Báo Dân Trí đưa tin khoảng 19h30 ngày 15/10, một người đàn ông bất ngờ ngã gục khi đang chạy bộ ở Công viên Thanh Xuân (Hà Nội). Phát hiện sự việc, người nhà và người có mặt ở công viên nhanh chóng gọi cấp cứu.
Theo chia sẻ của anh Phạm Quốc Việt - Đội trưởng Đội hỗ trợ sơ cứu miễn phí FAS Angel, sau khi nhận được tin báo khoảng 5-7 phút, đội đã tiếp cận được hiện trường gần như cùng thời điểm với lực lượng 115.
Nạn nhân khoảng 30 tuổi, tại thời điểm tiếp cận đã ngừng tuần hoàn, được người dân tiến hành ép tim nhưng chưa có hiệu quả. Để cấp cứu cho nạn nhân, lực lượng 115 đã tiến hành tiêm truyền thuốc trợ tim.
Anh Việt cũng tham gia hồi sức tim phổi cho nạn nhân. Đây là tổ hợp các thao tác cấp cứu bao gồm ấn lồng ngực và hô hấp nhân tạo với mục đích đẩy lượng máu giàu oxy tới não, đưa bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch.
Sau đó, nạn nhân được chuyển lên xe cấp cứu 115 để đưa đến bệnh viện. Anh Việt liên tục ép tim cho nạn nhân trong suốt quá trình di chuyển.
Người đàn ông bất ngờ ngã gục khi đang chạy bộ trong công viên. Ảnh minh họa
Đội trưởng Đội hỗ trợ sơ cứu miễn phí FAS Angel nhớ lại: "Chúng tôi đã làm hồi sức tim phổi rất kỹ cho nạn nhân. Có thời điểm nạn nhân đã có mạch trở lại nhưng sau đó mạch lại mất. Nạn nhân được bàn giao cho Bệnh viện Đại học Y Hà Nội".
Thông tin về trường hợp nói trên, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết thời điểm tiếp nhận nạn nhân được xác định đã tử vong ngoại viện. Nạn nhân sau đó được bàn giao cho nhà đại thể.
Khuyến cáo của chuyên gia khi chơi thể thao
Tạp chí Gia Đình Việt Nam dẫn lời nhận định của các chuyên gia cho hay, những người chạy bộ xảy ra tai biến dẫn đến đột quỵ chủ yếu là do có vấn đề về huyết áp, bệnh lý tim mạch. Hoạt động quá sức khiến bệnh lý tái phát và dẫn đến đột quỵ.
Cụ thể, nhịp tim thay đổi, đập nhanh hơn khi một người chạy bộ, nếu không kiểm soát tốt thì sẽ khiến nhịp tim, huyết áp tăng nhanh, xuất hiện các cơn thiếu máu lên não. Người bệnh có thể sẽ trở lại trạng thái bình thường sau vài phút, tuy nhiên, đây chính là dấu hiệu dự báo cơn đột quỵ nguy hiểm sắp xảy ra.
Trên thực tế, khoảng 80% các trường hợp đột tử khi chơi thể thao là người có bệnh lý tim mạch từ trước. Một số trường hợp đã biết trước bệnh nhưng chủ quan nghĩ là nhẹ, còn một số khác có bệnh lý nhưng chưa phát hiện vì không đi khám hoặc khám nhưng không đúng chuyên khoa, không được phát hiện.
Các chuyên gia chia sẻ, có những trường hợp hoàn toàn khỏe mạnh, đi khám sức khỏe, làm các xét nghiệm cơ bản như: xét nghiệm máu, chụp phim tim phổi thậm chí siêu âm tim cũng không thể hiện bất thường về tim.
Kích thước tim có thể vẫn bình thường, chức năng co bóp tốt nhưng trên điện tâm đồ có thể có dấu hiệu gợi ý về các bệnh lý dễ gây ngừng tim như hội chứng Brugada, hội chứng QT dài, hội chứng WPW… Những bệnh lý này có tính chất gia đình nhưng do bệnh biểu hiện khá kín đáo nên có thể bác sĩ không chuyên về tim mạch sẽ không để ý, không phát hiện ra bệnh.
Trước khi tập bất kỳ môn thể thao nào, mọi người đều nên kiểm tra thể lực. Ảnh minh họa: Shutterstock
Theo PGS.TS.BS Võ Tường Kha - Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam, tập thể dục nâng cao sức khỏe là rất tốt. Thế nhưng, nếu người tập không đảm bảo an toàn tập luyện, không kiểm tra, sàng lọc, điều trị triệt để những chấn thương, bệnh lý tiềm ẩn trước đó thì có thể gây chấn thương, gây ra các bệnh lý cấp tính về tim mạch, hô hấp.
Người tập thậm chí đối mặt với nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, ngừng tim, tăng huyết áp, xuất huyết não… Vì thế, PGS.TS.BS Võ Tường Kha khuyến cáo trước khi tập bất kỳ môn thể thao nào đều cần phải kiểm tra thể lực.
XEM THÊM: Nguy hiểm khôn lường từ thói quen "khó bỏ" của mọi người
“Chúng ta có thể đến gặp bác sĩ thể thao hoặc huấn luyện viên thể lực để được tư vấn, khám sàng lọc xem có bệnh lý gì tiềm tàng không như: bệnh tim, phổi hoặc gia đình có tiền sử về tim phổi, huyết áp, cơ xương khớp...
Nếu có vấn đề gì bất thường, người dân được tư vấn chọn môn tập và chọn lượng vận động phù hợp, nếu không có thể xuất hiện các bệnh lý, tai biến”, báo Dân Trí dẫn lời PGS.TS.BS Võ Tường Kha.
Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam nói thêm, trước bất cứ hoạt động thể dục thể thao nào, mỗi người cần dành thời gian khởi động làm nóng cơ thể, để cơ thể có thời gian thích nghi với hoạt động gắng sức.
Đinh Kim (T/h)