Lợi ích của nước dừa
Nước dừa là một thức uống phổ biến không chỉ giúp làm mát cơ thể mà còn cung cấp năng lượng và dưỡng chất. Theo Đông y, nước dừa có vị ngọt mát, tính bình, tác động vào tỳ, thận và vị, có tác dụng giải nhiệt, tiêu khát, lợi niệu, giải độc, cầm máu và tăng cường khí lực, giúp tươi nhuận nhan sắc.
Nước dừa non, được gọi là “nước khoáng thực vật” bởi chứa nhiều vi khoáng cần thiết cho cơ thể, dễ tiêu hóa và cung cấp đủ vitamin C cho một ngày cùng các vitamin nhóm B như acid folic. Cứ mỗi cốc nước dừa 240ml cung cấp 228g nước, 600mg kali (12% giá trị khuyến nghị hàng ngày), 252mg natri, 57,6mg canxi và 60mg magiê (chiếm khoảng 10% nhu cầu canxi và magiê của cơ thể mỗi ngày).
Nước dừa có vị ngọt mát, tính bình
Nước dừa chứa khoảng 46 calo, 10g đường tự nhiên, ít protein và không có chất béo, vì vậy có thể là lựa chọn thay thế ít calo và ít đường cho các loại nước ngọt đóng chai. Vào mùa hè, khi thời tiết nắng nóng, cơ thể dễ bị mất nước và muối qua mồ hôi, nước dừa là thức uống lý tưởng để bổ sung nước và điện giải tự nhiên, giúp duy trì sức khỏe và cân bằng nước trong cơ thể. Ngoài ra, nước dừa còn giúp hỗ trợ bù nước cho bệnh nhân bị mất nước nghiêm trọng do tiêu chảy hoặc nôn ói.
Công dụng của nước mía
Mía có thành phần hóa học phong phú, mỗi 100g mía chứa 84g nước, 0,2g protein, 0,5g chất béo, 12g đường và nhiều nguyên tố vi lượng như canxi, phốt pho, sắt cùng các vitamin B1, B2, C, D. Mía còn chứa acid hữu cơ và nhiều enzyme có lợi. Đặc biệt, sucrose chiếm từ 70-88% chất rắn hòa tan trong dịch mía, cùng với glucose và fructose.
Nước mía có khả năng giúp làm dịu dạ dày và hỗ trợ hệ tiêu hóa.
Nước mía chiếm 70-75% là nước, 13-15% sucrose và 10-15% chất xơ, cùng các carbohydrate, protein, vitamin A, nhóm B và C, khoáng chất như phốt pho, canxi, kali, kẽm, sắt. Nước mía là nguồn chất chống oxy hóa như flavonoid và polyphenolic, giúp làm dịu dạ dày và hỗ trợ hệ tiêu hóa. Với những người bị hội chứng ruột kích thích hoặc tiêu hóa kém, nước mía là phương thuốc tự nhiên giúp cải thiện tình trạng này.
Kali trong nước mía giúp cân bằng độ pH trong dạ dày, thúc đẩy tiết dịch vị tiêu hóa và kích thích hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả. Nhờ cải thiện tiêu hóa, nước mía còn giúp ngăn ngừa tình trạng tăng cân do hấp thụ dinh dưỡng không đúng cách.
Nước mía hay nước dừa tốt hơn?
Theo VnExpress, Lương y Bùi Đắc Sáng từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết nước mía có chứa đường tự nhiên, giúp cung cấp năng lượng nhanh chóng, giảm mệt mỏi sau vận động hay trong thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, mỗi ly nước mía (240ml) cung cấp khoảng 183 calo và 50g đường, vì vậy nếu uống quá nhiều có thể dẫn đến tăng cân, đặc biệt đối với những người có bệnh nền như tiểu đường, mỡ máu cao hay gout. Mẹ bầu cũng cần hạn chế uống nhiều nước mía vì có thể làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường. Bên cạnh đó, nước mía vỉa hè không đảm bảo vệ sinh, có nguy cơ nhiễm khuẩn từ các dụng cụ và nguyên liệu.
Nước dừa, trái lại, là thức uống giải nhiệt tuyệt vời, bổ sung điện giải và nước cho cơ thể. Một cốc nước dừa (240ml) chỉ cung cấp 46 calo và 10g đường tự nhiên, ít protein và không có chất béo, thích hợp cho những người cần bổ sung nước trong mùa hè hay khi bị mất nước do tiêu chảy, nôn ói, say nắng. Tuy nhiên, nước dừa rất giàu kali, nên uống quá nhiều có thể gây giảm huyết áp, mất cân bằng điện giải và gây vấn đề về thận. Người có bệnh thận hoặc tiểu đường cần thận trọng khi sử dụng nước dừa.