Theo South China Morning Post, cô Tôn (41 tuổi, ở Ninh Ba, Chiết Giang, Trung Quốc) là một người phụ nữ nội trợ truyền thống. Từ khi sinh con gái tới giờ, cô chỉ loanh quanh trong nhà với một loạt công việc không tên.
Mọi chuyện bắt đầu thay đổi vào tháng 9/2020, khi con gái cô Tôn vào học trường cấp 3 nội trú và phải sống xa nhà. Cô Tôn lúc này bắt đầu có biểu hiện nghiện mua sắm. Những món đồ cô mua thường là mỹ phẩm, quần áo, đồ dùng thường ngày trong gia đình.
Có lần không biết phải mua thêm thứ gì, cô liền đặt mua 100 bao gạo cho đỡ chán, mỗi bao có trọng lượng 10kg. Để người thân không biết về những bất thường trong việc mua sắm của mình, người phụ nữ thường cất giấu những món đồ đã mua cùng 100 bao gạo ở 3 căn hộ bỏ trống của gia đình.
Người phụ nữ bị trầm cảm, bắt đầu nghiện mua sắm sau khi con gái đi học xa nhà. Ảnh minh họa
Trong tháng đầu tiên sau khi con gái đi học xa nhà, cô Tôn tiêu 40.000 NDT (khoảng 141 triệu đồng). Số tiền chi tiêu những tháng sau ngày một tăng lên, có tháng tới 700 triệu đồng. Được biết, trước đó, cô Tôn chỉ tiêu 20 triệu đồngmỗi tháng cho việc ăn uống và sinh hoạt phí của gia đình.
Trả lời tờ tin tức địa phương Ningbo Evening News, cô Tôn cho hay: "Tôi biết rõ bản thân gặp vấn đề nghiêm trọng nhưng ngay cả khi ý thức được điều đó, tôi vẫn không thể kiểm soát bản thân và thói quen mua sắm bất thường của mình.
Một khi tôi cảm thấy lo lắng và bất an, tôi liền đi mua sắm hoặc đặt hàng qua mạng. Những khi tôi xem đồ và mua sắm, tôi cảm thấy rất vui vẻ, thoải mái. Tuy nhiên, chỉ một lúc sau, tôi liền cảm thấy vô cùng ân hận và cắn rứt bởi đã mua quá nhiều thứ".
Tính tình của cô Tôn cũng thay đổi nhiều kể từ khi con gái vào học trường nội trú. Cô thường xuyên cáu gắt những chuyện không đâu, chỉ muốn nắm một chỗ và không hoạt động thể chất. Mỗi ngày, cô đều cảm thấy trống rỗng, sau đó là cảm giác lo lắng, bất an và rối loạn rất khó kiểm soát.
Phát hiện ra sự bất thường của cô Tôn, chồng và con gái đã đưa cô đi gặp bác sĩ tâm lý. Qua kiểm tra và trò chuyện, bác sĩ kết luận cô Tôn bị trầm cảm, nghiện mua sắm, sau đó đã kê đơn thuốc, đề nghị người nhà phối hợp điều trị. Bác sĩ cũng yêu cầu cô tôn giảm dần chi tiêu, ghi chép lịch sử mua bán, bên cạnh đó tăng cường thể dục thể thao, giao lưu cùng mọi người xung quanh.
Sau vài tháng điều trị, người phụ nữ đã bỏ đươc chứng nghiện mua sắm, mỗi tháng chỉ tiêu khoảng 20.000 NDT (khoảng 70 triệu đồng). Không chỉ vậy, cô còn đi học bơi và học nhiếp ảnh cùng bạn.
Đinh Kim (T/h)