Ông Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) bị khởi tố về hành vi Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Trao đổi trên báo Tuổi trẻ, đại tá Lương Tấn Dĩnh - trưởng Phòng Tham mưu Công an tỉnh Phú Yên ngày 28/8 xác nhận, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã khởi tố bị can ông Phạm Thanh Bình - nguyên chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) về hành vi "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo ông Dĩnh, quyết định khởi tố đã được Viện KSND tỉnh phê chuẩn.
Theo Công an Phú Yên, trước đó tháng 9/2016, Cơ quan An ninh điều tra công an tỉnh này cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Võ Tân - giám đốc Công ty CP Công nghiệp nông thủy sản Phú Yên và Dương Sơn Hoan - kế toán trưởng công ty này về hành vi cố ý làm trái.
Hai người này bị cáo buộc liên quan việc đóng tàu vận tải 4.100 tấn vào năm 2007 nhưng chỉ hoàn thành khoảng 80% rồi bỏ mặc, sau đó phải bán phế liệu, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế.
Theo điều tra ban đầu được đăng tải trên báo An ninh Thủ đô, năm 2007, ông Tân xin chủ trương đầu tư xây dựng đội tàu gồm 4 chiếc.
Tháng 10/2007, Vinashin cho phép Công ty CP công nghiệp nông thủy sản Phú Yên lập dự án đầu tư đóng mới 2 tàu tải trọng 4.000 tấn với tổng mức đầu tư 150 tỉ đồng, và chỉ định đơn vị tư vấn là Công ty CP Vinashin.
Mặc dù chỉ mới được cho phép lập dự án nhưng ngay sau đó, ông Võ Tân đã lập tờ trình gửi Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vinashin Phạm Thanh Bình, xin khởi công đóng 2 tàu.
Ông Phạm Thanh Bình đã đồng ý cho triển khai khi dự án này chưa thực hiện xong khâu chuẩn bị đầu tư, hậu quả gây thiệt hại nhiều 5 tỷ đồng.
Ông Phạm Thanh Bình đang phải thi hành bản án 20 năm tù giam, sau phiên xét xử hồi cuối tháng 3/2012 do TAND TP. Hải Phòng mở cũng về tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin).
Điều 165. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009): 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm: a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác; b) Có tổ chức; c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác. 3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)