Mái nhà tranh thấp thoáng nơi cánh đồng mía thuộc thôn 8, xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa là nhà của bà Lê Thị Nhàn (SN 1953), người đàn bà được gọi là “cột thu lôi sống” bởi bà đã 3 lần bị sét đánh trúng nhưng lạ kỳ thay, lần nào bà cũng... không bị làm sao cả.
Bà Nhàn cho rằng, chỗ gốc cây lớn là nơi chiếc xe ca bị bom đánh năm xưa. |
Khi trời… “nổi giận”
Gặp bà Nhàn vào một ngày đầu tháng 8, khi cánh tay trái của bà vẫn còn vết sẹo do bị sét đánh vào ngày 22/7 vừa qua. Niềm nở mời khách ly nước lọc, bà Nhàn cho biết: “Hôm đó khoảng 1h chiều, tôi đi làm về thấy trời âm u nên để đề phòng sét đánh, tôi đã tắt hết các thiết bị điện trong nhà rồi sập cầu dao. Ai ngờ khi tôi vừa ngồi xuống chiếc giường kê sát tivi thì một tia chớp lóe lên, theo sau đó là một tiếng nổ rung chuyển trời đất. Sau 40 phút ngất lịm, tôi tỉnh dậy trong tình trạng toàn thân tê buốt, kèm theo những vệt cháy sém, đen thui”...
Bà Nhàn gượng sức gọi điện thoại cho con trai để thông báo việc vừa xảy ra với mình nhưng anh này đang bận việc ở tận huyện Nghĩa Đàn nên không về được. Một lúc sau, con dâu của bà lật đật chạy về, chở mẹ chồng đi bệnh viện. Do vết thương ở tay khá nặng và sâu, bà Nhàn phải nằm viện hơn 10 ngày. Đáng nói, đây không phải là lần đầu bà Nhàn bị sét đánh bởi trước đó thần sét đã hai lần “hỏi thăm” khi bà đang ngồi im trong nhà mình. “Tính đến nay, tôi đã bị sét đánh 3 lần."
Lần đầu tiên là vào năm 2009. Sau khi tôi điều trị bình phục, chồng tôi đã đòi phải bán đất chuyển đi nơi khác sống nhưng tôi không đồng ý. Tôi nghĩ bao mồ hôi khai hoang vùng đất này giờ bỏ đi thì công sức bấy lâu đổ hết xuống sông xuống biển, thế là tôi bảo bố con ông đi thì cứ đi, có chết tôi cũng ở lại đây”. Thế là bà Nhàn đã “bám trụ” ở ngôi nhà đã hàng chục năm gắn bó.
Thế nhưng “thần sét” vẫn tiếp tục hỏi thăm bà, đó là vào năm 2010, trong lúc bà Nhàn đang múc nước vo gạo nấu cơm trước hiên nhà, ngoài trời đang mưa thì bỗng dưng một tiếng nổ rất đanh, nồi cơm trên tay bà văng ra xa, gạo rơi vãi tung tóe, bà bị sét đánh bất tỉnh tại chỗ. Đến khi tỉnh lại thì bà bị cháy xém một phần cánh tay, toàn bộ vật dụng dùng trong nhà như quạt điện, tivi đều bị… cháy hết.
Không rõ là vì sao mình lại bị sét đánh nhiều lần đến vậy nhưng vào 2 lần trước bà Nhàn chỉ bị ngất chứ không bị thương nên không mảy may sợ hãi. Ngày 22-7 vừa qua, bà lại bị sét đánh thêm một lần nữa, lần này thì bà bị thương tích nặng nề. Bà Nhàn nhớ lại: “Ngày hôm đó mưa to lắm, chẳng hiểu sao tôi cứ thấy bồn chồn trong người, linh tính mách bảo tôi sẽ có điều chẳng lành. Thú thật là tôi đã nghĩ đến việc mình sẽ bị sét đánh tiếp, thế là tôi chạy nhanh vào nhà ngồi lên giường quấn chăn lại và chốt chặt cửa ra vào. Cuối cùng, tôi vẫn bị sét đánh trúng người…”.
Cả tiếng đồng hồ nằm mê man bất tỉnh, đến khi tỉnh dậy cơ thể bà Nhàn toàn thân tím tái, tóc cháy xém, cánh tay trái không cử động được, trên bàn tay bị một vết sém dài khoảng 20cm. Bà Nhàn nhanh chóng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Bãi Chành, tỉnh Thanh Hóa. Bà Nguyễn Thị Lâm, hàng xóm cùng thôn với bà Nhàn cho biết: “Lần này bà Nhàn bị sét đánh là nặng nhất, lúc chúng tôi đến bà bị ngã mất máu nhiều tưởng không qua khỏi. Khi mới nghe chuyện bà Nhàn bị sét đánh nhiều lần thoát chết cả thôn chúng tôi chẳng ai tin cho đến khi hết lần này đến lần khác được tận mắt chứng kiến thì mới thấy đó là sự thật. Giờ mỗi khi trời nổi giông, sắp mưa là cả thôn chẳng ai dám lảng vảng gần khu vực nhà bà Nhàn”…
Những đồn thổi cần giải mã
Sau 3 lần thấy bà Nhàn bị “trời đánh không chết”, không ít người dân địa phương đã cho rằng mảnh đất mà bà Nhàn đang sinh sống trước đây nằm cạnh Quốc lộ 15A cũ. Năm 1972, có một chiếc xe ca chở thuốc tân dược đi qua đoạn đường này đã rơi vào tầm thả bom của máy bay địch. Chiếc xe chạy đến bìa rừng thì trúng bom, người và hàng trên xe đều bị đất chôn vùi. “Có thể căn nhà nơi bà Nhàn đang sống gần chỗ chiếc xe bị nạn, và số sắt thép để làm xe vẫn còn đó nên các vật liệu đó thu hút sấm sét.
Bà Nhàn chia sẻ thêm: “Tôi không phải là người gốc ở đây nên không biết chuyện ngày xưa. Nhưng bữa trước, khi đào hố trồng cây cao su trong vườn, tôi đã tìm thấy rất nhiều sắt gỉ và ốc vít nên cũng đoán đó có thể là vị trí của chiếc xe bị trúng bom năm xưa. Ngoài ra, có rất nhiều người đến nhà tôi chơi, khi ngủ lại, người nào mà yếu bóng vía thì đêm đến thường xuyên bị bóng đè”. Nói rồi bà Nhàn dẫn chúng tôi ra vị trí mà trong khi làm vườn có nhặt được nhiều đinh vít, các mảnh kim loại còn sót lại. Theo bà Nhàn: “Đó là một phần rất nhỏ mà tôi nhặt được còn số lượng lớn vẫn còn nằm dưới lòng đất”.
Ngoài lý giải tạm gọi là có cơ sở khoa học như nêu trên, không ít người dân giàu trí tưởng tượng đã bàn ra tán vào việc bà Nhàn liên tiếp bị sét đánh là câu chuyện có màu sắc tâm linh. Người ta còn đồn thổi bà Nhàn là “người trời”, nơi bà Nhàn sinh sống là “vùng đất bị trời hành”, nhưng tất cả chỉ là những lời đồn thổi thiếu căn cứ, gây hoang mang cho những người dân sống trong vùng.
Một người gần nhà bà Nhàn còn nói: “Cách chỗ bà Nhàn đang ở tầm 500m có một ngọn đồi rộng tầm 1ha, giữa đồi đó còn có một hòn đá khá lớn mà người dân trong vùng gọi là đồi ông Bụt và họ cho rằng hòn đá tượng trưng cho ông Bụt. Xung quanh ngọn đồi được cô lập bởi bốn bề là khe nước, nhưng mấy năm trở lại đây, ngọn đồi và hòn đá được xem là chốn tâm linh cho nhân dân trong vùng bởi cứ vào ngày 15, mùng 1 hàng tháng là họ lại sắm sửa lễ lạt đến hòn đá này để cầu xin ông Bụt cho sét thôi không còn giáng xuống vùng đất đó để họ an tâm làm ăn”.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, ngoài trường hợp bà Nhàn bị sét đánh thì trong thôn 8 cũng đã từng có người bị “thần sét” lấy mạng, đó là trường hợp của một phụ nữ tên là Phạm Thị Bùi. Bà Bùi sống cách nhà bà Nhàn khoảng 300m và bị sét đánh chết vào năm 2008 khi bà đang làm cỏ trên nương mía. Như vậy khả năng sét hay đánh vào khu vực này là do có nhiều đinh ốc bằng kim loại từ trước còn sót lại chứ chẳng phải vùng đất bị trời hành nào cả.