Tờ Oddity Central cho biết, hôm 26/9, thẩm phán Australia, Michael Ong cáo buộc bị cáo Paul Iera (35 tuổi) đã nói dối để che giấu chuyện "bắt cá 2 tay". Lời nói dối này còn khiến cảnh sát lãng phí công sức vào việc tìm kiếm Iera.
Thẩm phán Ong mô tả hành động của bị cáo là “vô cùng đáng ghét”, và nhấn mạnh ông đã cân nhắc nghiêm túc việc để Iera phải ngồi tù.
Cụ thể, vào ngày 31/12/2022, khi Iera đang đi chơi với một trong hai cô bạn gái (tạm gọi là cô B - PV). Sau đó, cô B đã giả danh là kẻ bắt cóc nhắn tin cho cô thứ nhất (cô A), hứa sẽ trả tự do cho Iera vào hôm sau. Lo bạn trai gặp nguy hiểm, cô A lập tức báo cảnh sát.
Paul Iera (35 tuổi) suýt đi tù vì nói dối bị bắt cóc để "bắt cá hai tay". Ảnh: New York Post.
Sáng 1/1/2023, cảnh sát đã tìm thấy xe của Iera và phát hiện anh ta vẫn bình an bên cô B. Mặc dù Iera cố cãi rằng đã bị một số người bắt cóc rồi thả đi tuy nhiên, cảnh sát phát hiện câu chuyện không đúng. 12 ngày sau, Iera bị bắt, và bị cáo buộc đã nói dối.
Iera có thể phải đối mặt với 7 năm tù giam. Tuy nhiên, anh ta đã thoát được án tù do bồi thường số tiền hơn 10.200 USD cho cảnh sát New South Wales. Song, Iera vẫn phải thực hiện 350h phục vụ công ích.
Trước đó, Sherri Papini 39 tuổi ở California, Mỹ đã bị bắt vì tự dàn dựng vụ bắt cóc của chính mình hồi năm 2016. Vụ việc bị phơi bày nhờ sự can thiệp của công nghệ ADN hiện đại.
Cụ thể, người phụ nữ đã có chồng và con này mất tích vào tháng 11/2016. Vụ việc đã dẫn đến một cuộc tìm kiếm trên phạm vi toàn quốc với sự tham gia của các nhân viên FBI.
Ba tuần sau, cô được tìm thấy cạnh đường cao tốc. Papini nói mình bị hai người phụ nữ cầm súng bắt cóc, xích vào cột, đánh đập và bỏ đói. Tuy nhiên, các nhà điều tra cho biết bà Papini đã ở với bạn trai cũ rồi tự bỏ đói và gây thương tích cho mình trong khi mất tích.
Sherri Papini 39 tuổi ở California, Mỹ đã bị bắt vì tự dàn dựng vụ bắt cóc của chính mình. Ảnh: AP.
Theo cáo trạng, Papini vẫn nói dối về vụ bắt cóc trong cuộc thẩm vấn với đặc vụ liên bang và một thám tử địa phương vào tháng 8/2020.
Các nhà chức trách đã đưa ra bằng chứng cho thấy bà Papini không bị bắt cóc và cảnh báo bà rằng việc nói dối một đặc vụ liên bang là hành vi phạm tội. Tuy nhiên, bà vẫn tiếp tục đưa ra những lời khai không đúng sự thật.
Sự thật về vụ bắt cóc của cô Papini được phơi bày khi các nhà điều tra tiến hành so sánh mẫu ADN trên quần áo của cô này với người bạn trai cũ. Chính người bạn trai cũ sau đó cũng thừa nhận vụ bắt cóc chỉ là trò lừa đảo.
Được biết, Papini đã được Hội đồng Bồi thường Nạn nhân California bồi thường 30.000 USD, thanh toán trong 35 lần, vì vụ bắt cóc này.
Cuối cùng, Sherri Papini đã phải chịu mức án phạt 18 tháng tù giam và 36 tháng quản thúc sau khi ra tù. Ngoài ra, bị cáo Papini còn phải bồi thường 310.000 USD.
Như Quỳnh (T/h)