Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cả họ hoang mang vì lời đồn người bị sét đánh “báo thù”

(DS&PL) -

Chưa giải thích được nguyên do, những ngày này xóm nhỏ nơi chân núi nặng nề không khí tang thương sợ hãi, người ta lập miếu thổ địa để “cầu xin Thiên Lôi tha thứ”.

Sau vụ việc bốn người dân ở xã Liên Sơn (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) bị sét đánh chết tại chỗ cùng một thời điểm, hai người trong một dòng họ đi giúp đám tang sau đó cũng lần lượt qua đời. Chưa giải thích được nguyên do, những ngày này xóm nhỏ nơi chân núi nặng nề không khí tang thương sợ hãi, người ta lập miếu thổ địa để “cầu xin Thiên Lôi tha thứ”.

Luồng sáng bí ẩn cướp bốn mạng người

Con đường dẫn vào xã Liên Sơn dốc thẳng đứng trườn bên bờ vực sâu hun hút, càng trở nên trơn trượt hơn hơn sau trận mưa đêm hôm trước. Xã Liên Sơn chỉ cách quốc lộ 1A quãng đường khoảng 20km nhưng mất cả buổi mới vào đến “vùng đất sét đánh”.

Thôn Hợp Đường lèo tèo vài nóc nhà chơ vơ bên sườn núi vẫn im ắng đến hiu quạnh, dù đã giữa trưa nhưng nhà nào cũng cài then im ỉm. Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được nhà ông Vi Văn Quân, người may mắn sống sót sau vụ sét đánh hãi hùng hai tháng trước.

Buổi chiều định mệnh 6/5, như thường lệ dân làng thường hay rủ nhau đuổi trâu lên đồi Vản Túng cách làng khoảng 5 km, là ngọn đồi cao nhất khu vực, dễ bề quan sát đàn trâu bò. Sau khi thả trâu dưới chân núi, những người chăn trâu mới leo lên lán trên đỉnh núi.

Bỗng dưng lúc đó những đám mây đen kịt kéo đến khiến bầu trời nhuốm màu âm u. Rồi nhoằng một cái, một luồng sáng lóa mắt xuất hiện và trong tích tắc, những người đang ngồi trong lán nằm bất tỉnh nhân sự.

“Đến khi tỉnh dậy, tôi thấy cảnh tượng kinh hoàng ở ngay trước mặt, thi thể anh em hàng xóm nằm la liệt bên ngoài lán, người thì bị sét đánh cháy hết quần áo, chỉ còn chừa lại được phần che phần bộ hạ, người bị sét đánh rách hết một bên áo và quần. Cạnh đó có thêm hai con chó cũng bị sét đánh chết rũ rượi. Nằm lê lết một lúc, đầu óc choáng vàng, mãi một lúc sau tôi mới lờ mờ nhớ lại được sự việc”, ông Quân vẫn chưa hết kinh hoàng.

Trong số 8 người ở trên đỉnh đồi hôm đó, bốn người đã mất mạng chỉ sau một giây, bốn người còn lại may mắn “cao số” nên sống sót. Hai thanh niên trong số người còn sống thu hết số sức tàn trong người, lúc thì cà nhắc chân, lúc thì bò bằng cả tứ chi nặng nhọc xuống núi báo tin cho dân bản. Xóm núi náo loạn, mọi người từ nhỏ đến lớn bỏ hết công việc đang dở dang, hốt hoảng lao lên đỉnh núi khiêng xác người bị nạn. Dòng người hoang mang cùng những tiếng khóc rền rĩ ám ảnh cả vùng núi thê lương.

Người già trong bản nhận thấy hiện trường vụ việc khá lạ lùng. Đoán là bị sét đánh nhưng không như những vụ “Trời phạt” khác thì nạn nhân phải cháy đen thui; ở đây cái lán vẫn nguyên vẹn như lúc đầu, không suy suyển đến một tàu lá khô.

Còn những người bị sét đánh mất mạng thì thi thể chỉ hốc hác, có người như héo quắt vì nước trong cơ thể đã bị sức mạnh nào đó “vắt” kiệt, đầu tóc ai cũng rũ rượi chứ không cháy sém. Những chiếc điện thoại của các nạn nhân cũng chỉ bị cháy SIM, thay SIM khác vào thì lại hoạt động bình thường.

Vụ việc cùng lúc bốn người bị “Trời phạt” làm người trong vùng bàn tán xôn xao. Có người cho rằng đó là “ma” bắt làng phải chịu tội; có người thì bảo đó là ngọn núi cao, những người chăn trâu mang theo con dao nên bị sét đánh; lại còn có người “mù tịt” về khoa học kỹ thuật, lại đổ lỗi cho “máy điện thoại di động gọi Thiên Lôi đến”. Bước đầu cơ quan chức năng đã lập đoàn kiểm tra gồm những cán bộ địa chất huyện xuống xem xét, dự đoán nguyên nhân có thể do quả đồi nằm trên một mỏ quặng nên thu hút sét trời. Thế nhưng do tai nạn làm quá nhiều người chết, cùng những dấu hiệu hiện trường bất thường nên những lời đồn đoán “ma quỷ” vẫn còn “đất sống”.

Ông Chu Văn Vĩnh, Trưởng thôn Hợp Đường cho hay chưa bao giờ xóm núi này phải chịu nhiều tang thương như vậy. Do phần lớn người trong thôn đều có họ hàng “dây mơ rễ má” với nhau, nên bốn đám ma đã phủ trắng khăn tang lên đầu người dân cả xóm. Xóm làng thê lương với tiếng kèn đám ma rền rĩ, bầu không khí thê lương mệt mỏi. Người dân trong bản đã không thể nào đủ sức để làm đám nữa, phải huy động đến những người dân của các thôn khác trong xã.

Sau những đêm thức trắng làm đám tang, lại là những đêm không ngủ canh mộ người chết. Hoang mang trước những lời đồn đại tay của người bị sét đánh là “báu vật yểm bùa” của kẻ gian; sợ mộ bị quật nên chỉ cần thấy người lạ là người làng lại cảnh giác. “Chỉ có một tiếng động giữa đêm, có khi cả bản phải nháo nhác thức giấc bật đèn đuốc soi mộ”, một người làng nhớ lại.

Ảnh minh họa.

Dòng họ bị “vạ lây”

Trong khi nỗi buồn vẫn chưa nguôi ngoai thì những sự kiện chết chóc lại nuối tiếp nhau tìm đến. Những người đến phục vụ đám tang một cách nhiệt tình nhất sau khi về nhà bỗng dưng ốm li bì, đi khám cũng chẳng biết nguyên nhân. Đó là bốn thanh niên cùng người họ Dương ở thôn Thiên Cần kế bên. Từ hôm đi đưa đám trở về, cả bốn người xuất hiện biểu hiện lạ, ốm vặt, càng ngày bệnh càng nặng và khoàng gần một tháng sau thì hai thanh niên cùng sinh năm 1976 trút hơi thở cuối cùng, những người còn lại cũng đang hấp hối.

Ông Dương Văn Điểm, trưởng thôn Thiên Cần cho biết bốn người bị “vạ lây” đó là Dương Văn Thế, Dương Văn Giếng, Dương Văn Sến, Dương Văn Giang. Đầu tiên là cái chết thuộc dạng kỳ quái, không thể giải thích được của anh Thế. Sau khi đi giúp đám về, anh Thế vẫn đi làm việc bình thường, đến khoảng 7h tối thấy tự dưng ngã quỵ rồi đột tử dù trước đó hoàn toàn khỏe mạnh, không có tiểu sử về bệnh tật nguy hiểm.

Em trai của anh Thế kể lại trong hãi hùng: “Hôm trước vẫn thấy anh ấy khỏe mạnh và làm việc bình thường, chỉ thấy có vẻ hơi mệt mỏi, mọi người nghĩ chắc do làm lụng quá sức thôi. Đùng một cái, đến tối thấy anh ấy đột quỵ ngã lăn xuống đất rồi tắt thở. Có bệnh gì mà chết nhanh thế được?”.

Càng hoang mang hơn nữa khi trong đám tang của anh Thế, nhiều người dự đám tang đều đau bụng quằn quại. Đau dữ dội nhất là trường hợp anh Dương Văn Sến, đến mức không chịu đựng được nữa và phải vời “thầy cúng” về “giúp”.

Người này cho rằng “hồn mày đã xuống áo quan người chết đang nằm trong nhà kìa, phải khoan lỗ ở áo quan mới mong lấy được “hồn” ra ngoài, nếu không mày cũng sẽ chết”. Người trong họ hoảng loạn, “có bệnh thì vái tứ phương” nên làm theo thầy và quả thật sau đó không hiểu vì sao anh Sến dứt cơn đau bụng thật.

Chưa hết bàng hoàng về cái chết này, hai ngày sau thì cả họ thêm hoảng hốt khi người chú ruột của anh là anh Giếng cũng xuất hiện những biểu hiện lạ “như bị ma nhập” rồi qua đời. Người thân của các nạn nhân cho biết anh Giếng chính là một trong những người khênh áo quan người bị sét đánh, rồi của cháu ruột mình ra đồng chôn cất.

“Trước khi mất chú ấy có rất nhiều biểu hiện lạ. Buổi sáng hôm ấy vẫn tự đi lấy thuốc về uống, nhưng đến buổi chiều thì người đã ốm yếu, suy nhược, toàn thân nóng như lửa đốt nhưng lại không toát mồ hôi, sờ tay lên trán không thấy có hiện tượng nóng hay lạnh đột ngột.

Người nhà đánh gió, giải nhiệt cũng không thấy khỏi. Khi đưa xuống trạm y tế thì không kịp nữa. Khi người nhà đưa về, khoảng 11h đêm thì chú ấy môi đã cứng đơ, mắt trợn trắng dã.

Lúc hấp hối, chú ấy vẫn mở mồm nói được một câu cuối cùng: “Tao đến lâu rồi mà sao chúng mày không cho tao ăn”, một người anh họ của người chết sợ hãi thuật lại cảnh tượng đó

Dòng họ Dương chỉ trong mấy ngày phải chịu hai cái đám tang của hai chú cháu sinh cùng sinh năm 1976. Những trùng hợp về hiện tượng lạ, những cái chết không rõ nguyên nhân chưa thể giải thích khiến một số người mê muội đi bói toán, cầu cúng.

Làn sóng đồn đại thêu dệt về chuyện “những linh hồn những người bị sét đánh muốn lấy hồn người sống để có thể siêu thoát ở thế giới bên kia” khiến người ta hoang mang lo sợ. Họ càng hoảng loạn hơn khi nghe những đối tượng tự xưng “thầy bói” phán rằng: “Nếu không giải hạn thì cả họ sẽ chết”.

“Thầy bói” trục lợi trên sự mê muội kiếm miếng ăn

Sự kiện cả dòng họ hoang mang lắm là cơ hội cho những kẻ bói toán, cầu cúng trục lợi. Mỗi “thầy” phán một kiểu. Có đối tượng “quở” rằng “mấy người trong làng đi giúp đám tang của người thôn khác mà không xin phép thần linh nên bị trừng trị”.

Có đối tượng bịa đặt chuyện nhảm nhí như cổ tích: “Có người trong họ đã xâm phạm đến miếu thờ thổ địa mà chưa xin phép nên bị cả họ bị vạ lây. Nếu không cúng lễ và xin thổ công tha thứ thì cả họ sẽ chết”. Đang lúc hoang mang như người sắp chết đuối, lời nói của những đối tượng mê tín dị đoan như là một cái phao để họ bấu víu. Người trong họ huy động già, trẻ, gái trai vội vã chuẩn bị đồ cúng tế, linh đình làm lễ cầu cúng “xin thổ địa tha thứ”.

Bà mẹ của nạn nhân Thế chưa hết đau khổ về cái chết của, con tiếp tục gánh thêm đau khổ khác khi "ngụp đầu" trong đống nợ nần. Dáng người bà héo hắt gầy gò suy nhược sau bao đêm mất ngủ vì thương con và lo lắng ma chay, cúng bái. Bà mẹ tội nghiệp này đã đi khắp nơi vay mượn để mua được hai con lợn về làm đám, vay thêm 3 triệu để mua áo quan, thêm vào đó còn những khoản tiền cúng bái, tính sơ sơ tổng chi phí khoảng trên 20 triệu.

“Biết là làm đến bao giờ mới trả hết nợ, nhưng nếu không làm thế thì cả nhà chết hết”, người mẹ thương con này vẫn chưa hết u mê, hoang mang.

Cả dòng họ Dương còn họp bàn, góp một số tiền để lập lại miếu thờ thổ địa, không quên kèm theo một “lễ tạ” “nhà mới cho thần linh”. Đã mất cả tháng trời sống trong lo âu, mệt mỏi, họ mới trở lại làm nương mà tinh thần vẫn chưa nguôi bất an.

Ông Dương Văn Thường, Chủ tịch xã Liên Sơn cho biết cùng một thời gian ngắn mà trong xã có đến 6 người qua đời từ những lý do lạ hoặc chưa rõ nguyên nhân, từ đó những đối tượng mê tín dị đoan đã lấy cớ đồn đại, gây tâm lý hoang mang trong dư luận. Về cái chết của bốn người bị sét đánh, ông chủ tịch xã khẳng định đó là thiên tai không thể lường trước. Còn trong vụ việc anh Thế chết mà bị thêu dệt là “âm hồn người bị sét đánh bắt đi”, sự thật là hai bữa trước khi qua đời, thanh niên này đã bị ngã xe và có thể bị vết thương kín, dẫn đến tử vong.

Về việc những người đến dự đám tang bị đau bụng, ốm đau, chính quyền xã dự đoán nguyên nhân là do nguồn nước hoặc thực phẩm không được đun nấu cẩn thận, rau cỏ có nhiễm hóa chất... Những trường hợp đau ốm này đã được đưa xuống bệnh viện khám và truyền nước, nay đã khỏi trở về, hiện không thấy dấu hiệu tái phát.

Chủ tịch xã Dương Văn Thường cho biết: “Do trình độ của một số người trong địa phương còn kém, công tác vận động tuyên truyền cũng chưa được tốt nên đã dẫn đến một số hiện tượng mê tín dị đoan nêu trên tại địa bàn. Qua sự việc này, chúng tôi sẽ rút ra bài học, tăng cường vận động tuyên truyền đời sống văn hóa mới để người dân hiểu ra vấn đề, bài trừ mê tín dị đoan”.

Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cơn dông được hình thành khi có khối không khí nóng ẩm chuyển động đi lên

Trong quá trình này xảy ra sự phân chia điện tích trong đám mây. Khi các vùng điện tích đủ mạnh sẽ xảy ra phóng điện sét.

Nguy hiểm nhất là khi sét đánh thẳng vào người nạn nhân, khi ấy, cứ 10 người bị sét đánh thẳng thì có tới 8 người chết. Ít nguy hiểm hơn là khi nạn nhân đứng cạnh hoặc tiếp xúc với vật bị sét đánh. Sét có thể lan truyền trên mặt đất từ vị trí sét đánh đến vị trí nạn nhân gây giật.

Thông thường sét thường lựa chọn vị trí cao hơn xung quanh để phóng. Ở cánh đồng thì cây cối, chòi trú mưa hay bản thân người cũng cao hơn xung quanh và vì vậy dễ bị sét đánh vào.

Vì sét là một hiện tượng tự nhiên nên không có vị trí an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, việc chủ động phòng tránh sét có thể làm giảm nguy cơ bị sét đánh. Cần phải nghe dự báo thời tiết, để lên kế hoạch làm việc, đề phòng. Khi cơn dông sắp xảy ra, biện pháp tránh sét tốt nhất là nên về nhà (có lắp đặt hệ thống chống sét).

Khi ở trong nhà không nên nghe điện thoại bàn, tránh xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, và những nơi ẩm ướt như phòng tắm, bể nước.

Cần phải rút hết các nguồn nối với nguồn điện lưới để tránh sét đánh lan truyền.

Đối với những người đang lao động ngoài trời, trong trường hợp không kịp tìm nơi ẩn náu an toàn thì tuyệt đối không tìm đến các gốc cây to; tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, xe máy và các hàng rào sắt.

Nên tìm chỗ khô ráo, vị trí càng thấp càng tốt và phần tiếp xúc của người với mặt đất là ít nhất. Không được nằm xuống đất, đứng xa các vật cao, ra ngay khỏi những nơi chứa nước như ao hồ, mương.

Nếu ở trong rừng thì tìm những nơi cây thấp và thưa để tránh. Không đứng thành nhóm người gần nhau.

Cũng trong thời gian bốn người chết vì sét đánh tại huyện Chi Lăng, tại xã Gia Cát (huyện Cao Lộc cùng tỉnh Lạng Sơn), cũng có 2 người bị sét đánh là một bà cụ và một cháu nhỏ khi đang chăn trâu ngoài đồng.

Khi thấy có mưa và dông, những nạn nhân này đã đưa trâu về chuồng, nhưng vừa đến đầu thôn thì trúng “lưỡi tầm sét”, tử vong tại chỗ. Một ngày sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn và các huyện Chi Lăng, Cao Lộc đã thành lập tổ công tác đến thăm hỏi, hỗ trợ mỗi gia đình có người bị sét đánh chết 5 triệu đồng.

Tin nổi bật