Ngày 11/2, ông Trent Morse, phó giám đốc Văn phòng Nhân sự của Tổng thống Donald Trump, đã gửi email cho Paul Martin, Tổng thanh tra Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), thông báo ông đã bị cách chức "ngay lập tức".
"Thay mặt cho Tổng thống Donald Trump, tôi viết thư này để thông báo với ông rằng vị trí Tổng thanh tra Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ của ông đã bị đình chỉ và có hiệu lực ngay lập tức", ông Trent Morse, Phó Chánh Văn phòng nhân sự của Tổng thống Trump, đã thông báo như vậy với ông Martin.
Quyết định sa thải Martin được Tổng thống Trump đưa ra một ngày sau khi Văn phòng Tổng thanh tra USAID (OIG) công bố báo cáo cảnh báo những nguy cơ liên quan việc chính quyền Trump có kế hoạch tinh giản USAID, như việc thiếu cơ chế giám sát có thể khiến cơ quan này "vô tình tài trợ cho các tổ chức hoặc trả lương cho cá nhân liên quan tới những nhóm bị Mỹ xác định là khủng bố".
Người phát ngôn của Văn phòng Tổng thanh tra USAID xác nhận việc sa thải ông Martin nhưng cho biết không có lý do nào được đưa ra về quyết định sa thải này.
Ông Paul Martin - Tổng thanh tra Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) vừa bị sa thải.
Tổng thanh tra thường là những quan chức giám sát độc lập được chỉ định thực hiện nhiệm vụ phát hiện lãng phí, gian lận và lạm dụng tại các cơ quan chính phủ. Chính quyền của Tổng thống Trump trước đó đã sa thải hơn một chục tổng thanh tra.
Tổng thanh tra của USAID Paul Martin là người mới nhất trong số 20 tổng thanh tra bị Nhà Trắng cách chức. Ông Martin đã thông báo cho nhân viên của mình về việc bị sa thải ngay sau khi ông nhận được thông báo.
Nhà Trắng hiện chưa đưa ra bình luận nào về việc sa thải ông Martin.USAID được Tổng thống John F. Kennedy thành lập vào năm 1961, thời điểm Chiến tranh lạnh đang trong giai đoạn căng thẳng. USAID được xem là một công cụ đắc lực phục vụ chính sách đối ngoại của Mỹ nhằm chống lại sức ảnh hưởng của các đối trọng nước ngoài.
USAID quản lý khoảng 60% hoạt động viện trợ của Mỹ ở nước ngoài và đã giải ngân 43,79 tỷ USD trong năm tài khóa 2023.
Cơ quan này có đội ngũ khoảng 10.000 người và các hoạt động trải dài trên 130 quốc gia, cung cấp viện trợ cho các hạng mục như chăm sóc sức khỏe phụ nữ trong các khu vực xung đột, điều trị HIV/AIDS, cung cấp nguồn nước sạch, an ninh năng lượng và phòng chống tham nhũng. Nguồn vốn của USAID được tài trợ bởi Quốc hội.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Cùng ngày 11/2, Tổng thống Trump cũng ký sắc lệnh hành pháp yêu cầu các cơ quan liên bang phối hợp với DOGE và thực hiện cắt giảm lớn số lượng nhân viên chính phủ. Theo đó, DOGE và các cơ quan liên bang hợp tác để "thu hẹp đáng kể" quy mô chính phủ, hạn chế tuyển dụng viên chức mới.
Ông Musk nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục ngày 11/2 rằng người dân Mỹ đồng tình với nỗ lực "cải cách lớn" trong chính phủ và chính quyền Trump sẽ thực hiện.
Sắc lệnh hành pháp này sẽ không ảnh hưởng đến một số lĩnh vực của chính quyền liên bang, như các cơ quan hành pháp, an ninh quốc gia và thực thi luật nhập cư.