Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận một nam bệnh nhân tên N.Đ.T (53 tuổi, Quảng Xương, Thanh Hóa) nhập viện cấp cứu trong tình trạng bàn tay căng phồng, ngón tay bị cắn thâm đen do rắn hổ mang cắn. Tại chỗ rắn cắn nơi ngón tay trỏ bắt đầu xuất hiện dấu hiệu hoại tử, thông tin từ báo Giao Thông.
Theo lời người nhà bệnh nhân, trong lúc dọn vườn, ông T. bất ngờ bị một con rắn hổ mang trưởng thành tấn công. Người nhà có mặt lúc đó đã nhanh chóng đánh chết con rắn, sơ cứu và đưa ông T. đến bệnh viện tỉnh. Tuy nhiên, tình hình sức khỏe chuyển biến xấu nên nửa đêm vượt hơn 300km đưa lên Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, ông được các bác sĩ truyền huyết thanh kháng nọc rắn độc. Hiện bệnh nhân tiếp tục được thực hiện xử lý nhiễm trùng.
Một trường hợp khác, bà N.T.K (50 tuổi, Hà Nội) bị rắn hổ mang cắn khi cắt cỏ, tháo nước ở ruộng. Sau khi bị rắn cắn, bà được đưa đi cấp cứu. Bác sĩ đã chỉ định truyền huyết thanh kháng nọc rắn. Sau nhiều ngày theo dõi, hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.
Nam bệnh nhân tên N.Đ.T được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai để điều trị. Ảnh: VTC News
VTC News dẫn lời Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, hai trường hợp trên may mắn khi đến viện kịp thời nên vết thương chưa hoại tử. Đơn vị từng tiếp nhận bệnh nhân bị rắn cắn nguy kịch, hôn mê cả tháng do chủ quan, chậm trễ đến bệnh viện.
Thời điểm mùa mưa sẽ có nhiều trường hợp bị rắn cắn. Hiện, số lượng rắn độc tại Việt Nam rất nhiều và trong đó rắn hổ mang vẫn là loài đáng sợ nhất do có thể gây hoại tử ngay lập tức bộ phận bị cắn. Đứng thứ hai là rắn lục đuôi đỏ.
Khi bị rắn cắn, bác sĩ khuyên mọi người nên bình tĩnh, nhanh chóng sơ cứu để nọc độc của rắn từ vết cắn xâm nhập vào trong cơ thể chậm hơn và ít hơn. Ngay sau khi sơ cứu cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế trong tình trạng duy trì băng ép, bất động. Trong trường hợp bệnh nhân có khó thở thì hô hấp nhân tạo cho bệnh nhân.
Sau sơ cứu, nạn nhân phải đến bệnh viện khẩn để dùng thuốc giải độc. Đây là loại thuốc hiệu quả tốt, ngăn chặn được hoại tử, cứu được vùng cơ thể đang quá trình hoại tử, tránh di chứng cụt tay, chân, tránh được tử vong.
Để sơ cứu đúng khi bị rắn độc cắn người dân cần thực hiện các bước sau:
- Di chuyển nạn nhân xa ra khỏi tầm hoạt động của con rắn;
- Trấn an nạn nhân, hạn chế cử động, tốt nhất là bất động chi bị cắn bằng nẹp, để làm chậm sự lây lan của nọc độc;
- Tháo bỏ đồ trang sức và nới lỏng quần áo chật nhằm tránh gây chèn ép khiến vết thương bắt đầu sưng lên;
- Điều chỉnh tư thế sao cho vùng bị cắn nằm thấp hơn mức tim, chẳng hạn như nằm xuống, kể cả trong lúc được vận chuyển đến bệnh viện;
- Làm sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý;
- Dùng một miếng gạc khô và sạch để băng kín vùng bị cắn.
Sau sơ cứu ngay lập tức đưa người bệnh đến bệnh viện để được truyền thuốc giải độc.
Thùy Dung (T/h)