Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Người lao động và người sử dụng lao động phấn khởi vì gói hỗ trợ từ bảo hiểm

(DS&PL) -

Giữ bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp và người lao động nhận được sự hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, đều tỏ ra thực sự phấn khởi và trân quý.

Giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực duy trì sản xuất

Hồ hởi ngay trong ngày đầu tiên triển khai chính sách hỗ trợ, ngày 1/10/2021, ông Bùi Đức Hiệp  (Giám đốc công ty TNHH MTV Hoa tiêu hàng hải Việt Nam khu vực II - Hải Phòng) chia sẻ, doanh nghiệp của ông với 191 người lao động đã được thông báo giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp. Nghị quyết 116 giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực duy trì sản xuất, bảo đảm ổn định đời sống cho người lao động. Về thủ tục hưởng chính sách, cơ quan BHXH hỗ trợ cũng rất nhanh chóng.

“Sáng nay, tài khoản của tôi cũng đã nhận được hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp do cơ quan BHXH chuyển khoản. Như vậy là rất nhanh, vì hôm nay mới là ngày đầu tiên triển khai chính sách” - ông Bùi Đức Hiệp đánh giá.

Thủ tục hưởng chính sách được thực hiện nhanh chóng khiến các doanh nghiệp thêm phấn khởi.

Với quy mô lớn hơn, gần 2.500 lao động, công ty cổ phần Cảng Hải Phòng cũng là một trong những đơn vị sử dụng lao động nhận được hỗ trợ, giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp ngay trong ngày đầu tiên.

Ông Tô Đình Sơn (Chủ tịch công đoàn công ty cổ phần Cảng Hải Phòng) cho biết: “Nghị quyết 116 của Chính phủ đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động rất nhiều, giúp chúng tôi giảm bớt khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Hiện trong đơn vị chúng tôi, người lao động đã nhận được hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp do cơ quan BHXH chuyển qua tài khoản. Tinh thần của người lao động rất phấn khởi.

Đặc  biệt, với doanh nghiệp, việc được giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp giúp chúng tôi giảm chi phí, có được nguồn lực để vượt qua những khó khăn trong bối cảnh nhiều áp lực do đứt gãy chuỗi cung ứng, cung cấp dịch vụ tới khách hàng; số tiền được giảm cũng giúp chúng tôi có được nguồn kinh phí để tiếp tục thực hiện công tác phòng chống dịch hiệu quả hơn trong thời gian tới”.

Người lao động thấy rõ giá trị tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Chị Nguyễn Thị Hoàn (phường Máy Chai, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) biết đến chính sách hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp qua thông tin trên chương trình thời sự. Đọc trên trang web của BHXH TP.Hải Phòng, chị có được thông tin chi tiết cụ thể hơn.

Tuy nhiên, chị lại bất ngờ khi nhận được tin nhắn thông báo của BHXH TP.Hải Phòng về việc đến nhận trợ cấp ngay trong 1/10 - ngay trong ngày đầu tiên triển khai chính sách.

Ngay sau khi nhận hỗ trợ, chị Nguyễn Thị Hoàn chia sẻ, quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp mình tổng cộng thời gian là 4 năm 3 tháng, đã từng nhận trợ cấp thất nghiệp 1 lần. Hiện tại còn 3 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu và số tiền trợ cấp chị được nhận là 1,8 triệu đồng.

“Tôi rất bất ngờ, vì không nghĩ là nhận được nhanh như vậy, nhất là còn được cơ quan BHXH chủ động thông báo đến nhận. Thủ tục rất nhanh, không phức tạp. Khoản hỗ trợ này giúp cuộc sống của tôi ổn định hơn” - chị Hoàn cho biết thêm.

Với những người lao động đang có việc làm, niềm vui cũng đến với họ một cách hết sức bất ngờ với những tin nhắn thông báo đã được được chuyển khoản tiền hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Chị Đỗ Thị Hồng Nhung (công ty TNHH MTV Hoa tiêu hàng hải Việt Nam khu vực II) cho biết: “Tôi cũng chỉ mới được biết được biết Nghị quyết của Chính phủ nhưng ngày hôm nay tài khoản của tôi đã nhận được tiền hỗ trợ. Trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh như thế này, việc nhận được hỗ trợ có nhiều ý nghĩa, giúp tôi có một khoản thu nhập bổ sung trang trải cuộc sống. Qua đây, tôi cũng thấy rõ được giá trị của việc tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp”.

 

Khoản trợ cấp là món quà quý giá, như một động lực giúp người lao động vượt qua “cơn bão” Covid-19.

Cơ hội giúp tăng trưởng kinh tế

Theo bà Nguyễn Thị Hương (Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê), khả năng tự cường của khối doanh nghiệp cũng là một vấn đề trong bối cảnh hiện nay. Dịch bệnh đã bào mòn khả năng chống chịu của khối doanh nghiệp khi thực hiện giãn cách xã hội kéo dài. Mở cửa trở lại, doanh nghiệp phải mất một thời gian để khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh như trước khi có dịch bệnh.

Tuy nhiên, trong 3 tháng cuối năm 2021, theo bà Hương, còn 2 yếu tố có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP tích cực.

“Đó là nguồn vốn từ gói hỗ trợ an sinh xã hội 38.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ và thúc đẩy đầu tư công trong những tháng cuối năm sẽ là động lực tác động tích cực đến tiêu dùng và đầu tư.

Giải ngân đầu tư công 250 nghìn tỷ đồng sẽ tác động mạnh mẽ đến ngành xây dựng, từ đó lan tỏa tích cực đến các ngành khác, kích thích kinh tế tăng trưởng. Khi vốn đầu tư công tăng lên 1 điểm phần trăm sẽ đóng góp cho tăng trưởng GDP thêm 0,06%. Nếu từ nay đến cuối năm, giải ngân nguồn vốn đầu tư công gần 250.000 tỷ đồng sẽ đóng góp cho tăng trưởng GDP thêm 0,53 điểm phần trăm” - bà Hương phân tích.

 

Người lao động nahnh chóng được nhận tiền trợ cấp qua tài khoản.

Đặc biệt, bà Hương đánh giá, gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực tới việc gia tăng tiêu dùng của dân cư, kích thích vào tổng cầu đang yếu, khi đó phía cung sẽ được thúc đẩy, tăng sản lượng sản xuất.

Mặt khác, một phần gói hỗ trợ này cũng được chi cho người sử dụng lao động để giải quyết những khó khăn trước mắt, chuẩn bị điều kiện để thúc đẩy sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm.

Liên quan đến gói hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, hiện ngành BHXH Việt Nam đã và đang tích cực triển khai trên khắp 63 tỉnh, thành phố. Sẽ có khoảng gần 13 triệu người lao động và 386 nghìn đơn vị sử dụng lao động được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ này. Ngay cả với những người lao động đang tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc ngừng việc trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2020 đến ngày 30/9/2021 vẫn được hưởng chính sách.  

Thu Hà

 

Tin nổi bật