Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Người đàn bà "nhìn" ông Chấn để kêu oan: VSK đề nghị huỷ án

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Về vụ người đàn bà 10 năm kêu oan, gần đây nhất, VKSND Tối cao đã ra kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị TAND Tối cao tuyên hủy bản án sơ thẩm kết tội bà Hằng.

(ĐSPL) - Về vụ người đàn bà 10 năm kêu oan, gần đây nhất, VKSND Tối cao đã ra kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị TAND Tối cao tuyên hủy bản án sơ thẩm kết tội bà Hằng.
VKSND Tối cao ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị hủy án
Báo Đời sống và Pháp luật đăng tải loạt bài về trường hợp nghi oan sai của bà Đỗ Thị Hằng (SN 1953, trú tại phường Mỹ Độ, TP. Bắc Giang). Cho đến nay, sau gần 6 tháng kể từ bài viết cuối, dư âm của loạt bài vẫn khiến vụ việc hơn 10 năm “giậm chân tại chỗ” có những biến chuyển hết sức tích cực.
Gần đây nhất, VKSND Tối cao đã ra kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị TAND Tối cao tuyên hủy bản án sơ thẩm kết tội bà Hằng. Thế nhưng, số phận nghiệt ngã của người đàn bà từng nói lấy ông Chấn làm động lực kêu oan này dường như vẫn chưa đến hồi kết. Chính tại thời điểm đáng phải vui, cô con gái thứ ba của bà lại bước vào giai đoạn cuối cùng của căn bệnh AIDS hiểm nghèo, sự sống chỉ còn tính bằng ngày.
Bà Đỗ Thị Hằng cầm trên tay kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND Tối cao.
Công lý đã ló rạng...
Sáng 12/5, sau nhiều tháng ngày ăn chực nằm chờ trong trạm y tế để cố gắng kéo dài sự sống cho cô con gái đang ở giai đoạn cuối của căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, bà Hằng lại trở về Hà Nội.
Khác những lần gặp trước, lần này, người phụ nữ kêu oan có thần thái sáng rạng hơn. Vừa thấy tôi, bà vội vã chạy lại, đưa bàn tay gầy guộc nắm lấy tay tôi xúc động nói: “Đáng tôi phải báo tin sớm hơn nhưng đúng hôm nhận được thông báo thì cô con gái của tôi lên cơn co giật mạnh, mắt trợn ngược vì không thở được, phải nhờ bác sỹ thông cổ. Hôm ấy tưởng em nó không qua khỏi nhưng may vẫn qua được. Giờ tôi tranh thủ lên đây một chút rồi lại phải về”.
Đoạn, bà Hằng run run đưa tôi xem tin vui của bà. Đó là Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 05/QĐ-VKSNDTC-V3 của VKSND Tối cao do Phó Viện trưởng Lê Hữu Thể ký tên đóng dấu. Quyết định gồm 2 trang, có nội dung tóm lược như sau:
Bản án hình sự sơ thẩm số 72/HSST ngày 24/3/1998 của TAND Bắc Giang kết tội bà Đỗ Thị Hằng về “tội mua bán phụ nữ” dựa trên lời khai của Phạm Văn Ngọ và một số lời khai của Đỗ Thị Hằng tại cơ quan điều tra. Tuy nhiên tại phiên tòa, Đỗ Thị Hằng kêu oan, cho rằng tại thời điểm chị Dương Thị Liễu bị bán đi Trung Quốc, Hằng đang điều trị bệnh thần kinh.
Đến nay, bị hại trong vụ án này là chị Dương Thị Liễu đã trở về Việt Nam và xác nhận Đỗ Thị Hằng không phải là người bán chị mà người bán là Phạm Văn Ngọ cùng với một người phụ nữ khác cũng tên Hằng nhưng lấy chồng Trung Quốc.
Luật sư Phạm Thanh Bình (trái) đang cung cấp cho tác giả những bằng chứng cho thấy bà Hằng bị kết án oan.
Các tài liệu trong hồ sơ vụ án thể hiện: Các nhân chứng có lời khai xác nhận khi đi tìm chị Liễu có vào nhà Phạm Văn Ngọ gặp vợ Ngọ là Nguyễn Thị Tám, bà Tám cho biết Ngọ một mình mang hàng (phụ nữ) sang Trung Quốc. Tại giấy viết chia tiền của chị Dương Thị Liễu gửi về Việt Nam không thể hiện việc chia tiền cho Đỗ Thị Hằng và cũng chưa được giám định. Mặt khác, người phụ nữ tên Hằng lấy chồng Trung Quốc chưa được điều tra để làm rõ. Như vậy, việc kết tội đối với Đỗ Thị Hằng về tội Mua bán phụ nữ là chưa đủ căn cứ vững chắc.
Còn về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân, kháng nghị của VKSND Tối cao lập luận: Các khoản vay nợ của bà Hằng với chị Khổng Thị Mỹ (300 nghìn đồng) và anh Phan Văn Phương (400 nghìn đồng và 20 bơ gạo) đều chỉ là các khoản vay giao dịch bằng miệng, không có giấy xác nhận nên cần phải được làm rõ về số nợ trên. Đồng thời, phải chứng minh được động cơ, mục đích của Đỗ Thị Hằng, có dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của bà Mỹ và ông Phương hay chỉ là quan hệ dân sự.
Vì các lẽ trên, VKSND Tối cao đã quyết định kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Bắc Giang, đồng thời đề nghị Tòa hình sự TAND Tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy bản án hình sự sơ thẩm nêu trên để điều tra lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
Bản kháng nghị của VKSND Tối cao đề nghị Tòa hình sự TAND Tối cao hủy bản án kết tội bà Hằng.
Niềm vui không trọn vẹn
Sau phút giây xúc động qua đi, niềm hân hoan trên gương mặt bà Hằng vội vã biến mất, nhường chỗ cho sự buồn thảm thường thấy. Bà xót xa: “Sau hơn 10 năm ròng rã kêu oan, như vậy là vụ án của tôi cũng sắp được sáng tỏ. Tôi mừng lắm nhưng rồi nghĩ lại càng thấy tủi thân. Giờ đây có được minh oan thì gia đình tôi cũng tan nát hết cả rồi. Thậm chí ngày tôi nhận được quyết định kháng nghị của Viện cũng chẳng được trọn vẹn vì đúng hôm ấy con gái tôi lên cơn, tưởng không thể qua khỏi”.
Bà Hằng tâm sự chát đắng, khi bà bị bắt, cô con gái thứ ba là Ngô Thị Huệ (SN 1979) mới 19 tuổi, xinh đẹp, nết na có tiếng ở thị xã. Chính vì vậy, tuy là con nhà khó lại học hành dang dở nhưng chị vẫn được một sỹ quan quân đội đóng tại Lạng Sơn hết mực yêu thương. Tuy nhiên ngay khi nghe tin dữ về mẹ người yêu, chàng quân nhân này đã lặng lẽ nói lời từ biệt khiến chị Huệ càng thêm buồn khổ.
Rồi đến khi bố chết tức tưởi dưới ao nước, mẹ vào tù, phải bươn ra đời để mưu sinh, cô gái “sắc nước hương trời” chấp nhận phận làm “gái” ở Lạng Sơn, thành trò vui thú cho đám đàn ông cục cằn và thô lỗ miền biên viễn. Nỗi đau tinh thần và thể xác cực cùng đã kéo chị Huệ đến với ma túy và cũng bởi nó mà năm  lần bảy lượt “xộ khám”.
Ở thời điểm hiện tại, chị Huệ đang trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, thân thể chỉ còn nặng 30kg, da bọc xương và hạch nổi khắp người. Khoảng một tháng trở lại đây, chị Huệ thường xuyên phải lên trạm xá để hút dịch từ phổi, một phút lơ là cũng khiến chị tắc thở và ra đi bất cứ lúc nào. Hiện sự sống chỉ còn tính bằng ngày.
Ngoài chị Huệ, bốn người con khác của bà Hằng cũng chẳng ai thành người. Thiếu vắng bố mẹ ở đúng giai đoạn bản lề hình thành nhân cách, những đứa trẻ không được giáo dục cứ lang thang đầu đường xó chợ rồi dần dần hỏng cả, vào tù ra tội như cơm bữa.
Chẳng kịp ngồi uống thêm ngụm nước, bà Hằng cáo biệt tôi rồi lại tất tả chạy ngược ra bến xe bus để lên đường tìm gặp luật sư Phạm Thanh Bình (Giám đốc công ty luật Bảo Ngọc), người đã nhận hỗ trợ pháp lý miễn phí cho bà Hằng kể từ ngày 8/3/2012. Bà cho biết, sức khỏe của chị Huệ rất yếu nên bà không có nhiều thời gian ở Hà Nội. Hiện, bà Hằng và luật sư Bình đang lên các phương án đòi bồi thường cho mình.
Hành trình kêu oan
Tháng 3/1998, trong một phiên tòa không có nhân chứng và bị hại, mặc dù ra sức kêu oan, bà Đỗ Thị Hằng vẫn bị TAND tỉnh Bắc Giang tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù về 2 hành vi Buôn bán phụ nữ và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điều đáng nói ở chỗ, theo lời bà Hằng, người đã đổ vấy tội cho bà lại chính là người đã dã tâm bán bà sang Trung Quốc trước đó. Từ vị trí người bị hại, bà Hằng trở thành tội phạm trong vụ bán người mà bà không biết nạn nhân Dương Thị Liễu là ai.
Chính vì luôn tin tưởng vợ và quá đau xót trước cảnh ngang trái, chồng bà Hằng đã nhảy xuống ao nước tự vẫn, đẩy năm người con lâm vào cảnh bơ vơ. Mãn hạn tù trở về, bà Hằng càng đớn đau hơn khi thấy các con của mình đã hỏng cả. Bốn trong số đó đều vào tù ra tội và một hiện mang trong mình căn bệnh thế kỷ.
Hơn 10 năm ròng rã đi kêu oan, bất ngờ đầu năm 2012, bà Hằng biết tin chị Liễu đã trở về Việt Nam. Bà tìm gặp chị Liễu và được chị xác nhận rằng bà không phải thủ phạm. Tuy nhiên, đến cuối năm 2013, sau khi báo Đời sống và Pháp luật vào cuộc phản ánh thông tin thì vụ việc của bà Hằng đã có những bước tiến triển rõ rệt.
Báo Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc này.

Tin nổi bật