Hàng loạt doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh trốn đóng, nợ đọng BHXH
Ngay sau Tết Nguyên đán, tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT tiếp tục là vấn đề “nóng”.
Theo thống kê, trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, có 999 doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH trên 6 tháng (số tiền nợ từ 300 triệu đồng/đơn vị trở lên), với tổng số tiền hơn 1.655 tỷ đồng.
Cụ thể, theo BHXH TP.Hồ Chí Minh, đầu năm 2022, tình trạng doanh nghiệp chây ỳ, trốn đóng BHXH tiếp tục diễn biến phức tạp. Đáng chú ý như: Tổng công ty Tư vấn thiết kế dầu khí - công ty CP (huyện Nhà Bè) trốn đóng hơn 11 tỷ đồng; công ty CP Vận tải dầu khí Việt Nam (quận 3) trốn đóng hơn 18 tỷ đồng; công ty TNHH Yujin Vina (TP.Thủ Đức) trốn đóng hơn 32 tỷ đồng; công ty CP Dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn (quận 1) trốn đóng hơn 32,9 tỷ đồng; công ty CP TMDV Thiếu Nhi Mới (quận 1) trốn đóng hơn 29 tỷ đồng; công ty TVTMDV địa ốc Hoàng Quân (quận Phú Nhuận) trốn đóng hơn 14 tỷ đồng; công ty CP Dược phẩm Pha No (quận Phú Nhuận) trốn đóng hơn 13 tỷ đồng; công ty CP Hàng không Pacific Airlines (quận Tân Bình) trốn đóng hơn 41 tỷ đồng; chi nhánh công ty CP Anh ngữ Apax trốn đóng 26 tỷ đồng; công ty CP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Tân Kỷ (quận Bình Thạnh) trốn đóng hơn 10 tỷ đồng...
Người lao động tại công ty ASIA Garment ký đơn kiến nghị chủ doanh nghiệp truy đóng BHXH, BHYT.
Liên quan tình trạng này, một cán bộ công đoàn khu công nghiệp TP.Hồ Chí Minh cũng cho biết, việc các doanh nghiệp chây ỳ nợ đọng BHXH, BHYT khiến nhiều người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến họ càng khốn đốn hơn. Đặc biệt, tình trạng này khiến cho nhiều lao động nữ không được hưởng quyền lợi chế độ thai sản, nên đời sống vô cùng chật vật, khó khăn…
Chị Lê Thị Hòa (công nhân công ty TNHH May Minh Châu - huyện Hóc Môn) chia sẻ: “Từ cuối năm 2021, khi đi khám bệnh, chị mới hay thẻ BHYT không sử dụng được nữa. Trong khi đó, hằng tháng, công ty vẫn trích trừ tiền đóng BHXH, BHYT từ lương của công nhân. Các chính sách này đều liên quan đến quyền lợi thai sản, ốm đau, tai nạn lao động… của công nhân, nên chúng tôi rất lo lắng. Liên quan vấn đề này, đại diện BHXH TP.Hồ Chí Minh cho biết, công ty TNHH May Minh Châu chây ỳ đóng BHXH, BHYT đã hơn 18 tháng qua, với số tiền hơn 2,9 tỷ đồng.
Kiên quyết xử lý, đòi quyền lợi cho người lao động
Để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, BHXH TP.Hồ Chí Minh cũng như BHXH các quận, huyện đã chủ động vào cuộc thanh tra, kiểm tra. Trong đó, phối hợp với Thanh tra sở LĐ-TB&XH, Công an TP.Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra liên ngành việc chấp hành pháp luật BHXH, BHYT nhằm đôn đốc thu, thu nợ vừa đảm bảo phù hợp với quy định phòng chống dịch, vừa đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Văn Mến (Giám đốc BHXH TP.Hồ Chí Minh) cho biết: “Năm 2021, BHXH TP.Hồ Chí Minh đã thực hiện thanh tra, kiểm tra, đối chiếu 2.007 đơn vị, doanh nghiệp. Trong đó, thanh tra chuyên ngành đóng 165 doanh nghiệp; kiểm tra, đối chiếu 1.651 doanh nghiệp; phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành 52 doanh nghiệp...
Ông Phan Văn Mến (Giám đốc BHXH TP.Hồ Chí Minh).
Qua thanh tra, kiểm tra đã đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp lập thủ tục tham gia cho 879 người lao động với số tiền truy đóng 14,6 tỷ đồng; điều chỉnh mức lương đóng cho 1.002 người lao động với số tiền 1,5 tỷ đồng. Số thu nợ qua công tác thanh tra, kiểm tra là 195 tỷ đồng (đạt 77%); 45 doanh nghiệp thực hiện truy đóng cho 544 người lao động với số tiền 11,7 tỷ đồng (đạt 80%) và 30 doanh nghiệp đã lập hồ sơ điều chỉnh mức lương cho 876 người lao động với số tiền 1,35 tỷ đồng (đạt 87,4%).
Bên cạnh đó, cơ quan BHXH cũng kiên quyết lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với 18 doanh nghiệp”.
Mới đây, tại buổi làm việc với Công an TP.Hồ Chí Minh, BHXH thành phố nhấn mạnh tình trạng vi phạm pháp luật BHXH, BHYT tại các doanh nghiệp đang diễn ra khá phổ biến, tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp. Tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT của các doanh nghiệp đã kéo dài nhiều năm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của nhiều người lao động.
Đáng chú ý, nhiều đơn vị, doanh nghiệp vin cớ gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, cố tình trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT; thậm chí, cố tình chây ỳ không khắc phục sai phạm mặc dù đã được cơ quan chức năng nhắc nhở, đôn đốc, kiến nghị khởi tố hình sự…
Chính vì vậy, vị Giám đốc BHXH TP.Hồ Chí Minh, ngay từ đầu năm 2022, BHXH TP.Hồ Chí Minh đề ra kế hoạch sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với những doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc nợ đóng BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên. Đồng thời, chuyển hồ sơ và đề nghị cơ quan Công an xử lý hình sự đối với những doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm hoặc không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra.
Đây cũng không phải câu chuyện của riêng BHXH địa phương nào, nên các tỉnh thành khác cũng sớm vạch ra những biện pháp xử lý.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Danh (Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam) chỉ ra: “Trước đây, nếu doanh nghiệp nợ hay chậm đóng BHXH thì cơ quan BHXH được quyền khởi kiện và truy thu số tiền doanh nghiệp không đóng. Nhưng từ ngày 1/1/2016, khi Luật BHXH có hiệu lực thì hành lang pháp lý của cơ quan BHXH trong việc thu hồi nợ BHXH bị thu hẹp so với trước đây. Cơ quan BHXH không còn quyền được khởi kiện doanh nghiệp về hành vi nợ BHXH, mà chỉ được quyền xử lý vi phạm hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đây là rào cản lớn trong việc thu hồi nợ đọng BHXH”.
Theo Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam, để khắc phục tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT... một cách hiệu quả, cần xác định đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng cơ quan BHXH.
“Để khắc phục tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN một cách hiệu quả, cần xác định đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng cơ quan BHXH mà cần có sự hỗ trợ tích cực của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và mọi người dân, đặc biệt là hệ thống pháp luật trong việc xử lý những chủ sử dụng lao động, doanh nghiệp cố tình nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN.
Vấn đề đặt ra là phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm những doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật, cố tình nợ BHXH, BHYT, BHTN.
Chúng tôi cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước các cấp theo chức năng cần nghiên cứu, sửa đổi và bổ sung các văn bản hướng dẫn kịp thời những nội dung về BHXH phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách BHXH; sớm hoàn thiện và đưa vào áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015 để thực hiện quy định về xử lý tội phạm về BHXH, BHYT, BHTN; những doanh nghiệp cố tình không thực hiện kết luận thanh tra đóng BHXH, BHYT, BHTN cần có chế tài cưỡng chế thi hành kết luận thanh tra, thu hồi giấy phép kinh doanh...” - Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.
Bàn về giải pháp thanh tra, kiểm tra, ông Lò Quân Hiệp (Vụ trưởng vụ Thanh tra - kiểm tra, BHXH Việt Nam) đề nghị, triển khai tập huấn để đảm bảo bổ sung ngay lực lượng thanh tra chuyên ngành tại BHXH các tỉnh, thành phố. Tại các địa bàn huyện có quy mô quản lý BHXH, BHYT lớn (về số người tham gia, số thu - chi), cần nghiên cứu xây dựng cơ chế cho phép Giám đốc BHXH cấp huyện tham gia vào công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố cần quan tâm chú trọng đào tạo, xây dựng nhân lực đảm bảo đáp ứng yêu cầu công tác này trong thời gian tới.
Về nhiệm vụ năm 2022, ngay từ thời điểm này, tranh thủ điều kiện tình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, BHXH các tỉnh, thành phố phải khẩn trương triển khai thanh tra các doanh nghiệp nợ đọng kéo dài; lưu ý chọn để thanh tra đơn vị phù hợp, đảm bảo cả yêu cầu về chất lượng chứ không chỉ chạy theo số lượng”.
Thu Hà