Ngày 6/1/2021, nước Mỹ và toàn thế giới đã bị chấn động trước ảnh những người biểu tình quá khích ồ ạt xông vào bên trong Điện Capitol - nơi các nghị sĩ lưỡng đảng đang họp mặt để xác nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Cuộc biểu tình bạo loạn không chỉ gây nguy hiểm với những nghị sĩ hàng đầu đất nước khi ấy mà còn gây ra một vết thương chính trị sâu sắc đối với nước Mỹ. Straits Times nhận xét, vết thương chính trị sâu sắc này sẽ còn phải tốn nhiều thời gian mới có thể chữa lành.
Đã một năm trôi qua kể từ "ngày đen tối" trên, người dân Mỹ lại suýt phải đối diện thêm một khoảnh khắc "màn hình chia đôi" khác khi Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump dự kiến cùng phát biểu vào ngày 6/1/2022. Tuy nhiên, theo thông tin mới đây từ Reuters, cựu Tổng thống Trump đã huỷ kế hoạch họp báo vào ngày 6/1. Theo đó, những chủ đề mà ông định phát biểu trong ngày này sẽ được đưa ra trong cuộc mít tinh tại bang Arizona vào ngày 15/1.
Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden và phó Tổng thống Kamala Harris dự kiến sẽ có bài phát biểu bên trong Điện Capitol trong ngày 6/1, nơi chứng kiến cảnh tượng hỗn loạn năm 2021 giữa những người ủng hộ ông Donald Trump và lực lượng cảnh sát.
Là một chính trị gia kỳ cựu, ngay trong năm đầu tiên nhiệm kỳ tổng thống, ông Joe Biden đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về những mối đe doạ "hiện hữu" đối với nền dân chủ của nước Mỹ. Theo đó, bài phát biểu trong ngày 6/1 của ông được cho là sẽ tiếp tục tập trung vào vấn đề này. Đồng minh lớn nhất của ông tại Quốc hội, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nhận xét đây sẽ là "một ngày khó khăn" với người Mỹ khi gợi nhớ lại "thời khắc đen tối" cách đây một năm.
Về phần cựu Tổng thống Trump, truyền thông cho rằng những gì ông dự tính phát biểu sẽ "không khó đoán". Dù thua ông Biden tới 7 triệu phiếu bầu trong cuộc bầu cử năm 2020 nhưng ông Trump vẫn đưa ra những tuyên bố sai lệch rằng "cuộc bầu cử binh đánh cắp". Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những cáo buộc của ông Trump trong một cuộc công kích lớn hơn nhằm vào ông Biden về mọi thứ, từ vấn đề nhập cư đến cách xử lý đại dịch COVID-19.
Đó là một kế hoạch mà Giáo sư Carl Tobias, đến từ trường Luật Đại học Richmond, gọi là "chưa từng có trong lịch sử Mỹ". Ông Tobias nhận xét: "Không có cựu tổng thống nào cố gắng làm nhiều điều như vậy để làm mất uy tín của người kế nhiệm và tiến trình dân chủ".
Dù các cáo buộc gian lận bầu cử có vẻ "buồn cười" nhưng đối với nhiều người ủng hộ ông Donald Trump, họ vẫn tin vào một "thuyết âm mưu" như vậy trong cuộc bầu cử năm 2020.
Cụ thể, các cuộc thăm dò liên tục cho thấy khoảng 70% đảng viên Đảng Cộng hòa đồng tình với quan điểm ông Biden được bầu bất hợp pháp. Trong đó, một cuộc thăm dò mới do Washington Post và Đại học Maryland thực hiện cho thấy con số này đã giảm nhưng vẫn ở mức 58%. Đáng chú ý, cùng trong cuộc thăm dò này, khoảng 40% đảng viên Cộng hòa, so với 23% đảng viên Dân chủ, tin rằng bạo lực chống lại chính phủ đôi khi là chính đáng.
Straits Times nhận xét, việc đấu tranh với những gì mà cựu Tổng thống Trump gọi là "vụ trộm" gần như đã trở thành một hệ tư tưởng chính trị theo đúng nghĩa. Trong đó, phần lớn những nhà lập pháp đảng Cộng hoà thường có xu hương né tránh chỉ trích vụ bạo loạn này 6/1 hoặc cố gắng bênh vực vụ việc trên.
Cuộc biểu tình bạo loạn ở Điện Capitol ngày 6/1 đã gây ra một vết thương chính trị sâu sắc ở Mỹ. Ảnh: NYT
Tiến sĩ Lara Brown, giám đốc Trường Cao học Quản lý Chính trị tại Đại học George Washington, cho biết sự kết hợp giữa những người am hiểu chính trị muốn tìm hiểu những cuốn sách hay của ông Trump và số đông cử tri tin vào những gì họ được kể là một lực lượng đáng kể. Bà chia sẻ: "Điều đáng sợ là chúng ta không chỉ ở giữa những cuộc tấn công mà những cuộc tấn công này đang được thúc đẩy bởi một phong trào cơ sở".
Bà nói thêm rằng những tranh cãi không chỉ xảy ra giữa những người đã tấn công Điện Captiol mà ngay cả những người Mỹ bình thường cũng đang dần chấp nhận và đi theo sự chia rẽ này.
Hàn gắn một nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc sẽ là một nhiệm vụ khá khó khăn đối với Tổng thống Joe Biden và chưa rõ hiện ông sẽ làm gì để hiện thực hoá việc này. Nhà khoa học chính trị và nhà thăm dò dư luận của đảng Dân chủ Rachel Bitecofer đã kêu gọi ông Biden nên đối đầu với ông Trump một cách mạnh mẽ hơn.
Bà Bitecofer nhận xét: "Ông Biden không chỉ tưởng niệm một sự kiện đã kết thúc. Ông ấy còn coi đó là một sự kiện đang diễn ra và có thể trở nên tồi tệ hơn".
Tuy vậy, Tiến sĩ Brown cho rằng ông Biden khó có thể để trực tiếp điều động lực lượng vì một cuộc tấn công trực tiếp vào ông Trump có nguy cơ giống như một "cuộc săn phù thủy chính trị", như những gì cựu tổng thống từng tuyên bố trước đây.
Minh Hạnh (Theo Straits Times, Reuters)