt biện pháp đối phó và nhanh chóng bù đắp tổn thất.

Lỗ hổng phòng không nghiêm trọng buộc quân đội Ukraine áp dụng những giải pháp tình thế nhằm đối phó. Một trong số đó là bố trí các tổ hỏa lực mang súng máy và tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) để ngăn UAV đối phương trinh sát và chỉ điểm mục tiêu. Dù vậy, phương án này dường như không phát huy hiệu quả, do UAV Nga hoạt động ở độ cao 5 km trên vùng trời tỉnh Poltava, ngoài tầm bắn của súng máy và MANPADS.

Trong khi đó, Mỹ đang chuẩn bị gói viện trợ quân sự 2,3 tỷ USD cho Ukraine, trong đó bổ sung tên lửa cho hệ thống Patriot và NASAMS, nhưng nhiều khả năng chúng sẽ được sử dụng để tăng cường bảo vệ các thành phố lớn, thay vì sân bay quân sự. "Cần bảo đảm có lưới phòng không ở các khu vực bạn đang đầu tư", Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nói.

Tin nổi bật