Ngày 19/4, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận trường hợp bé trai mới 16 tháng tuổi (Yên Thành, Nghệ An) hóc dị vật là 2 mảnh xương cá mắc vào vị trí đường thở khá hi hữu.
Theo lời kể của gia đình, cách đó 4 ngày sau khi trẻ ăn cá thì có nôn ra dịch đờm lẫn máu, sau đó xuất hiện khò khè, khàn tiếng. Gia đình đã cho trẻ đi khám ở phòng khám tư nhân nhưng không thấy có dấu hiệu đỡ nên đã nhập viện để khám và điều trị.
Ngay khi nhập viện, bệnh nhi đã được thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng đã phát hiện dị vật nằm ở đường thở của trẻ. Ekip bác sĩ khoa Tai Mũi Họng đã nhanh chóng tiến hành nội soi gắp dị vật là 2 mảnh xương cá mắc vào vị trí hạ thanh môn của trẻ.
Sau khi xử trí, hiện sức khỏe của trẻ đã ổn định tục được theo dõi toàn tại khoa.
Dị vật xương cá được các bác sĩ gắp ra từ đường thở của trẻ. Ảnh: BVCC.
Hóc dị vật là một tai nạn cực kỳ nguy hiểm và thường xảy ra ở trẻ, nhất là trong quá trình ăn uống. Thông thường, khi trẻ hóc dị vật, vật thể lạ có xu hướng mắc kẹt ở thực quản. Tuy nhiên, trong trường hợp này, một chiếc xương cá nhỏ đã đi lạc vào đường thở của bé, nếu không xử trí kịp thời sẽ dẫn đến những nguy cơ như: Tử vong nếu dị vật bít tắc đường thở; gây viêm phù nề làm cho trẻ khó thở tăng dần; một số dị vật sắc nhọn (như trường hợp này) có thể gây thủng khí quản,...
Theo ThS.BS Hà Thanh Bình, Khoa Tai Mũi Họng, khi phát hiện trẻ có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ hóc dị vật nào, dù là nhỏ nhất, gia đình cần giữ bình tĩnh và đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức để được các bác sĩ chuyên khoa can thiệp kịp thời. Việc tự ý cố gắng lấy dị vật ra tại nhà có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng hơn cho đường thở của trẻ.
Qua đó khi chăm sóc trẻ, các bậc phụ huynh cần lưu ý:
Tuyệt đối không cho trẻ, dặc biệt dưới 3 tuổi ăn cá còn xương dù là nhỏ nhất: Hệ hô hấp và khả năng nhai nuốt của trẻ ở độ tuổi này còn rất non nớt. Một mẩu xương nhỏ cũng có thể dễ dàng lọt vào đường thở, gây tắc nghẽn nghiêm trọng.
Kiểm tra kỹ lưỡng từng thớ thịt cá trước khi cho trẻ lớn hơn ăn: Đảm bảo không còn sót lại bất kỳ chiếc xương nào, dù là xương dăm nhỏ nhất. Tốt nhất nên chế biến các món cá không xương cho trẻ.
Tạo môi trường ăn uống an toàn: Không để trẻ vừa ăn vừa chơi đùa, khóc lóc, hoặc bị phân tâm bởi các thiết bị điện tử. Hãy đảm bảo trẻ tập trung vào việc ăn.
Quan sát trẻ trong suốt bữa ăn: Để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường như ho sặc dữ dội, khó thở, thở rít, tím tái.
Trang bị kiến thức sơ cứu hóc dị vật cho trẻ: Bố mẹ cần tìm hiểu và trang bị cho bản thân kỹ năng thực hiện các biện pháp sơ cứu ban đầu như vỗ lưng, ấn bụng (Heimlich) để có thể ứng phó kịp thời trong tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, sơ cứu chỉ là biện pháp tạm thời, việc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời điều trị là vô cùng quan trọng.