Theo trang QQ, ông Trần (60 tuổi, ở Trung Quốc) là nhiếp ảnh gia, rất thích đi chơi ngoài trời cùng bạn bè. Năm 2016, ông bị đau thắt lưng, đến bệnh viện khám thì được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Do ông thường xuyên hoạt động bên ngoài nên triệu chứng đau thắt lưng tái phát nhiều lần, sau một thời gian người đàn ông cũng quen với tình trạng này.
Trong một lần ông Trần đi khám sức khỏe định kỳ vào năm 2017, bác sĩ phát hiện bên thận trái có khối u nang 3cm nên đề nghị ông quan sát thêm các triệu chứng, nếu có bất thường thì đến bệnh viện tái khám.
Ông Trần cho biết bản thân không có cảm giác khó chịu nào khác. Khi đi khám sức khỏe trong vài năm gần đây, bác sĩ đều thông báo thận ông có những u nang kích thước nhỏ hơn 5cm nên ông chủ quan không quan tâm.
Tuy nhiên, những cơn đau thắt lưng đột nhiên trở nên nghiêm trọng hơn trong 2 tháng trở lại đây. Khi đi chơi cùng bạn bè, ông Trần không cách nào theo kịp mọi người. Cho rằng bệnh thoát vị đĩa đệm trở nặng, ông Trần đã đến bệnh viện điều trị phục hồi chức năng và được kê một số loại thuốc tại nhà.
Đầu tháng 5/2022, khi đến Bệnh viện Trung ương Vũ Hán đê khám sức khỏe định kỳ, ông Trần được thông báo các u nang ở thận đã phát triển lên đến 10cm, phải điều trị càng sớm càng tốt. Ngày 4/5, ông đến khoa Thận để điều trị, kết quả kiểm tra cho thấy các u nang đã chèn ép vào thận rất nghiêm trọng.
Người đàn ông bị đau thắt lưng, bác sĩ cho rằng nguyên nhân không chỉ đơn thuần do thoái hóa đốt sống.
Bác sĩ Trần Văn Lệ chia sẻ về tình trạng của ông Trần: “Các u nang ở thận kích thước 10cm rất hiếm gặp trong thực tế lâm sàng. Nếu bị vỡ, nó có thể gây nhiễm trùng nặng”.
Theo bác sĩ, những cơn đau thắt lưng của ông Trần có khả năng do các u nang ở thận gây ra, không chỉ đơn thuần vì thoái hóa đốt sống. Sau khi trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ, ông quyết định điều trị bằng phẫu thuật với mong muốn ngăn bệnh phát triền.
Ca phẫu thuật của ông Trần được thực hiện vào ngày 6/5, các chuyên gia khoa Thận và Siêu âm đã tiến hành phương pháp chọc dò nang thận qua da bằng sóng siêu âm và hút ra 350ml dịch trong nang thận.
Sau ca mổ, các triệu chứng của ông Trần giảm đáng kể, vấn đề sinh hoạt hàng ngày không bị ảnh hưởng nhiều, vết thương trên da cũng nhanh chóng lành lại. Hiện, người đàn ông đã được bác sĩ cho xuất viện về nhà.
Nhân trường hợp này, bác sĩ Trần Văn Lệ khuyến cáo một triệu chứng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, mọi người tốt nhất nên chú ý đi khám sức khỏe định kỳ, nhất là với những người đã được chẩn đoán mắc bệnh.
Theo PGS.TS Trần Văn Chương, đau vùng thắt lưng thường gặp trong lao động sản xuất, sinh hoạt thường ngày. Có nghiên cứu cho rằng 60-90% người trưởng thành bị đau vùng thắt lưng ít nhất 1 lần trong đời.
Có nhiều nguyên nhân gây nên cơn đau ở vùng thắt lưng, trong đó yếu các cơ bảo vệ cột sống chống lại trọng lực (cơ lưng, cơ bụng, cơ vùng chậu hông) thường là nguyên nhân chủ yếu. Đây là các cơ duy trì và làm vững chắc tư thế thẳng của cột sống, bên cạnh đó giúp cột sống cử động nhịp nhàng theo vận động chung của cơ thể như đi lại, chạy nhảy, nâng đồ vật hay tập luyện.
Đau vùng thắt lưng cũng có thể do hoạt động hàng ngày quà sức, bê và nâng vật nặng, động tác nhắc đi nhắc lại nhiều lần, ngồi hoặc đứng quá lâu, vận động không đúng tư thế.
Các bệnh khớp khối u cột sống, viêm nhiễm như viêm đĩa đệm, viêm tủy xương, lao cột sống, bệnh mạch máu như phình động mạch chủ bụng, tụ máu ngoài màng cứng, bệnh về chuyển hóa như loãng xương, bệnh lý trong ổ bụng và các cơ quan nội tạng... cũng có khả năng là nguyên nhân gây đau vùng thắt lưng.
Nhìn chung, đau thắt lưng là vấn đề phức tạp do nhiều nguyên nhân khác nhau, vì thế việc điều trị cơ bản là tìm được nguyên nhân và điều trị theo nguyên nhân.
Vấn đề cơ bản và quan trọng của điều trị là phục hồi lại chức năng vận động của vùng thắt lưng và phòng ngừa đau tái phát. Một trong những cách phòng ngừa đau lưng cấp, đau lưng tái phát và thoát vị đĩa đệm hiệu quả nhất là giữ cho cơ thể, đặc biệt là cột sống ở tư thế đúng trong lao động và sinh hoạt hàng ngày.
Đinh Kim (T/h)